Đọc gì trên Pháp Luật TP.HCM số Chủ nhật 15-7-2012?

Chuyên đề: Đầu tư công chèn ép đầu tư tư nhân

Đầu tư của nhà nước vào lĩnh vực nông nghiệp, khoa học, giáo dục - đào tạo có xu hướng giảm dần trong những năm qua. Trong khi đó, tỷ trọng đầu tư nhà nước vào các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và đoàn thể lại gia tăng.

Kiện trang tin điện tử được không?

Gần đây tại TP.HCM đã nổi lên không ít vụ kiện do giới ca sĩ, người mẫu, diễn viên kiện một số trang tin điện tử vì đưa tin không chính xác về họ. Đang thu hút sự quan tâm của dư luận là hai vụ kiện của diễn viên Ngân Khánh và Á hậu xế độ Nguyễn Thị Tuyết Nhung.

Sẽ không có gì đáng nói nếu như bị đơn trong các vụ kiện này là một cơ quan báo chí danh chính ngôn thuận, nhưng đây lại là các trang tin điện tử thuộc các công ty cổ phần. Trong khi đó pháp luật hầu như chưa có quy định cụ thể nào về việc xét xử các vụ kiện liên quan đến các trang tin điện tử.

Hiểm họa từ mạng Baidu, Trung Quốc

Sự “ra đời” (dang dở) của mạng xã hội Baidu Trà Quán và Baidu Hỏi Đáp đều yêu cầu người sử dụng phải đăng ký một tài khoản riêng với Baidu. Và có đến 95% người dùng internet có thói quen sử dụng tên đăng nhập và mật khẩu giống nhau cho mọi dịch vụ online. Kết quả là ngay sau khi bạn hoàn tất việc đăng ký tài khoản ở Baidu Trà Quán hay Hỏi Đáp thì cũng đồng nghĩa với việc bạn “dâng hai tay” toàn bộ tài khoản Yahoo, Gmail, Facebook… và đôi khi là cả tài khoản ngân hàng, chứng khoán cho công ty này rồi đó.

Nhạc sĩ Quốc Bảo và Câu chuyện văn hóa: Yến tiệc

Tiệc không chỉ là dịp tiêu tiền. Tiệc là dịp tiêu tiền đúng chỗ, để không phải tức vì trót tiêu hoang. Tiệc là cái thú, hay là cái họa, cũng khó nói, cũng đầy may rủi. Được một “event” thỏa mãn thì mừng râm ran, không thì khó chịu không để đâu cho hết.

Thì cứ tiệc đi. Phải trăm bữa họa may mới có mười bữa… coi được. Phải ăn với trăm người mới lựa được vài người hợp tính. Rồi bạn sẽ thấy đèn nến huy hoàng chưa chắc đã bằng bữa cháo khuya đèn dầu xóm nhỏ, nếu ta phải ăn với người ta không ưa.

Góc của Phạm Xuân Nguyên: Đề mở và giới hạn mở

Hai đề thi đại học môn Văn năm 2012: “Kẻ cơ hội thì nôn nóng tạo ra thành tích, người chân chính thì kiên nhẫn lập nên thành tựu” (khối C), và “Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa” (khối D) là hướng mở của một phần thi không nhằm kiểm tra kiến thức theo kiểu học thuộc mà nhằm đánh giá độ trưởng thành về nhận thức và tư duy của học sinh. Tuy nhiên, đề mở cũng nên mở cho học sinh cách độc lập suy nghĩ thay vì nghĩ theo lối người ta (ở đây là người ra đề) đã vạch sẵn.

Thí dụ câu về thần tượng có thể ra là: Anh/chị nghĩ gì về hiện tượng thần tượng trong xã hội ta hiện nay. Hoặc thu gọn hơn cho lứa tuổi thí sinh thì có thể ra: Anh/chị nghĩ gì về hiện tượng thần tượng trong lớp trẻ ở nước ta hiện nay. Khi đó những bài làm thu về sẽ cho ta biết được nhiều hơn những suy nghĩ đa chiều chủ động của thí sinh. Tôi tin là thế.

DS Lê Kim Phụng: Bệnh tiểu đường: Trái cây không đáng sợ

Ăn trái cây được không? Đây là nỗi băn khoăn của nhiều người khi có lượng đường huyết cao trong máu, họ tự hỏi làm sao ăn trái cây chín vì nó quá ngọt, và họ sợ không dám ăn vì “nhiều đường”, từ đó có thể dẫn đến sự thiếu hụt nhiều chất khác có ích cho cơ thể. Cách suy nghĩ này không đúng, bởi vì trái cây chính là một loại thực phẩm “siêu tốt” mà thiên nhiên đã ban tặng cho nhân loại từ rất lâu đời.

Vào cao đẳng – không phải vì thua cửa đại học

Nhiều thí sinh dự thi cao đẳng năm nay là do ý định ngay từ ban đầu chứ không phải vì không thể lọt qua cửa đại học. Bởi học cao đẳng với học phí thấp, thời gian học ngắn, cơ hội việc làm khi tốt nghiệp cao đẳng cũng tương đương và thậm chí còn dễ kiếm việc hơn tốt nghiệp đại học, nhiều cơ hội học liên thông và hoàn chỉnh lên đại học… đang là những thuận lợi đối với thí sinh.

Đã nghe đã thấy: Đừng giáo dục bằng cách bêu riếu

Ngày 12-7, báo chí trong nước truyền đi tin tức nóng hổi của Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, khi ông trực tiếp gặp 176 thiếu niên vi phạm pháp luật và căn dặn họ biết sống đúng mực hơn. Tuy vậy, tất cả những điều đó bị lu mờ đi trước một cách tổ chức sự kiện rất thiếu tính nhân văn. Dư luận nhận ra trong cuộc đối thoại đó có những mái đầu xanh cúi gằm xuống bàn khi ống kính phóng viên lia đến…

Rất nhiều người Việt Nam chưa coi trọng tính nhân văn này trong những hoạt động giáo dục, để rồi thay vì đánh thức và nâng đỡ bản chất lương thiện ẩn chứa bên trong mỗi con người, chúng ta lại làm tổn thương, thậm chí đánh gục họ, dồn họ đến chân tường và đẩy họ đến bế tắc. Hệ quả này không thể được bao biện bằng bất kỳ mục đích giáo dục thánh thiện nào.

Ký sự pháp đình: Nỗi đau khó lành

Thương chồng vất vả kiếm tiền, chị chấp nhận hy sinh, quyết định nghỉ việc để ở nhà lo chuyện bếp núc, chăm sóc con cái, phụng dưỡng cha chồng… Vậy mà đùng một cái, chị nghe tin anh có người khác. Một cô bồ 31 tuổi làm kế toán ngân hàng, đã ly dị chồng từ lâu.

Sau một lần duy nhất chị tìm đến “tình địch” nhỏ nhẹ yêu cầu cô ta chấm dứt mối quan hệ này, chồng chị biết chuyện. Không những không ân hận xấu hổ mà còn giận dữ nắm cổ áo chị và nạt nộ sao chị lại “bêu riếu, xúc phạm” mình. Rồi anh chồng bỏ đi. Còn chị thì tập quen dần với cảnh bắt gặp chồng mình chở người đàn bà xa lạ ấy đi trên phố.

Thời đại: Máy tính bảng ngày càng… phổ cập

Người dùng máy tính bảng có thể sử dụng khá nhiều ứng dụng cho công việc như: làm máy chiếu để thuyết trình, đọc báo, check mail, tìm đường, nghe nhạc, xử lý công việc văn phòng… Ngoài ra còn khá nhiều chức năng khác phù hợp với từng lĩnh vực mà mỗi người sử dụng một cách khác nhau. Với kho phần mềm khá lớn của các hãng trên mạng, người dùng có thể cài và sử dụng cho mục đích khác nhau.

Mời các bạn đón đọc.

BÁO PHÁP LUẬT TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm