Trong một bài viết đăng trên mạng xã hội Trung Quốc WeChat ngày 29-9, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc (CIIS) Yuan Nansheng khẳng định để cải thiện quan hệ Mỹ - Trung xuống cấp nghiêm trọng, Bắc Kinh cần phải là bên chủ động đưa ra những thay đổi tích cực, theo tờ South China Morning Post.
Đừng theo đuổi 'Trung Quốc trên hết'
Cụ thể, ông nhận định chính sách đối ngoại của Mỹ hiện nay đang chuyển dần theo hướng ngăn chặn, kiềm hãm ảnh hưởng của Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho kịch bản Chiến tranh lạnh kiểu mới bùng phát. Dù khả năng hai cường quốc này cắt đứt quan hệ và tự hình thành trật tự với hệ thống đồng minh, đối tác riêng là rất khó xảy ra, song chuyên gia Yuan Nansheng cảnh báo Bắc Kinh vẫn phải nỗ lực hết mức để hạn chế tối đa nguy cơ.
"Đúng là Trung Quốc đã hoàn tất tốt công tác xử lý đại dịch COVID-19 hơn Mỹ. Tuy nhiên, nếu xem đây là cơ hội lịch sử để chúng ta trỗi dậy là một sai lầm chiến lược. Nếu chúng ta cứ để chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa dân tộc cực đoan mặc sức phát triển ở Trung Quốc thì cộng đồng quốc tế sẽ tưởng là chúng ta đang theo đuổi chính sách Trung Quốc trên hết" - ông Nansheng giải thích, đề cập lại chính sách nước Mỹ trên hết của Tổng thống Donald Trump.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trước) tham dự lễ bế mạc bế mạc kỳ họp Quốc hội Trung Quốc khóa XIII hồi tháng 3-2019. Ảnh: AP
Nước Mỹ trên hết là chính sách và là thông điệp chủ đạo của nhiệm kỳ ông Trump nhằm đảm bảo tối đa lợi ích thông qua của Mỹ. Mục tiêu này có thể đạt được thông qua việc rút khỏi các tổ chức và thiết chế quốc tế, đàm phán lại các thoả thuận mà ông đánh giá là Mỹ đang chịu thiệt thòi và buộc các nước đồng minh chịu thêm phần chi phí bảo đảm quân sự chung.
Qua hình ảnh so sánh này, chuyên gia Nansheng đang lo ngại Bắc Kinh đang dần quên mất những cam kết biến Trung Quốc trở thành một cường quốc có trách nhiệm, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, chủ trương hợp tác quốc tế - đôi bên cùng có lợi. Thay vào đó, Trung Quốc hiện nay liên tục sử dụng sức mạnh quân sự, kinh tế để bắt nạt, cưỡng ép các nước khác vào quỹ đạo của mình, theo đuổi lợi ích quốc gia bất chấp lợi ích, ổn định chung.
"Nền kinh tế Mỹ bị đại dịch tác động nặng nề nhưng không có nghĩa đây là tín hiệu để kinh tế Trung Quốc toả sáng. Với công nghệ vượt trội và thị trường tài chính, tiêu dùng lớn mạnh bên cạnh sức nặng của đồng USD, Mỹ sẽ nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng" - ông Yuan Nansheng cảnh báo.
Quay về 'giấu mình chờ thời'
Về giải pháp, chuyên gia này đề xuất cố lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình đã đề ra vào giai đoạn cuối thế kỷ 20, khi nước này vừa bắt đầu cải cách kinh tế. Theo đó, ông Đặng đã đề cao phương châm “bình tĩnh quan sát, giữ vững trận địa, bình tĩnh ứng phó, giấu mình chờ thời”.
Khi đưa ra tư tưởng này, ông Đặng còn nhấn mạnh “quyết không đi đầu” trong bối cảnh Liên Xô đang suy yếu, để lại một khoảng trống quyền lực rất lớn trong khối xã hội chủ nghĩa mà Bắc Kinh lúc này có thể dễ dàng lấp vào. Bám sát đường lối của ông Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc hàng chục năm tiếp theo đã có thể tập trung củng cố thực lực mà không bị Mỹ dòm ngó và kìm hãm.
"Những ý kiến cho rằng tư tưởng của Đặng Tiểu Bình nhu nhược là hoàn toàn hiểu sai vấn đề. Ra chiến trường thì rút kiếm, còn trên bàn đàm phán thì phải tra vào vỏ đi vì đó không phải là chỗ để trưng kiếm cho người khác thấy. Ngoại giao Trung Quốc phải trở nên mạnh mẽ chứ không phải cứng rắn hơn" - ông Nansheng chia sẻ.