Độc đáo nghề chằm nón ngựa Phú Gia 200 năm tuổi trên đất võ Bình Định

Độc đáo nghề chằm nón ngựa Phú Gia 200 năm tuổi trên đất võ Bình Định

(PLO)- Sở VH&TT tỉnh Bình Định đã hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể.

Ngày 11-2 (mùng 2 Tết), trao đổi với PLO, ông Huỳnh Văn Lợi (Phó Giám đốc Sở VH&TT tỉnh Bình Định) cho hay tháng 12-2023, Sở hoàn thiện hồ sơ trình Bộ VH-TT&DL công nhận nghề chằm nón ngựa Phú Gia là di sản văn hóa phi vật thể.

nón ngựa Phú Gia
Nghề chằm nón ngựa Phú Gia 200 năm tuổi trên hành trình trở thành di sản. Ảnh:VL

Trăm năm nghề chằm nón ngựa

Nghề chằm nón ngựa Phú Gia là nghề truyền thống tiêu biểu, gắn kết với đời sống xã hội ở Bình Định, đã trở thành địa chỉ tham quan, nghiên cứu, trải nghiệm về quá trình hình thành, phát triển mô hình làng nông thôn gắn với nghề truyền thống chằm nón lâu đời. Làng nghề nón ngựa Phú Gia là không gian di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng, tiêu biểu về loại hình nghề thủ công truyền thống.

4.jpg
Nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định). Ảnh: THU DỊU

Nghề truyền thống chằm nón ngựa Phú Gia được hình thành trên 200 năm, gắn kết với quá trình lập làng, hình thành nét đặc trưng rất riêng ở Bình Định. Làng nghề là một hồi ức về không gian chế tác hàng thủ công mỹ nghệ độc đáo, ẩn chứa nét văn hóa làng xã Bình Định qua nhiều giai đoạn trong diễn trình lịch sử.

3.jpg
Bà Huỳnh Thị Hạnh cho biết nón ngựa tạo nên từ những bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ thủ công gắn bó với nghề khi còn rất trẻ. Ảnh: THU DỊU

Chiếc nón được tạo nên từ những bàn tay khéo léo, tài hoa của người thợ thủ công gắn bó với nghề từ khi còn rất trẻ. Từ chiếc nón ngựa, có thể cảm nhận được một thời kỳ lịch sử tái hiện với nhiều nét văn hóa trong đời sống xã hội Việt Nam xưa ở Bình Định.

1.jpg
Ở Phú Gia có 300 hộ làm nón, nhiều gia đình giữ nghề truyền thống này 200 năm. Ảnh: THU DỊU

Các hoạt động chế tác nón ngựa mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu quê hương đất nước, là niềm tự hào vì nó gắn liền với miền đất võ Bình Định, gắn liền với nghĩa quân Tây Sơn năm xưa; từ đó khơi dậy tinh thần tiếp nối truyền thống trong nhân dân, cố gắng trong lao động, sản xuất để xây dựng vùng đất lịch sử thêm giàu đẹp.

IMG_1062.JPG
Nghệ nhân Trần Thị Kéo (bên trái ảnh) chằm từng công đoạn trên chiếc nón ngựa. Ảnh: THU DỊU

Đến nay, Phú Gia có gần 300 hộ làm nón. Nhiều hộ gia đình làm nghề chằm nón trên 200 năm và được truyền đời này sang đời khác. Làng nghề nón ngựa Phú Gia đã được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống.

Giữ nghề, vinh danh nghề truyền thống

Người dân ở Phú Gia cho hay gọi nón ngựa bởi chiếc nón có được sự dẻo dai, bền bỉ, và gắn với một số nhà chức trách đương thời dùng đội khi cưỡi ngựa, một thời là kỷ vật quyền uy cho người đội khi cưỡi ngựa. Nó biểu tượng cho sự mạnh mẽ, uy nghiêm của con nhà võ, gắn với hình ảnh nghĩa quân Tây Sơn thần tốc.

IMG_1041.JPG
Nón ngựa ngày trước là biểu trưng của quyền uy. Nón ngựa ngày nay là sản phẩm du lịch đặc trưng của làng nghề. Ảnh: THU DỊU

Ngày nay, nón ngựa trở thành sản phẩm đặc trưng, sản phẩm du lịch của làng nghề Phú Gia.

Gia đình nghệ nhân Đỗ Văn Lan, một trong những gia đình có năm thế hệ giữ nghề chằm nón ngựa, nói: "Ngày xưa, những thế hệ nghệ nhân thời trước ở đây làm ra chiếc nón này chủ yếu để phục vụ cho vua, quan đội khi ngồi trên lưng ngựa. Đặc biệt vào thời Hoàng đế Quang Trung, nón Phú Gia - nón lá Bình Định đã gắn liền với đội quân thần tốc Tây Sơn. Bây giờ nón ngựa đã hòa vào đời sống sinh hoạt của người dân, là sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương".

IMG_1059.JPG
Nghệ nhân Đỗ Văn Lan giới thiệu về đặc sắc của nón ngựa với du khách tới thăm quan làng nghề. Ảnh: THU DỊU

"Chằm nón ngựa là một nghề đòi hỏi sự sáng tạo trong đường nét, trong thêu chỉ, tạo dáng. Nón ngựa kỳ công, để làm được chiếc nón đẹp người làm phải trải qua nhiều công đoạn. Với chúng tôi, nón ngựa Phú Gia không chỉ là một nghề truyền thống mà ở đó khi gọi tên nó còn gắn với niềm tự hào riêng của người dân nơi đây", - bà Huỳnh Thị Bích Phong (54 tuổi) thôn Phú Gia, nói.

4.jpg
Bà Huỳnh Thị Bích Phong (bên trái ảnh) tự hào khi biết nghề chằm nón ngựa của làng nghề được trình đề của di sản văn hóa phi vật thể. Ảnh: THU DỊU

Ông Huỳnh Văn Lợi (Phó Giám đốc Sở VHTT tỉnh Bình Định) cho hay thời gian qua UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở VHTT đã phối hợp với UBND huyện Phù Cát và các tổ chức, cá nhân liên quan lập hồ sơ khoa học nghề chằm nón ngựa Phú Gia trình Bộ VH-TT&DL xem xét đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

7.jpg
Nón ngựa Phú Gia với họa tiết rồng chào năm mới Giáp Thìn 2024. Ảnh: NGỌC NGỌC

“Đến nay, hồ sơ đã đủ điều kiện theo quy định tại Thông tư số 04/2010/TT-BVHTTDL ngày 30-6-2010 của Bộ VH-TT&DL quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và các văn bản hướng dẫn liên quan”- ông Huỳnh Văn Lợi thông tin thêm.

9.jpg
Nón ngựa Phú Gia là quà tặng đặc biệt được Sở Ngoại vụ tỉnh Bình Định tặng Quốc vương và Hoàng hậu của Vương quốc LESOTHO năm 2020. Ảnh: NGỌC NGỌC

"Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nón ngựa giờ đây đi dần vào đời sống của nhân dân, du khách thập phương và thay đổi dần cho phù hợp với nhu cầu của người dân lao động cũng như du khách. Nón ngựa Phú Gia trở thành một vật dụng quen thuộc hàng ngày của bà con nơi đây.

Giữa cuộc sống hiện đại, các loại mũ, nón hợp thời trang ra đời đã làm điêu đứng cho các loại nón truyền thống, song người phụ nữ Phú Gia vẫn giữ cho mình một chiếc nón đội đầu vừa duyên dáng vừa quý phái. Nón đã theo chân người nông thôn ra đồng, cùng các chị trong những buổi chợ sớm hôm, được bà dùng làm quà cho các cháu, để quạt cho các cháu khi kể những câu chuyện ngày xưa dưới lũy tre làng, được các mẹ sụt sùi nước mắt trao cho đứa con gái như một lời nhắn nhủ thương yêu trước khi lên xe hoa về nhà chồng…

Hình ảnh nón ngựa thực sự đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống của người dân Phú Gia nói riêng và người Bình Định nói chung".

Ông NGUYỄN VĂN NGỌC, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định - trực thuộc Sở VHTT tỉnh, Ủy viên Ban Chấp hành Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Bình Định.

Đọc thêm