Đối đầu Mỹ-Trung: Đến lúc cần cơ chế giải quyết mâu thuẫn mới

Những năm gần đây, quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp nghiêm trọng do hai nước liên tục mâu thuẫn lợi ích ở hàng loạt lĩnh vực. Để tránh kịch bản nổ ra xung đột quân sự, các đời lãnh đạo hai bên đã ký kết và thiết lập nhiều cơ chế giải quyết khủng hoảng, chú trọng đàm phán và đối thoại.

Tuy nhiên, vấn đề là các cơ chế này khi đem áp dụng trong tình hình hiện nay lại trở nên lỗi thời vì nội dung không được cập nhật theo những diễn biến mới nhất. Bên cạnh đó, hiềm khích và tâm lý thiếu tin tưởng nhau cũng là rào cản lớn khiến Mỹ và Trung Quốc (TQ) khó áp dụng lại những cơ chế đã thiết lập.

Trong bài viết ngày 30-9 cho tạp chí War on the Rocks hôm 30-9, chuyên gia Jacob Stokes thuộc Viện Hòa bình Mỹ cho rằng tình thế trên đòi hỏi hai bên phải thống nhất được loạt cơ chế mới với đầy đủ công cụ thích hợp cần thiết để hai bên tự giải quyết mâu thuẫn một cách chủ động và hiệu quả.

Nhiều khó khăn

Không chỉ mỗi ông Stokes, phần lớn giới chuyên gia cũng từng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về độ nguy hiểm của việc thiếu vắng các cơ chế giải quyết mâu thuẫn thực chất giữa Mỹ và TQ. Đơn cử, trả lời phỏng vấn của tạp chí Lawfare hồi tháng 8, cựu trợ lý ngoại trưởng Mỹ Kurt Campbell cho rằng Bắc Kinh và Washington gần như không có “lá chắn nào trước khả năng một trong hai nước tính toán sai lầm hoặc quá tự tin vào sức mạnh bản thân và đi sai nước cờ”.

Trong khi đó, viết cho tờ The Wall Street Journal vào tháng 6, GS David Shambaugh thuộc ĐH George Washington (Mỹ) đề xuất Mỹ và TQ tăng cường các cơ chế liên lạc và thiết lập chính xác, rõ ràng quy trình chuẩn để hai nước tuân theo trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Dù vậy, quan sát quan hệ Mỹ - Trung kể từ những năm 1970 đến nay, ông Stokes nhận thấy một khi có dấu hiệu cho thấy khủng hoảng bắt đầu ập đến, Bắc Kinh thường mong đợi Washington là bên phải “chịu trách nhiệm chính trong việc duy trì đủ sự linh hoạt để giữ mối quan hệ với nhau”. Tuy nhiên, TQ trong quá khứ và TQ hiện nay có vị thế chính trị khác nhau nên trách nhiệm giảm thiểu chiến tranh phải đến từ cả hai phía.

Do đó, chuyên gia này cho rằng Mỹ nên cân nhắc thật kỹ lịch sử trước khi thiết lập các cơ chế giải quyết mâu thuẫn mới. Mỹ cũng phải thận trọng rằng dù các cơ chế rất hiệu quả trong quản lý khủng hoảng, không phải lúc nào kết quả đạt được cũng là sự hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) đón tiếp Tổng thống Mỹ Donald Trump đến thăm Bắc Kinh vào tháng 11-2017. Ảnh: REUTERS

Việc hai bên cần làm

Có thể thấy việc cải thiện các cơ chế quản lý khủng hoảng hiện tại và hình thành cơ chế mới trong quan hệ Mỹ - Trung sẽ hết sức khó khăn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là lãnh đạo hai bên cần phải ưu tiên thực hiện công tác này cũng như vạch ra chiến lược chặt chẽ.

Đầu tiên, Mỹ và TQ cần phải tìm hiểu càng nhiều càng tốt cách bên kia sẽ phản ứng như thế nào trong trường hợp khủng hoảng xảy ra. Cụ thể, cần phải nắm rõ cách thức thông tin từ các kênh ngoại giao được chuyển lên các cấp lãnh đạo ở quân đội, chính phủ và ngược lại. Những thông tin này sẽ cho phép lãnh đạo hai bên tìm và kết nối đúng người cần trao đổi để giải quyết khủng hoảng.

Dù cạnh tranh trên nhiều lĩnh vực, Mỹ và TQ vẫn có điểm tương đồng về lợi ích để có thể tìm kiếm cơ hội hợp tác, vấn đề giải trừ hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên là một ví dụ. Lãnh đạo hai bên cần phải tận dụng sự tương đồng này để hòa hoãn và tiến tới tương lai hòa bình.

TS Đông Á học ROBIN WELLS, ĐH Harvard (Mỹ) 

Thứ hai, Washington nên thiết lập cơ chế quản lý khủng hoảng trong các lĩnh vực mà nước này có thể kiềm chế, cũng như tránh các động thái có thể thúc đẩy tham vọng của Bắc Kinh. Đơn cử, việc củng cố thêm niềm tin của giới lãnh đạo Bắc Kinh rằng quân đội Mỹ sẽ không leo thang khủng hoảng hai nước có thể sẽ khuyến khích TQ ngày càng lấn tới trong hoạt động mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, hoặc tiếp tục bắt nạt các nước xung quanh.

“Cơ chế giải quyết mâu thuẫn mới chắc chắn sẽ đóng góp tích cực vào mối quan hệ Mỹ - Trung theo nghĩa giảm nguy cơ đụng độ về quân sự giữa hai nước và có thể gián tiếp tác động tới sự ổn định của khu vực. Ở một khía cạnh nào đó, sự giảm thiểu đối đầu trong quan hệ Mỹ - Trung là có lợi cho những nước còn lại trong khu vực” - GS Shambaugh nhận xét.

Do đó, Mỹ và TQ ngoài các cơ chế song phương cũng cần phải chú ý đến các cơ chế đa phương. Hai nước kêu gọi các quốc gia khác cùng tham gia kiểm soát khủng hoảng đối với những vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự toàn cầu. Việc thiết lập cơ chế đa phương cũng nên bao gồm cả những nước vừa và nhỏ, thay vì chỉ những chủ thể lớn có tiếng nói mạnh trên trường quốc tế, bởi các nước vừa và nhỏ không muốn bị kẹt ở giữa khi mâu thuẫn hai nước lên cao.

Trung Quốc đừng quên những cam kết của mình

Trong một bài viết mới đây đăng trên mạng xã hội TQ WeChat ngày 29-9, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu quốc tế TQ (CIIS) Yuan Nansheng khẳng định để cải thiện quan hệ Mỹ - Trung đang xuống cấp nghiêm trọng, Bắc Kinh cần phải là bên chủ động đưa ra những thay đổi tích cực, theo tờ South China Morning Post.

“Đúng là TQ đã hoàn tất tốt công tác xử lý đại dịch COVID-19 hơn Mỹ. Tuy nhiên, nếu xem đây là cơ hội lịch sử để chúng ta trỗi dậy là một sai lầm chiến lược. Nếu chúng ta cứ để chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan mặc sức phát triển ở TQ thì cộng đồng quốc tế sẽ tưởng là chúng ta đang theo đuổi chính sách TQ trên hết” - ông Nansheng giải thích, đồng thời nhắc đến chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump.

Qua hình ảnh so sánh này, chuyên gia Nansheng lo ngại Bắc Kinh đang dần quên mất những cam kết biến TQ trở thành một cường quốc có trách nhiệm, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, chủ trương hợp tác quốc tế - đôi bên cùng có lợi. Thay vào đó, TQ hiện nay liên tục sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế để bắt nạt, cưỡng ép các nước khác vào quỹ đạo của mình, theo đuổi lợi ích quốc gia bất chấp lợi ích, ổn định chung.

“Nền kinh tế Mỹ bị đại dịch tác động nặng nề nhưng không có nghĩa đây là tín hiệu để kinh tế TQ tỏa sáng. Với công nghệ vượt trội và thị trường tài chính, tiêu dùng lớn mạnh bên cạnh sức nặng của đồng USD, Mỹ sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng” - ông Yuan Nansheng nhận định. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm