Anh Châu Văn Trường (Sóc Trăng) cho biết năm 2009 anh vào làm việc ở xưởng sản xuất muỗng nhựa Dương Gia của bà Dương Kim Hương nhưng không tham gia bảo hiểm xã hội. Làm việc được một năm thì tai nạn xảy ra, anh bị đứt mất bàn tay phải. “Hôm đó hàng nhiều, không có người, tôi cứ hết làm keo rồi chỉnh máy, vận hành máy. Công việc cứ xoay như chong chóng. Làm suốt 12 giờ, mệt quá, máy đang chạy, tôi cho bàn tay vào lúc nào không hay. Các bác sĩ phải cắt bỏ bàn tay hoại tử của tôi” - anh Trường kể.
Theo anh Trường, bà Hương đã lo toàn bộ viện phí, thuốc men và trợ cấp tiền ăn uống trong suốt quá trình trị bệnh cho anh. Tuy nhiên, bà Hương chỉ lo cho anh những ngày nằm trong viện, sau đó thì thôi. Không có bàn tay, không làm được công việc nặng nên cuộc sống anh gặp nhiều khó khăn. Anh đề nghị bà Hương lắp bàn tay giả để tiện làm việc nhưng bà hứa mãi.
Anh Trường yêu cầu lắp bàn tay giả như thật để có thể lao động kiếm sống nhưng xưởng sản xuất không thể đáp ứng vì chi phí quá cao... Ảnh: NT
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Hương nói: “Khi Trường bị tai nạn, tôi đã đưa ngay đến bệnh viện để chữa trị. Tôi cũng nói bác sĩ bằng mọi cách phải giữ lại bàn tay vì nó còn nhỏ. Nhưng do vết thương quá nặng, bàn tay không giữ được. Ngày xuất viện, tôi cũng lo công việc rồi hứa sẽ lắp bàn tay giả cho nó nhưng bác sĩ bảo chỉ lắp được bàn tay gỗ hoặc silicon. Còn nó thì bảo phải lắp bàn tay giống như thật mới chịu”.
Bà Hương cũng cho biết sau lần Trường gặp tai nạn bị đứt bàn tay thì xưởng sản xuất của bà cũng ngưng hoạt động vì không đủ vốn, làm ăn thua lỗ, máy móc bị hư; bà phải bán xưởng để trả nợ, máy móc sang cho người khác… “Dù xưởng không còn nữa, tôi cũng lo công việc khác cho nó từ lúc bị tai nạn đến nay. Nhưng làm được mấy hôm thì nó nghỉ vì công việc nhiều, sức khỏe không đảm bảo và kêu đưa 2 triệu đồng đi mua ve chai. Nó yêu cầu gì tôi cũng đồng ý. Không có tiền tôi phải đi vay người khác đưa cho, duy chỉ có việc lắp bàn tay giả là tôi không chấp nhận vì nếu lắp bàn tay giả giống thật thì ở trong nước không có, phải ra nước ngoài làm thì phí cao, tôi không đủ tiền. Nếu nó vẫn cứ đòi, tôi cũng không biết phải làm sao...” - bà Hương nói.
NGỌC THÂN
Chỉ trả chi phí làm tay giả thông thường Theo Điều 145 Bộ luật Lao động, người lao động không được hưởng các chế độ bảo hiểm thì phải được người sử dụng lao động trả khoản tiền tương ứng với chế độ tai nạn lao động theo quy định của Luật BHXH. Ở đây, khi xảy ra tai nạn bà Hương đã chi trả toàn bộ các khoản phí bệnh viện, ăn uống là đúng quy định. Việc anh Trường yêu cầu làm bàn tay giả cử động được là ngoài quy định của danh mục bảo hiểm y tế. Theo Thông tư 12/1995 của Bộ LĐ-TB&XH quy định về thương tật thì việc mất một bàn tay thuận, tỉ lệ tổn hại sức khỏe là 52%. Với mức thương tật đó, anh Trường sẽ được hưởng trợ cấp lương (hơn sáu tháng lương theo quy định của luật lao động), chi phí làm bàn tay giả thông thường và lương thực tế trong quá trình nghỉ để điều trị. Luật sư NGUYỄN THÀNH CÔNG, Đoàn Luật sư TP.HCM |