“Với chúng tôi, hát để thỏa mãn niềm yêu thích, hát để tri ân cuộc đời và hát với mong muốn thay đổi suy nghĩ đã được đóng khung về người khuyết tật” -Chu Duy Thiện, một thành viên của nhóm nhạc Đời rất đẹp, chia sẻ.
Những trái tim không tật nguyền
Đời rất đẹp thành lập vào năm 2010, hiện tại có sáu thành viên. Sáu cuộc đời, sáu mảnh ghép khiếm khuyết khác nhau, họ xích lại gần nhau và gắn kết với nhau bằng sự đồng cảm, tài năng và tình yêu âm nhạc.
Đó là cô gái Nguyễn Thị Thơm (SN 1987) đến từ mảnh đất núi rừng Tây Nguyên. Nhìn cô gái có vóc dáng mảnh mai, khuôn mặt rạng rỡ luôn nở nụ cười ấm áp, ít ai ngờ rằng cô đã phải trải qua hơn 17 năm tự tập vật lý trị liệu vì căn bệnh loạn dưỡng cơ quái ác (căn bệnh khiến cơ yếu dần đi theo thời gian). Mẹ Thơm qua đời vì căn bệnh ung thư máu, em trai bị viêm não Nhật Bản, cuộc sống của Thơm tưởng chừng như rơi vào bế tắc không lối thoát.
Thơm tâm sự: “May mắn của tôi là được gặp chị Thủy Tiên (Tô Thị Thanh Thủy Tiên - ca sĩ chuyên hát nhạc Trịnh) hướng dẫn. Khi chứng kiến cách chị từ chối những bạn trẻ hát không hay, không phù hợp nhưng xin vào nhóm hát, tôi cảm nhận được sự nỗ lực và trân trọng bản thân mình”.
Thơm tự nhận mình hát chưa hay nhưng cô rất nhạy với nốt nhạc và hát bè rất tốt nên đã trở thành nhân tố không thể thiếu của nhóm Đời rất đẹp. Cô từng đoạt giải nhất với bài viết Cuộc sống là chuỗi những thử thách khi tham gia chương trình "Tỏa sáng nghị lực Việt" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam… phối hợp tổ chức.
Đó còn là Chu Duy Thiện (SN 1984). Cơn sốt bại liệt đã cướp đi đôi chân của Thiện, nhưng với những nỗ lực không ngừng, anh đã tốt nghiệp ngành mỹ thuật công nghiệp (khoa Thiết kế đồ họa Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM).
Đó là Nguyễn Thanh Tùng (SN 1986), chàng trai xứ dừa có giọng ca vọng cổ rất ngọt, rất mùi. Với đôi chân không lành lặn, anh đã đặt chân đến nhiều nẻo đường xa xôi, truyền cảm hứng cho hàng ngàn mảnh đời bất hạnh. Đó còn là Trần Vũ Hoài Phương, Phương Quế Chi, Lê Văn Liễu với hành trình gian nan tập đi trên đôi nạng gỗ từ nhỏ.
Ban ngày người đi làm, người đi học, chỉ đêm về mới gặp nhau luyện tập. Cứ miệt mài qua tháng, qua năm như thế, Đời rất đẹp dần trưởng thành và được đánh giá là “cơn gió lạ” trên sân khấu âm nhạc tại TP.HCM.
Hát để tri ân cuộc đời
Mỗi người trong nhóm nhạc đều xác định đi hát không phải nghề nuôi sống bản thân, họ đều có những công việc riêng nhưng họ vẫn sống hết mình trong âm nhạc với khát vọng: “Tô sắc vui cho đời”. Thanh Tùng mỉm cười chia sẻ: “Điều đáng sợ nhất trên đời không phải là những khiếm khuyết trên cơ thể, mà là khuyết tật về tâm hồn”.
Hội quán Đời rất đẹp (91/6N Hòa Hưng, quận 10) trước đây vốn là sân khấu của nhóm nhạc Đời rất đẹp và những người yêu thích văn nghệ. Đây còn là nơi tổ chức các hoạt động rèn luyện sức khỏe, nơi sinh hoạt của các hội nhóm thiện nguyện… Trên sân khấu giản dị, người chống nạng, người ngồi ghế tựa cầm micrô, nụ cười rạng rỡ và giọng hát say sưa đủ làm say lòng bao người khách tới nghe nhạc.
Ở đó không có người khuyết tật hay không khuyết tật, chỉ có những người đam mê nghệ thuật, âm nhạc, họ gặp nhau, hát cho nhau nghe. Phong cách tươi trẻ, lạc quan của nhóm hát đặc biệt này đã và đang truyền cảm hứng sống đẹp, sống hết mình với đam mê cho mọi người.
“Có đêm mưa tầm tã, chúng tôi cứ nghĩ là không ai tới nhưng tới giờ vẫn có gần chục người tới xem. Tất nhiên là chúng tôi vẫn hát, chỉ cần có một người đến thôi, chúng tôi vẫn sẽ hát. Sau khi hết chương trình, họ ở lại cùng sắp xếp lại bàn ghế. Họ bảo ban đầu họ tới vì tò mò nhưng sau này họ tới vì để nghe chúng tôi hát. Lúc đó chúng tôi rất xúc động. Chị Thủy Tiên luôn nhắc chúng tôi phải luyện tập và biểu diễn một cách tự tin, nghiêm túc. Ngoài luyện thanh nhạc, các thành viên của nhóm cũng học đàn guitar, organ, sáo trúc. Phương châm của chúng tôi là làm sao kéo khán giả đến sân khấu để thưởng thức âm nhạc chứ không phải nghe người khuyết tật hát” - Thanh Tùng chia sẻ.
Minh Ngọc (cựu sinh viên ĐH KHXH &NV) là một fan trung thành của nhóm nhạc Đời rất đẹp. Nhà trọ của Ngọc cách hội quán tận bảy cây số nhưng những đêm diễn tại đây cô bạn chẳng bao giờ vắng mặt. “Mình lái xe ba bánh tới. Trong đêm nhạc, khi các anh chị nhóm Đời rất đẹp tự tin đứng trên sân khấu biểu diễn rất hay và chuyên nghiệp, mình rất hạnh phúc. Chỉ tiếc bây giờ hội quán không còn nữa rồi. Mình hy vọng hội quán sẽ sớm trở lại”.
Mới đây, tại hội trường Canary Club Trường ĐH Tân Tạo, Trung tâm Khuyết tật và Phát triển vinh dự được nhận giải thưởng Global Award danh giá do GS Bùi Duy Tâm và Ủy ban Kết nghĩa TP San Francisco, Mỹ - TP.HCM sáng lập. Bà Võ Thị Hoàng Yến - Sáng lập và Giám đốc Trung tâm Khuyết tật và Phát triển (DRD) được trao tặng giải thưởng Nhân đạo vì những cống hiến của bà đối với cộng đồng người khuyết tật tại Việt Nam. Ca sĩ Thủy Tiên (ca sĩ hát nhạc Trịnh) và nhóm Đời rất đẹp đạt giải về âm nhạc do sự nỗ lực vượt khó của bản thân để đóng góp tích cực cho sự thay đổi cách nhìn của cộng đồng về người khuyết tật.
Vào 16 giờ ngày 2-12 tại Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM (4A Phạm Ngọc Thạch, quận 1) sẽ diễn ra chương trình “Một thế giới cho tất cả - Chia sẻ giấc mơ” với nhiều hoạt động hấp dẫn. Khách mời nổi tiếng như MC Thanh Bạch, đạo diễn Thanh Thủy, ca sĩ Hạ Trâm, nhạc sĩ Hà Chương, Pianist Anh Mạnh, nhóm Đời rất đẹp, vũ đoàn Hòa Bình… Đây là sự kiện chào mừng ngày Quốc tế Người khuyết tật, đồng thời kỷ niệm 10 năm thành lập Trung tâm DRD. |