“Việc doanh nghiệp kiến nghị đòi giảm mức tăng lương tối thiểu là hết sức vô lý. Hôm nay (30-9), tại phiên họp Chính phủ tôi đã đề nghị Chính phủ nâng mức tăng lương năm 2016 cho người lao động cao hơn mức mà hội đồng tiền lương đã đưa ra” - ông Đặng Ngọc Tùng, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, nói với Pháp Luật TP.HCM vào chiều 30-9.
Theo ông Tùng, các doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng lộ trình. Ngoài ra, trước đây Bộ LĐ-TB&XH đã cam kết với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là đến năm 2017 mức lương tối thiểu sẽ ngang bằng với mức sống tối thiểu của người lao động. “Hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam có tư duy nhập khẩu các trang thiết bị cũ và dựa vào nhân công rẻ để sản xuất. Tình trạng này không thể kéo dài nên việc tăng lương là cần thiết để họ đầu tư công nghệ nhằm tăng năng suất lao động. Ngoài ra, đời sống công nhân hiện nay rất khổ cực, bữa ăn thiếu thốn, sao các doanh nghiệp không đề cập và chia sẻ với người lao động?” - ông Tùng đặt vấn đề.
Hiện nay, người lao động vẫn còn khó khăn trong chi tiêu hằng ngày. Ảnh: HTD
Đề nghị giảm tiền bảo hiểm?!
Trước đó, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng cân nhắc việc tăng lương, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Cụ thể, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất giữ mức đóng BHXH cũ. Theo hiệp hội này, từ năm 2010 đến nay lương tối thiểu vùng tăng từ 2,15 đến 3,16 lần. Ngoài ra, tỉ lệ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm tai nạn cũng tăng từ 18% (năm 2010) lên 22% (năm 2014). Đặc biệt, khi Luật BHXH mới có hiệu lực từ đầu năm 2016 thì việc đóng BHXH sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp nên hiệp hội này đề nghị giảm tỉ lệ đóng các khoản bảo hiểm về mức của năm 2010.
Tương tự, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lâm Đồng cũng kiến nghị Thủ tướng cân nhắc khi đưa ra mức tăng lương tối thiểu vùng 2016. Theo họ, nếu không đưa mức lương hợp lý thì khả năng nhiều doanh nghiệp bị ngừng hoạt động hoặc phá sản… khiến nhiều lao động mất việc. “Doanh nghiệp đã và đang tăng chi phí lao động bao gồm các khoản đóng góp cho an sinh xã hội cao. Những chi phí này tăng gấp đôi chi phí thực tế mà người lao động phải trả. Ngoài ra, nhìn chung chi phí này cao hơn các nước lân cận” - Liên minh diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) còn nêu trong kiến nghị gửi Thủ tướng.
Lương tăng không nhiều
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết VCCI cũng chưa hài lòng với mức tăng lương đã được thông qua. Bởi vì các doanh nghiệp phải tăng lương, tăng tiền đóng BHXH thì sẽ không chịu nổi. “Nếu Chính phủ vẫn tăng lương thì cho doanh nghiệp đóng BHXH theo mức cũ. Nếu không giãn lộ trình đóng BHXH thì cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp” - ông Phòng đề nghị.
Tuy vậy, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia, khẳng định vẫn giữ nguyên mức tăng lương đã thông qua. Việc các doanh nghiệp trong và ngoài nước ý kiến thì Chính phủ sẽ xem xét quyết định.
Theo ông Huân, năm 2016, cùng với việc tăng lương, doanh nghiệp phải đóng BHXH theo mức mới nên doanh nghiệp sẽ gặp khó. Tuy nhiên, người lao động cũng mong muốn tăng lương do đời sống của họ đang gặp nhiều khó khăn. “Nếu tính tăng lương tỉ lệ phần trăm thì có vẻ cao nhưng thực tế chỉ tăng 250.000-400.000 đồng. Các doanh nghiệp sợ mức đóng BHXH mới sẽ là gánh nặng nên đề nghị giãn lộ trình đóng BHXH cần cân nhắc. Nếu doanh nghiệp gặp khó thật sự thì có thể Chính phủ sẽ kiến nghị Quốc hội giãn lộ trình đóng BHXH theo quy định mới” - ông Huân nói.
Trước đó, VCCI đề xuất tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 là 10,7%. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất 16,8%. Qua ba phiên họp căng thẳng, ngày 3-9, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã chốt mức tăng 11,6%-12,9% (tăng 250.000-400.000 đồng), tùy vùng. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến về dự thảo trình Thủ tướng về mức tăng lương 2016. |