Đổi mới chất vấn để tranh luận tới cùng

Vào thứ Năm (21-6) tới, các đại biểu (ĐB) QH cũng sẽ bấm nút để thông qua dự thảo nghị quyết về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, trong đó có nội dung về chất vấn. Pháp Luật TP.HCMtrò chuyện đầu tuần với Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam - ĐBQH TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA xung quanh vấn đề này.

. Phóng viên: Qua hai ngày rưỡi chất vấn với năm thành viên Chính phủ đăng đàn vào cuối tuần trước, ông có nhận xét gì về chất lượng chất vấn tại kỳ họp này?

Đổi mới chất vấn để tranh luận tới cùng ảnh 1

+ ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Nhận xét chung thì có bốn điểm làm được. Thứ nhất là tạo điều kiện cho các ĐBQH thực thi chức năng giám sát của mình. Tất nhiên các ĐB vẫn có quyền chất vấn bằng văn bản và nhận được trả lời riêng nhưng chất vấn tại hội trường mang tính đối thoại nên hiệu ứng cao hơn. Thứ hai, chất vấn tại hội trường có truyền hình trực tiếp thì thông tin đến ngay với cử tri một cách rộng rãi, đồng thời cũng thể hiện tính dân chủ của Nhà nước. Thứ ba, các ĐB có thể hỏi những gì mình muốn và những vấn đề cử tri bức xúc, không có vùng cấm. Thứ tư, chất vấn trực tiếp còn giúp cho cử tri theo dõi được các ĐBQH làm việc như thế nào và các thành viên Chính phủ trả lời ra sao, từ đó đánh giá năng lực, thái độ, sự nghiêm túc của người trả lời.

Vẫn còn nhiều vấn đề nợ lại cử tri

. Các vấn đề ĐBQH nêu ra có được các thành viên Chính phủ trả lời một cách thỏa đáng hay vẫn còn những nội dung nợ lại cử tri và ĐB, thưa ông?

+ Một số vấn đề đòi hỏi phải có câu trả lời cụ thể ngay nhưng vẫn chưa đáp ứng được. Ví dụ như việc một số bộ, ngành như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và bộ chủ quản nói mình không có trách nhiệm trong việc để xảy ra sai phạm tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với lý do đã trao quyền tự chủ cho DN nên không quản lý được. Thế nhưng trong báo cáo của Chính phủ về tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã cho biết ngay từ khâu lập kế hoạch năm năm và các chương trình đầu tư của các DN này đều có sự tham gia, thẩm tra, báo cáo của các bộ đấy thì Thủ tướng mới phê duyệt. Chưa kể là định kỳ đều có họp, kiểm tra, giám sát với sự tham gia của các bộ ngành này, những khoản vay nợ nước ngoài cũng đều có sự thẩm định, phê duyệt của Bộ Tài chính…

Đổi mới chất vấn để tranh luận tới cùng ảnh 2

ĐBQH TP.HCM Trần Du Lịch chất vấn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: TTXVN

Nghĩa là qua báo cáo của Chính phủ cũng như trả lời của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thì thấy rõ các bộ, ngành ấy có trách nhiệm. Nhưng khi có ĐB hỏi bao giờ Chính phủ làm rõ những sai phạm này để xử lý trách nhiệm và công bố trước nhân dân thì Chính phủ hứa nhưng cũng chưa nói cụ thể là chừng nào.

. Theo ông, nội dung trả lời của bộ trưởng nào là thuyết phục nhất?

+ Câu hỏi này nên dành để cử tri nhận xét, đánh giá. Cử tri đánh giá là khách quan nhất.

. Thế còn trình độ và bản lĩnh của các ĐB thì sao, có đáp ứng được yêu cầu của cử tri không?

+ Nói chung cũng có những hạn chế. Nhưng nói như ĐB Dương Trung Quốc, những hạn chế đó là do cơ chế chung hay là của từng cá nhân thì mình phải xem.

Tăng thời gian chất vấn

. Chúng ta vẫn nói tổ chức chất vấn theo nhóm vấn đề, tạo điều kiện tranh luận đến cùng nhưng cách làm theo kiểu dồn một lúc mười mấy câu hỏi rồi mới trả lời tỏ ra không đáp ứng được yêu cầu ấy?

+ Vừa rồi có cái tốt là dành cho các ĐB hỏi cho hết, có lúc lên tới mười mấy người hỏi. Câu hỏi của tôi về vấn đề tham nhũng đối với bộ trưởng Bộ Công an ở trong nhóm 14 ĐB hỏi, trong khi bộ trưởng chỉ có 15 phút trả lời nên có lẽ vì vậy mà phần trả lời không thể đi sâu vào những việc cụ thể được. Mặt khác, có khi các câu hỏi tuy nhiều nhưng lại không tập trung thành nhóm vấn đề mà đi vào 5-7 nội dung khác nhau, điều này cũng gây khó khăn cho người trả lời.

Ngoài ra, việc người trả lời có 5-10 phút còn người hỏi chỉ có 1,5-2 phút cũng làm cho các ĐB ít có điều kiện để tranh luận lại. Khống chế thời gian hỏi cũng có khi làm cho ĐB không diễn đạt được hết ý mình. Bởi lẽ có những câu hỏi có thể hỏi ngay được, thí dụ xin cho biết ai phải chịu trách nhiệm về việc ông Dương Chí Dũng trốn thoát và phải xử lý việc đó như thế nào. Nhưng có những loại vấn đề không thể hỏi theo kiểu đó mà phải có phần dẫn nhập bởi nếu không có thì lại làm cho người trả lời không hiểu ý và trả lời lạc đề. Do đó, việc khống chế người hỏi trong 1,5-2 phút là cần thiết nhưng không nên cứng nhắc ngắt ngang.

. Vậy theo ông, cần đổi mới cách thức tổ chức chất vấn như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất?

+ Tôi cho rằng có hai vấn đề cần đổi mới. Thứ nhất là phải tăng thời gian chất vấn chứ hiện nay chỉ có hai ngày rưỡi là quá ít. Theo tôi, có thể dành hẳn năm ngày để QH chất vấn. Nhiều thời gian hơn sẽ cho phép ĐB hỏi thêm hoặc tranh luận lại với người trả lời.

Thứ hai, về cách làm thì có thể theo hướng các câu hỏi dự kiến chất vấn tại hội trường phải gửi trước, rồi gom lại thành nhóm vấn đề. Mỗi nhóm vấn đề như thế dành một buổi chất vấn để đôi bên có điều kiện tranh luận tới cùng. Trong lúc trả lời nhóm vấn đề ấy thì các ĐB khác có thể đăng ký hỏi thêm, những trưởng ngành có liên quan cũng phải tham gia trả lời. Hỏi và trả lời theo nhóm vấn đề như thế sẽ sâu hơn, sẽ ra chuyện. Điều này cũng phù hợp với Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

. Xin cảm ơn ông.

Tại phiên chất vấn, QH dành toàn bộ thời gian chất vấn tại hội trường cho việc hỏi và trả lời câu hỏi trực tiếp. Bố trí phiên chất vấn vào cuối kỳ họp để ĐBQH có thời gian chuẩn bị câu hỏi chất vấn. Tiến hành chất vấn từng nhóm vấn đề theo hướng đối thoại, tranh luận về từng vấn đề.

ĐBQH đăng ký chất vấn theo nhóm vấn đề. Câu hỏi chất vấn phải liên quan đến nhóm vấn đề đang chất vấn, ngắn gọn, rõ ý, không giải thích dài hoặc chỉ hỏi thông tin; thời gian hỏi tối đa là 2 phút/một lần. Người trả lời chất vấn trả lời ngắn gọn, trực tiếp vào nội dung câu hỏi, thời gian trả lời theo yêu cầu của chủ tọa.

Căn cứ vào kết quả chất vấn và trả lời chất vấn, Ủy ban Thường vụ QH xem xét và khi cần thiết trình QH ban hành Nghị quyết về chất vấn, trách nhiệm của người trả lời chất vấn và việc thực hiện lời hứa trước QH.

(Trích dự thảo Nghị quyết Về một số cải tiến, đổi mới để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH)

THANH HOA

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm