Vở Người ven đô: Lê Tứ, Võ Minh Lâm khiến khán giả nức lòng khi vào vai của Út Trà Ôn, Thành Được

(PLO)- Vai diễn của cố NSND Út Trà Ôn, Thành Được được Lê Tứ, Võ Minh Lâm thể hiện lại trong vở Người ven đô phiên bản 2024 nhận được nhiều khen ngợi từ khán giả.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người Ven Đô của cố tác giả Minh Khoa là vở cải lương quen thuộc đối với người dân miền Nam vào thập niên 80-90 với sự tham gia của các nghệ sĩ như Thành Được, Út Trà Ôn, Út Bạch Lan… tại đoàn Sài Gòn 1.

Nhân dịp kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 – 30-4-2024), vào tối 27-4, sân khấu Đại Việt đã công diễn vở Người ven đô do NSƯT Hoa Hạ dàn dựng lại.

Người ven đô
Người ven đô phiên bản 2024 có sự tham gia của NSND Phương Loan, NSND Hoa Phượng, NSƯT Lê Tứ, Võ Minh Lâm, Lê Hồng Thắm, Trọng Nghĩa, Bảo Trí, Minh Trường..

Lát cắt lịch sử về một miền Nam anh hùng

Người ven đôcâu chuyện kể về người dân 18 thôn vườn trầu (Hóc Môn) anh dũng, kiên trung một lòng theo cách mạng trong giai đoạn kháng chiến chống Mĩ.

Ở mảnh đất ấy, khán giả thấy được tình yêu thương gia đình, tình yêu lứa đôi của những người nông dân chất phác.

nguoi-ven-do (2).JPG
Tình yêu lứa đôi giữa những ngày bom đạn

Nhưng vượt lên trên những điều đó chính là tình yêu nước lớn lao khi có gia đình ông Bảy Đờn (NSƯT Võ Minh Lâm), ông Tám Khoẻ (NSƯT Lê Tứ) chấp nhận hi sinh, chịu đớn đau tinh thần, thể xác để có thể bảo vệ Sáu Hộ, người cộng sản cuối cùng có ảnh hưởng lớn đến cuộc chiến đấu trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.

Từ thế hệ cha ông đến con cháu đều một lòng mong đất nước được thống nhất, thoát khỏi ách thống trị của đế quốc.

Nhưng để có được những chiến thắng vang dội, những người nông dân hiền lành, chất phát đã phải trả cái giá quá lớn.

nguoi-ven-do8.JPG
Ông Tám Khoẻ vì bảo vệ con cháu đã phải thốt lên "Tôi là Tám Khỏe. Tôi xin tuyên bố ly khai với Việt cộng!" khiến ông dằn vặt với lương tâm để rồi trở nên điên loạn
nguoi-ven-do11.jpg
...hay ông Bảy Đờn bị chọc mù mắt để “làm gương” cho dân làng bị chống Mỹ.

Bên cạnh đó còn có Nghĩa (NSƯT Lê Hồng Thắm), Công (Minh Trường)… cũng chấp nhận bị xỉ vả, mắng mỏ, bị chính gia đình căm ghét khi mang tiếng theo nguỵ, khoác áo lính nguỵ để có thể hoàn thành nhiệm vụ làm gián điệp hỗ trợ cho lực lượng cách mạng.

nguoi-ven-do6.JPG
Công (Minh Trường) bị xỉ vả khi khoác áo lính kẻ thù

Có thể nói, vở Người ven đô là một lát cắt lịch sử về một miền Nam anh hùng, nơi có những con người chân chất được khắc hoạ đầy chân thực, như câu nói của nhân vật vợ Bảy Đờn (NSND Hoa Phượng) "đánh chết mẹ bọn nó" khi giặc tấn công quê hương khiến khán giả vỗ tay liên tục hay hình ảnh người phụ nữ Nam Bộ của Tư Hà (NSND Phượng Loan)… Và dù cuộc chiến có tàn khốc bao nhiêu thì tình người, sự yêu thương bao bọc giữa người vẫn luôn sáng tỏ.

Một đoạn kết hợp giữa ông Bảy Đờn và Tám Khoẻ trong Người ven đô. Video: VĂN HÀ

Áp lực đối với thế hệ nghệ sĩ trẻ

Trong Người ven đô, vai Bảy Đờn và Tám Khoẻ là hai nhân vật điển hình, đại diện cho người miền Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ.

Hai vai diễn đã được Thành Được và Út Trà Ôn thể hiện quá thành công chính vì lẽ đó khi Người ven đô được dựng lại đã đặt ra một thách thức lớn đối với hai nghệ sĩ đảm nhận hai vai này là Võ Minh Lâm, Lê Tứ.

Đảm nhận vai Bảy Đờn của nghệ sĩ Thành Được, Võ Minh Lâm lần đầu tiên vào một kép lão. Để đảm nhận vai lão hơn 70 tuổi, nam nghệ sĩ đã phải tập luyện về dáng đi, tướng đứng, giọng điệu…và phải làm sao giữ được cái tự chủ của bản thân với từng phản xạ phản ứng của một "ông già".

nguoi-ven-do3.JPG
NSƯT Võ Minh Lâm vào vai ông Tư Đờn vai diễn NS Thành Được từng thể hiện trước đó

Chia sẻ với PLO, Võ Minh Lâm cho biết bản thân rất áp lực khi vào vai một ông già chất phác, nhưng lý tưởng cách mạng rất lớn mà nghệ sĩ Thành Được đã thể hiện quá thành công.

"Khi soạn giả Hoàng Song Việt cũng như sân khấu Đại Việt mời tôi diễn vai này trong Người ven đô tôi không dám nhận vì tôi không đủ tự tin.

nguoi-ven-do14.JPG

Nhưng khi đọc kịch bản thoại xong tôi nghĩ vai này cũng khá phù hợp với mình và khi đã ở trong thời bình không hiểu được chiến tranh như thế nào tôi cũng về xem tư liệu, những gì tôi cảm nhận được qua những tác phẩm, qua vở Người ven đô đã rất thành công của chú Thành Được, Út Trà Ôn…

Tôi không nghĩ mình đã làm được một điều với tôi là không tưởng. Khán giả khi xem vở sẽ không thấy một Võ Minh Lâm trên sân khấu từ trước đến nay mà là một ông Bảy Đờn vô cùng yêu nước, tri thức" – Võ Minh Lâm bày tỏ.

Với sự nỗ lực, Võ Minh Lâm đã nhận được những khen ngợi khi lột tả được một ông già miền Nam hiểu biết, tình nghĩa, yêu nước, yêu ghét rõ ràng.

Trong suốt vở diễn, nỗi đau mất nước hay sự im lặng để không bị ảnh hưởng đến xóm làng khi ông Bảy Đờn bị móc mắt được Võ Minh Lâm thể hiện khiến khán giả phải "nổi da gà".

nguoi-ven-do13.JPG
Bên cạnh đó, nỗi đau xé lòng khi con theo địch hay nỗi uất hận cũng được thể hiện qua từng ánh mắt, tiếng nấc nghẹn… của chính ông Bảy Đờn nhận về những tràn vỗ tay liên tục.

Bọn chúng đã cướp mày trên tay của tao, còn tao thì không ai có thể khoá được trái tim tao. Tao thề! Tao thề là tao theo Việt Cộng suốt đời.

Ông Bảy Đờn (Võ Minh Lâm) nói với con gái

Còn với Lê Tứ, đảm nhận vai Tám Khoẻ của NSND Út Trà Ôn, nam nghệ sĩ đã lột tả được một người cha, người ông yêu con cháu nhưng cao cả hơn là tình yêu nước luôn cháy bỏng. Thế nhưng vì tình thương con cháu trước thủ đoạn của kẻ thù mà chấp nhận nói lời không muốn để rồi tự dằn vặt mình trở thành người nửa điên nửa tỉnh.

nguoi-ven-do (4).JPG
NSƯT Lê Tứ vào vai Tám Khoẻ của NSND Út Trà Ôn

Chia sẻ với PLO, Lê Tứ tiết lộ ban đầu cũng hơi lo nhưng khi công diễn xong anh thấy nhẹ lòng hơn.

"Thật ra vai diễn của tôi trong Người ven đô không quá nhiều phân cảnh, nhưng có những lớp diễn mà tôi xem các nghệ sĩ đi trước diễn rất xuất thần nên tôi cũng cố gắng hết mức có thể.

Để tập vai diễn tôi không chỉ học hỏi ở các nghệ sĩ trước mà còn tập trung hết sức mình bởi thời gian tập so với các bác ngày xưa rất ít.

Người ven đô
Hình ảnh ý nghĩa trong vở "Người ven đô"

Lúc đó các bác hát nhiều rồi mới quay hình còn bây giờ tôi chỉ tập luyện trong nửa tháng là tôi phải hoàn thành vai này cho nên khá khó khăn. Tôi nghĩ nếu vở này mà tập nhiều hơn có thời gian để nhuần nhuyễn hơn nữa thì chúng tôi sẽ lấy được lòng khán giả" – Lê Tứ bày tỏ.

Đối với khó khăn của vai Tám Khoẻ, Lê Tứ nhận định là sự khắc hoạ về giọng nói, cách ca, dáng đứng, tướng đi …

"Tôi phải cảm thụ và tập trung rất nhiều nhất là hình thể của người già, giọng nói, dáng đứng, tướng đi, cách ca... để làm sao nhấn nhá chữ cho nó lão thì điều đó khiến tôi tốn hơi tốn sức so với vai kép bình thường"– Lê Tứ bày tỏ.

Dẫu một số khán giả nhận xét diễn xuất lên gân hơi quá khiến cho vở như tuyên truyền khẩu hiệu nhưng có thể nhìn nhận rằng, là một thế hệ trẻ lớn lên ở thời bình như Lê Tứ, Võ Minh Lâm nhưng cả hai đã giúp khán giả hình dung, thấy được sự hi sinh mất mát của cha ông trong công cuộc giải phóng đất nước.

nguoi-ven-do5.JPG
Bên cạnh những vai chính kịch của Lê Tứ, Võ Minh Lâm thì vai Tiền của nghệ sĩ Bảo Trí (phải) là một nốt nhạc vui cho vở. Có thể nói, một tên tay sai mưu mô nhưng cũng đầy hài hước được Bảo Trí thể hiện đã đem đến nhiều tiếng cười cho khán giả.

Được công diễn trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Người ven đô thực sự là bản anh hùng ca khiến khán giả và ngay cả diễn viên đều cảm thấy tự hào.

nguoi-ven-do12.JPG

"Vở diễn này gợi nhớ lại tinh thần hào hùng vô cùng mãnh liệt của cha ông xưa. Phải nói rằng được diễn trong dịp này với vở diễn này thì quá là may mắn, xúc động và tự hào" - NSƯT Võ minh Lâm bày tỏ.

nguoi-ven-do16.jpg
Từ trái sang: Võ Minh Lâm, soạn giả Hoàng Song Việt, đạo diễn Hoa Hạ và Lê Tứ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm