Sau khi nghị án kéo dài, ngày 13-10, TAND TP Vũng Tàu (Bà Rịa-Vũng Tàu) đã tuyên phạt Nguyễn Hồng Vũ chín năm tù về hai tội cướp tài sản và cưỡng đoạt tài sản, Nguyễn Hoài Khanh bảy năm tù về tội cướp tài sản, Trần Thị Kim Loan 15 tháng tù treo về tội cưỡng đoạt tài sản.
Vụ án này có sự tranh luận về tội danh gay gắt giữa hai bên buộc tội và gỡ tội khiến trước đó tòa từng trả hồ sơ để điều tra làm rõ nhiều tình tiết nhằm xác định chính xác tội danh.
Đòi nợ và lấy xe
Theo cáo trạng mới nhất, thông qua Loan, Vũ cho chị Thùy mượn 20 triệu đồng vào năm 2012. Do chị Thùy không trả hết tiền, một khuya, Vũ đến trước nhà bạn trai của Thùy chờ. Khoảng 30 phút sau, chị Thùy cùng bạn trai về thì bị Vũ chặn đầu xe đòi tiền. Chị Thùy nói không nợ tiền Vũ mà nợ Loan nên gọi cho người này để làm rõ. Khi đến nơi, Loan tát chị Thùy và yêu cầu trả nợ nếu không sẽ lấy xe khi nào chị Thùy đưa 10 triệu đồng cho Vũ sẽ trả lại. Thùy nói xe không phải của mình mà của bạn trai. Vũ nói nếu không lấy xe thì Thùy phải đi theo Vũ để giải quyết nợ nần.
Sợ Thùy bị đánh, bạn trai chị đã giao xe cho Vũ. Sau đó Vũ mang xe Attila này về nhà cất giữ. Sau đó chị Thùy và bạn trai đã giao 5 triệu đồng cùng giấy tờ xe rồi viết giấy nợ theo yêu cầu của Vũ và lấy xe về.
Một thời gian sau, Vũ tiếp tục đòi số nợ còn thiếu nhưng chị Thùy trốn tránh. Khuya 28-9-2013, Vũ cùng Khanh đến khách sạn nơi Thùy làm việc để đòi nợ. Thùy nói không nợ gì nên Vũ đánh chị Thùy. Lúc này bạn trai Thùy cũng vừa đến. Bạn trai Thùy khóa xe lại rồi tiến tới chỗ Vũ chửi. Vũ dùng chân đá nhưng không trúng mà còn té. Bạn trai Thùy định lao vào đánh Vũ thì bị Khanh dùng nón bảo hiểm tấn công nên anh này bỏ chạy, để lại xe và đôi dép. Vũ kêu Khanh giúp mình đưa chiếc xe của bạn trai Thùy về phòng trọ. Chị Thùy cùng bạn trai báo công an.
Sau đó Vũ và Khanh bị truy tố về tội cướp tài sản, ngoài ra Vũ còn bị truy tố tội cưỡng đoạt tài sản (cùng với Loan).
Nạn nhân có tê liệt ý chí?
Tại tòa, Vũ và Khanh kêu oan tội cướp tài sản. Bị cáo Vũ cho rằng lần đầu có lấy xe nhưng đó là kết quả thương lượng giữa hai bên (xe lúc đó không có giấy tờ). Bị cáo không thể ép buộc vì tương quan lực lượng lúc đó, nhà nạn nhân lại ở ngay khu tập thể công an, nếu bị cáo có hành vi chiếm đoạt thì nạn nhân la một tiếng là công an xuất hiện ngay.
Lần thứ hai Vũ bị tấn công nên phải phòng vệ, dẫn tới bị té, còn Khanh thì phòng vệ chính đáng. Lúc đó chân bị cáo bị chấn thương do té nên bị cáo phải ngồi tại chỗ một lúc lâu. Nạn nhân bỏ chạy hơn 30 phút, không quay lại nên bị cáo mới đem xe về vì không thể bỏ xe lại đó. Bị cáo dự định sáng hôm sau đưa đến cơ quan pháp luật giải quyết chứ không có ý định lấy bán trừ nợ...
Tuy nhiên, công tố viên cho rằng với các hành vi mà cáo trạng xác định đã đủ cơ sở truy tố các bị cáo, dù các bị cáo không thừa nhận tội. Cụ thể, lúc lấy xe đi, trên đường về có trụ sở công an sao bị cáo không vào giao nộp xe...
Đối đáp lại, luật sư cho rằng đặc trưng của tội cướp là phải dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong vụ này, hành vi tát Thùy của Vũ tách biệt với hành vi của Khanh đánh bạn trai Thùy (một lúc sau). Vũ lúc này đang bị chấn thương dây chằng, tương quan lực lượng chỉ là giữa Khanh và bạn trai chị Thùy. Nạn nhân có dao trong người, không hề tê liệt ý chí, không kêu cứu mà bỏ đi.
Theo luật sư, các hành vi của bị cáo không thỏa mãn cấu thành tội cướp, mục đích chiếm đoạt không có.
Tòa đồng tình với viện
Cuối cùng, HĐXX nhận định sự thật khách quan của vụ án đã đủ căn cứ chứng minh bị cáo Khanh dùng mũ bảo hiểm tấn công người bị hại ngay tức khắc khiến người bị hại không thể chống cự được, không thể tự bảo vệ tài sản của mình. Tòa xem xét toàn diện các yếu tố về không gian, thời gian, địa điểm, tương quan lực lượng giữa các bên thì thấy các bị cáo đã dùng vũ lực khiến bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Các bị cáo biết rõ Thùy nợ tiền và tài sản là của bạn trai chị nhưng vẫn cố tình chiếm đoạt. Bị cáo Vũ biết bị cáo Khanh dùng mũ bảo hiểm tấn công liên tiếp vào người bị hại để lấy xe nhưng sau đó vẫn giúp sức để đẩy xe về cùng nên hành vi thuộc trường hợp đồng phạm, cấu thành tội cướp tài sản.
Đối với tội cưỡng đoạt, tòa cho rằng việc nạn nhân giao xe cho bị cáo Vũ không phải là quá trình thương lượng để bảo lãnh cầm cố khoản nợ của Thùy. Việc vay mượn là giữa Thùy và Loan, còn xe là tài sản hợp pháp của bạn trai Thùy. Tội phạm cưỡng đoạt tài sản đã hoàn thành từ khi các bị cáo có hành vi đe dọa tinh thần của người bị hại mà không phụ thuộc vào việc có chiếm đoạt được tài sản hay không. Từ đó tòa đã tuyên phạt các bị cáo như trên.
Đuổi đánh rồi lấy xe: Cướp hay công nhiên chiếm đoạt tài sản? Ngày 8-5, TAND quận 11 (TP.HCM) tuyên phạt Trần Tiến Đạt, La Cẩm Nguyên một năm sáu tháng tù, Lê Huỳnh Tuấn Em, Lê Quốc Bảo một năm ba tháng tù cùng về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Theo hồ sơ, tối 24-7-2013, anh Phạm Hữu Hòa và bạn bè đang ngồi trước cửa nhà thì bị Đạt cùng ba người bạn cầm dao, cây tầm vông… xông đến đuổi đánh. Nhóm của anh Hòa bỏ chạy, để lại hai xe máy. Nhóm của Đạt đuổi theo không kịp nên quay lại. Thấy xe máy của anh Hòa đang cắm sẵn chìa khóa, nhóm của Đạt lấy luôn, đem bán được 2 triệu đồng. VKSND quận 11 truy tố nhóm của Đạt về tội cướp tài sản. Nhưng theo TAND quận 11, hành vi của Đạt và đồng phạm không phù hợp các yếu tố cấu thành của tội cướp tài sản, nếu áp dụng nguyên tắc có lợi cho các bị cáo thì có thể đề nghị truy tố họ về tội công nhiên chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, VKS vẫn bảo lưu quan điểm... Xử sơ thẩm, tòa nhận định dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội cướp tài sản là ý thức chiếm đoạt tài sản phải có trước khi thực hiện hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị hại lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong khi đó, ý thức ban đầu của các bị cáo chỉ là đi gây thương tích cho nhóm của người bị hại. Vì vậy hành vi của các bị cáo là công nhiên chiếm đoạt tài sản. Sau khi án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật, VKSND TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu hủy án vì không đồng tình với tội danh mà tòa đã áp dụng. |