Từ sân bay quốc tế Đào Viên (TP Đài Bắc) trực chỉ khách sạn Grand Hotel uy nghi hoa lệ bậc nhất Đài Loan, ông Peter L.Y Chen, Vụ trưởng Vụ Giáo dục quốc tế Bộ Giáo dục Đài Loan, thông báo nhanh sau bữa cơm tối ông sẽ dẫn chúng tôi đi chơi chợ đêm.
Ông hóm hỉnh: "Đến TP Đài Bắc mà không đi chợ đêm Sĩ Lâm nằm ở quận Thạch Lâm xem như chưa đến Đài Loan". Bị thu hút bởi lời giới thiệu của ông Chen, những người cùng đi trong đoàn không một ai vắng mặt.
Trăm người bán vạn người mua
7 giờ tối, khu chợ đêm sầm uất bậc nhất Đài Loan đã tấp nập kẻ mua người bán. Tuy nhiên, ở đây không có tình trạng chen lấn như thường thấy ở các chợ đêm truyền thống. Ông Chen giải thích thật ra chợ đã hoạt động từ lúc 5 giờ chiều.
Các lối dẫn vào chợ dường như hẹp lại khi về khuya khách thập phương đổ về đông như nêm nhưng vẫn trật tự đến lạ. Tuyệt nhiên không có cảnh trả giá ì xèo. Dòng người liên tục di chuyển qua các hàng quán, cần gì thì sà vào mua rồi thanh toán rất nhanh gọn.
Khu giải trí, bách hóa thu hút nhiều người trẻ tuổi đến mua sắm và tham gia các chơi trò giải trí tại chợ đêm Sĩ Lâm, Đài Bắc, Đài Loan. Ảnh: P.ĐIỀN
Các lối dẫn vào chợ dường như hẹp lại khi về khuya khách thập phương đổ về đông như nêm nhưng vẫn trật tự đến lạ. Tuyệt nhiên không có cảnh trả giá ì xèo. Dòng người liên tục di chuyển qua các hàng quán, cần gì thì sà vào mua rồi thanh toán rất nhanh gọn.
Dòng người cứ thế đổ dồn về khu chợ được tạo lập từ cuối thế kỷ 19 để thưởng thức ẩm thực, gặp gỡ bạn bè và mua sắm cho mình những món đồ ưng ý. Không quá lời khi nói khu chợ này dù tấp nập nhưng rất ngăn nắp, hiếm thấy rác rến bừa bãi, chí ít là ở các hàng ăn.
Ông Chen giới thiệu Sĩ Lâm là một trong các khu chợ đêm lâu đời và sầm uất nhất của Đài Loan. Nơi đây không chỉ đơn thuần là nơi giao thương, điểm đến của du khách thập phương mà còn là nơi gặp gỡ, giải trí, ăn uống với bầu không khí vô cùng náo nhiệt.
Nhiều người lớn tuổi vẫn cần mẫn mưu sinh với gánh hàng truyền thống ở chợ đêm Sĩ Lâm. Ảnh: P.ĐIỀN
Chợ đêm Sĩ Lâm chia làm hai khu vực gồm khu ẩm thực và khu bách hóa. Khu bách hóa bố trí quanh nhà hát Dương Minh truyền thống và đền thờ cổ Chi Cheng trên đường Tá Nam. Tại đây, cơ man nào là hàng hóa từ thủ công đến công nghiệp mà nhãn mác đều dán chữ made in Taiwan. Khách thập phương có thể tìm mua từ cái kim, cuộn chỉ cho đến quần áo, mũ nón, giày dép, phụ kiện làm đẹp với mức giá khá dễ chịu. Muốn đi hết khu chợ này phải mất khoảng năm giờ đồng hồ.
Náo nhiệt nhất là khu ẩm thực với vô vàn các món nướng, chiên xào... mang đậm nét ẩm thực xứ Đài. Ảnh: P.ĐIỀN
Có lẽ náo nhiệt nhất là khu ẩm thực. Nhiều người lớn tuổi vẫn cần mẫn mưu sinh với gánh hàng gia truyền của mình giữa đêm khuya. Phải thừa nhận đây là thiên đường của các món ăn truyền thống chẳng lẫn vào đâu của xứ Đài, cơ man nào là món chiên xào, nướng tỏa mùi thơm ngậy.
Chợ nổi tiếng với hàng loạt các món ăn truyền thống của xứ Đài như hot dog nếp kẹp xúc xích, bánh bao, trứng tráng hàu, đậu phụ thối, bạch tuộc nướng, gà phi lê chiên… Và sẽ mất thú vị khi lạc vào thế giới ẩm thực mà không nhâm nhi món bạch tuộc xiên nướng quẹt tương ớt cay nồng kèm thêm món trà sữa trân châu mát lịm để tăng thêm độ khoái khẩu.
Những quán ăn truyền thống vẫn cần mẫn phục vụ thực khách giữa khuya. Ảnh: P.ĐIỀN
Một điều khá thú vị, tất cả con đường dẫn vào chợ đều được lát đá tinh xảo, dài hàng cây số. Nhắm chừng có người mỏi gối, ông Chen dẫn đoàn tới viếng ngôi đền cổ Chi Cheng nằm một góc ở khuôn viên chợ. Giữa dòng người bất tận, ồn ả, ngôi đền uy nghi, trầm mặc như một điểm nhấn tĩnh lặng và đầy huyền bí.
Đồng nghiệp đi cùng người Thái Lan tên Kun bị mê hoặc bởi ngôi đền cổ này anh theo sát gót ông Chen liên tục hỏi về xuất xứ của ngôi đền, tại sao đền hoàn toàn làm bằng đá và được thờ cúng thâm nghiêm. Là người am tường, ông Chen không mất nhiều thời gian để giải thích xuất xứ của ngôi đền trong sự gật gù của nhiều người đi cùng.
Rời chợ giữa khuya, phố xá TP Đài Bắc hoa lệ vẫn nhộn nhịp như cảnh thường thấy ở thành phố năng động. Trong lòng thành phố hiện đại này vẫn còn chỗ của giá trị truyền thống đang được thương dân chung tay vun xây. Và sự hiện diện của ẩm thực đường phố có lẽ là con đường ngắn nhất để người ta biết thêm nếp ăn, nếp nghĩ của cư dân nơi ấy.