Thông tư 35/2017 của Bộ TT&TT quy định về việc chuyển mạng viễn thông di động mặt đất giữ nguyên số chính thức có hiệu lực từ ngày 8-1-2018. Các doanh nghiệp (DN) viễn thông di động đang phối hợp để hoàn tất các thủ tục cuối cùng để triển khai thực hiện dịch vụ.
Người dùng có nhu cầu thực sự
Theo Cục Viễn thông, chuyển mạng giữ nguyên số là dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao đang ở mạng viễn thông này nếu thấy mạng khác có nhiều dịch vụ hấp dẫn hơn hoặc chất lượng dịch vụ, vùng phủ sóng tốt hơn có thể chuyển sang làm thuê bao mạng mới mà vẫn giữ nguyên số điện thoại của mình. Dịch vụ này đã được chuẩn bị, đưa vào thử nghiệm từ tháng 9-2017.
“Tôi hay đi công tác xa, mạng di động đang dùng sóng ở những nơi đó hơi yếu, tôi cần đổi sang mạng khác nhưng số điện thoại làm ăn này dùng lâu rồi, đổi thì phiền hà. Nghe nói có dịch vụ này tôi thấy tiện quá nhưng sao vẫn chưa áp dụng chính thức” - anh Nguyễn Văn Thành (quận Tân Phú) chia sẻ.
Đồng tình, anh Lê Ngọc Tri (Hà Nội) nhận xét: “Đôi khi phải gắn luôn với một mạng di động là vì ngại đổi số điện thoại, có bao nhiêu thứ liên quan. Nếu được giữ nguyên số thì tôi nghĩ nhiều người sẽ thử. Khi đó nhà mạng nào làm ăn không tốt thì mất khách, vậy mới cạnh tranh được, người dùng mới có lợi”.
Thực ra theo thông tư, để được chuyển mạng giữ nguyên số người dùng phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Ví dụ, thuê bao phải có thông tin đăng ký đầy đủ, chính xác; đã được kích hoạt ít nhất 90 ngày; không nợ cước; không đang trong quá trình chuyển quyền sở hữu số thuê bao; không vi phạm pháp luật hoặc đang bị điều tra về việc vi phạm các hành vi quy định tại Điều 12 Luật Viễn thông…
Anh Lê Văn Ẩn, chuyên viên hỗ trợ IT đang làm việc tại TP.HCM, chia sẻ: “Khi đã hội đủ các tiêu chí trên, người dùng chỉ cần đem chứng minh nhân dân đến các cửa hàng giao dịch của nhà mạng để thực hiện đăng ký chuyển mạng theo biểu mẫu có sẵn rồi làm theo hướng dẫn. Bản thân tôi cũng rất muốn trải nghiệm từng nhà mạng để đánh giá, lựa chọn bên cung cấp dịch vụ tốt nhất cho mình. Đó là đòi hỏi công việc thực sự, không phải hùa theo cho vui”.
Để được chuyển mạng giữ nguyên số người dùng phải đáp ứng các tiêu chí nhất định. Ảnh: HTD
Nhà mạng đã sẵn sàng
Trước đó, các nhà mạng cho biết đã thử nghiệm thành công việc kết nối giữa các mạng và hệ thống kỹ thuật đã sẵn sàng. Đại diện Viettel cho biết chỉ cần Bộ TT&TT có hướng dẫn về việc triển khai thì có thể thực hiện ngay.
Còn nhà mạng VinaPhone cũng cho biết đã sẵn sàng về hệ thống kỹ thuật và cam kết cung cấp dịch vụ theo đúng thời hạn thống nhất với các DN viễn thông và chỉ đạo của Cục Viễn thông. Hệ thống cổng chuyển mạng có năng lực xử lý cao MNP của VinaPhone đã kết nối thành công với trung tâm chuyển mạng quốc gia. Để thực hiện kế hoạch một cách hiệu quả, VinaPhone cũng đã tìm hiểu và nghiên cứu từ thực tế triển khai dịch vụ này ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Song song với đó, các nhà mạng đã xây dựng quy trình, quy định cần thiết để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho khách hàng khi muốn chuyển mạng giữ nguyên số. Điều người dùng quan tâm nhất là mức phí chuyển mạng hợp lý, hệ thống tính cước… cũng đang được hoàn thiện.
Đến thời điểm này, cả Viettel, VinaPhone, MobiFone và Vietnamobile đều khẳng định đã sẵn sàng cho việc áp dụng chuyển mạng giữ nguyên số theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm dịch vụ và thực tế hoàn thành các công việc nêu trên của từng nhà mạng, DN và Cục Viễn thông sẽ thống nhất thời điểm chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng, dự kiến trong đầu năm 2018.
Ông Nguyễn Đức Trung, Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ TT&TT), khẳng định việc chuyển mạng giữ số vẫn đang được tiến hành theo lộ trình, khó khăn, vướng mắc đến đâu sẽ gỡ đến đó. Việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là công cụ để khuyến khích người sử dụng dịch vụ đăng ký chính xác thông tin thuê bao và cũng là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy cạnh tranh được nhiều nước trên thế giới triển khai. Đồng thời cũng là một trong những cam kết của Việt Nam khi gia nhập Hiệp định TPP. |