Khi báo chí trong nước đang tranh luận xem có nên lập và hợp pháp hóa “phố nhạy cảm” hay không thì vấn đề này đã ngã ngũ từ lâu ở nhiều nước. Cũng xung quanh việc hợp pháp hóa chuyện nhạy cảm, vấn đề vẫn còn đang gây tranh cãi ở Pháp lại thuộc một khía cạnh khác, cụ thể hơn: Tình dục cho người khuyết tật.
Bị liệt tứ chi vẫn có ham muốn tình dục
Tại vùng miền đông Alsace của Pháp, cô Jill Nuss - thư ký của APPAS - hội hỗ trợ tình dục cho người khuyết tật đã kể với trang thông tin điện tử Francetv Info của tập đoàn phát thanh truyền hình Pháp chuyện cô đã trở thành một hỗ trợ viên tình dục sau khoảng một năm làm gái mại dâm trong một quán bar có đi khách từ “sở thích muốn gặp gỡ nhiều người không quen biết”. Làm được một thời gian thì cô thấy nơi này không hợp nên đã nghỉ việc và ra ngoài làm “lao động tình dục tự do”.
Jill Nuss kể: “Tôi lập một trang web cá nhân, sắm thêm một chiếc điện thoại nữa. Thế là xong!” và giãi bày rằng dù “nghề” này bị mỉa mai, ai muốn gọi sao cũng được, “gái gọi”, “con điếm”, “con đĩ”, cô vẫn mặc kệ!
Rồi một hôm đã xảy ra một cuộc gặp gỡ “định mệnh” đối với cô. “Một ông khách bị khuyết tật gọi điện thoại cho tôi”. Cô hơi dùng dằng vì ông khách đó ở cách nhà cô đến một tiếng đồng hồ lái xe nhưng cuối cùng cô cũng đến bất chấp đường xa.
“Tôi không ở lại đó một giờ như thỏa thuận ban đầu, mà ở lại suốt luôn cả buổi chiều hôm đó, thế nhưng tôi không đòi hỏi thêm một đồng xu cắc bạc nào cả, tôi chỉ yêu cầu ông khách đó kể cho tôi nghe chuyện bệnh tật của ông ấy mà thôi”.
Ông này bị liệt tứ chi và sau đó đã trở thành khách hàng thường xuyên của cô. Lâu dần qua tiếp xúc trò chuyện, Jill Nuss đã hiểu ra nỗi khổ tâm sâu kín của những người bị thiếu thốn đời sống tình dục, về thể xác lẫn tinh thần, do họ bị khuyết tật, bẩm sinh hoặc mắc phải.
“Từ trước đến giờ, tôi là một người lành lặn sống trong thế giới của những người lành lặn, tôi chưa từng tiếp xúc với một người khuyết tật nào cả. Tôi đã từng có rất nhiều thành kiến với họ. Tôi đã từng nghĩ rằng một người bị liệt toàn thân thì hoàn toàn không có cảm giác gì cả. Nhưng trên thực tế, ông ấy không có cảm giác ở ống chân nhưng từ bên trên đùi lên một chút thì có, tuy không thể như người khỏe mạnh được"
"Tôi phải học cách sao cho phù hợp với cơ thể của ông ấy. Ông ấy bày tỏ được với tôi cảm giác thích thú và cũng biết làm tôi thích thú. Ông ấy nói trước khi bị tai nạn khiến ông bị liệt như thế này, ông ấy đã có một cuộc sống hoàn toàn bình thường về mọi mặt. Giờ đây, khi tôi giúp ông ấy sống lại được như một con người bình thường thì ông ấy mãn nguyện lắm”.
Cô Jill Nuss kể lại câu chuyện này với một chút thẹn thùng nhưng rất chân thành. Cô đã có nhiều khách quen như thế. Trên trang web của mình, cô trân trọng gọi những khách hàng bị khuyết tật là những “quý ông”.
Marcel Nuss (trái), một người khuyết tật, chủ tịch và sáng lập viên tổ chức APPAS, cổ súy hoạt động hỗ trợ tình dục cho những người có hoàn cảnh như ông. (Nguồn: Libération)
Tại sao lại cấm kỵ trong khi ta nhỏ lệ thương xót họ?
Năm 2011, đại biểu Jean-François Chossy của đảng UMP đã đề xuất nên chấp nhận ý tưởng rằng “mọi người đều có quyền nhận được một hỗ trợ về mặt con người trong vấn đề tình dục” và kêu gọi “thành lập một khung pháp lý và đạo đức luận” về chủ đề này. Đến năm 2012, Tổng thống François Hollande cũng đã hứa sẽ có “một cuộc tranh luận nghiêm túc và công khai” về vấn đề này nhưng rồi đã không có gì cả. Năm 2013, ủy ban tư vấn quốc gia về đạo đức học đã bác bỏ đề xuất nêu trên với lý do “không thể sử dụng cơ thể con người như một món hàng hóa để mua bán”.
Trở lại với tổ chức APPAS, ông chủ tịch Marcel Nuss - một người khuyết tật và cũng là chồng của cô thư ký Jill Nuss - không ngần ngại tuyên bố: “Một mặt chúng ta nhỏ lệ thương xót cho hoàn cảnh “những người khuyết tật tội nghiệp” kia, những người không thể tự mình có được một đời sống tình dục tự chủ nhưng mặt khác chúng ta lại la ó không cho họ có được cơ hội thỏa mãn nhu cầu tình dục của mình qua trung gian một dịch vụ có trả tiền, do đây bị gán vào một hình thức khai thác mại dâm”.
Tổ chức này có phương châm rõ ràng: Mọi loại hình được gọi là “lao động” thì phải nhận được thù lao, cho nên APPAS đưa ra mức giá 150 euro cho một giờ 30 phút. Thậm chí, tổ chức này còn làm trung gian kết nối giữa các hỗ trợ viên tình dục và người khuyết tật, còn sau đó họ có tiếp tục đến với nhau hay không là quyền của họ.
Trên tạp chí khoa học Futura Sciences, đạo diễn Jean-Michel Carré của bộ phim Tình dục, tình yêu và tình trạng khuyết tật đã phát biểu: “Chúng ta đang sống trong một thời đại đã quá dư thừa những cái gọi là tình cảm tốt đẹp. Chúng ta đã nói nhiều về tự do luyến ái, về việc giúp đỡ người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Mà khi đề cập hai phạm trù này riêng lẻ thì cách giải quyết dường như ổn thỏa nhưng khi gộp hai phạm trù này lại với nhau thì lại không dễ tìm ra câu trả lời. Bởi vì vấn đề tình dục của người khuyết tật vẫn còn là một điều cấm kỵ nằm trong đầu của những người bướng bỉnh nhất”.
Chứng chỉ hỗ trợ tình dục chuyên nghiệp Hội hỗ trợ tình dục cho người khuyết tật APPAS có một hội đoàn đứng ra tổ chức khóa huấn luyện đặc biệt về hoạt động hỗ trợ tình dục cho người khuyết tật, tuy đây vẫn còn là loại hình công việc không được hợp pháp hóa. Hơn chục người ngồi quanh dãy bàn xếp theo hình chữ U trong căn phòng nhỏ của một khách sạn nằm cách TP Strasbourg 20 km về phía nam. Họ đến đây từ nhiều nơi khác nhau khắp nước Pháp để tham dự một khóa học đặc biệt là hỗ trợ tình dục dành cho người khuyết tật. Khóa học kéo dài bốn ngày với lệ phí đăng ký là 450 euro. Trước tiên, học viên sẽ được giới thiệu về luật dân sự do chính một luật gia thuyết giảng. Về chuyên môn nghiệp vụ, tham gia đứng lớp còn có một nữ giảng viên người Đức là một “hỗ trợ viên tình dục” với 20 năm kinh nghiệm trên những “bệnh nhân”, đặc biệt là người bị mắc chứng tự kỷ. Kết thúc khóa học, học viên được cấp giấy chứng nhận. Tuy giấy chứng nhận này không có giá trị pháp lý nào cả nhưng âu đó cũng là một “bằng chứng đào tạo” cho kỹ năng này. Theo thăm dò, không phải tất cả học viên tham gia khóa học đều có mong muốn đi theo “nghề”, nhiều người chỉ đến cho biết mà thôi. |