Lần đầu tiên tôi gặp chị Nguyễn Thị Thúy Hoa là một buổi đấu giá từ thiện mà chị đứng ra tổ chức nhiều năm về trước để gây quỹ cho những em trẻ khuyết tật. Sản phẩm đấu giá chủ yếu là hoa voan và những kẹp tóc được trang trí bằng voan rất công phu. Chị hiện đang quản lý quán cà phê 3G tại 90 Đô Đốc Bảo (TP Quy Nhơn, Bình Định), là một trong số những người khuyết tật tiêu biểu ở Quy Nhơn.
Bông hoa vô thường giữa lòng phố
Ngày ấy, chị tự mình lên mạng mày mò tìm hiểu cách làm hoa voan, sau đó chỉ cho chị Loan - là cháu cũng là người chăm sóc chị mỗi ngày cách thực hiện, từ đó sản phẩm mới hình thành. Chị còn mở lớp đào tạo để dạy những bạn trẻ cách làm hoa voan nghệ thuật, nhiều người đến nay đã thành thợ lành nghề. Chị tâm sự: “Trong khoảng thời gian tham gia vào trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật Nguyễn Nga, chị nhìn thấy những người trẻ trong hội khuyết tật còn nhiều mặc cảm với thế giới bên ngoài lắm! Chị muốn làm một điều gì đó cho họ, cũng bởi vì bản thân chị đã thấu hiểu tận cùng nỗi đau ấy, chỉ mong tất cả người khuyết tật có thể hòa nhập cộng đồng, thể hiện bản thân mình”.
Khi mới sáu tháng tuổi, một cơn sốt bại liệt đã khiến chị suốt đời phải ngồi trên xe lăn. Chẳng thể đứng bằng đôi chân như bao người khác, có thể chạy nhảy cảm nhận những thớ cát ôm riết vào lòng bàn chân mê man nơi phố biển này nhưng chị vẫn kiên cường với cuộc sống như một loài hoa dại giữa cánh đồng giông gió khắc nghiệt, để viết nên những trang cổ tích đời người…
Gặp lại chị một ngày tháng 8, Quy Nhơn rơi nhẹ cơn mưa bất chợt, tôi kịp nhìn thấy đôi mắt chị đang nhìn về những khoảng trống xa xanh. Chị đang suy nghĩ về hoạt động của quán cà phê nhỏ mới mở, ước mong mà ngày xưa chị từng ấp ủ đã thành nhưng để duy trì và tạo ra lợi nhuận phục vụ cho mục đích sâu xa nhất mà chị quyết tâm thực hiện bấy lâu nay thì gặp muôn vàn trắc trở. Chị làm việc với cường độ cao, có nhiều đêm gần như thức trắng, trở sốt mê man, thế nhưng từ gương mặt ấy, mỗi khi chị nở nụ cười vẫn có một cảm giác trong trẻo đến lạ thường.
Chị thủ thỉ với tôi, mọi sự chắt chiu cố gắng đều hướng đến một mục đích cuối cùng để làm từ thiện. Ngay cả việc mở quán cà phê để kinh doanh cũng vậy nhưng chị không muốn cho khách biết, để họ có tâm trạng thoải mái nhất khi đến đây và phần lớn, họ tìm đến quán vì những chương tình sôi động và ý nghĩa mà chị cùng các tình nguyện viên lên ý tưởng thực hiện. Quán cà phê này là nơi lui tới của nhiều người khuyết tật, đây cũng là địa điểm để họ giao lưu và thể hiện mình, chị muốn xóa nhòa khoảng cách giữa họ với cộng đồng. Chị đặt tên quán là 3G cũng nhằm ý nghĩa đó: Kết nối…
Chị Hoa (trái) và anh Thanh.
Chị hạnh phúc kể cho tôi nghe những hoạt động gần đây mà chị cùng những bạn trẻ tình nguyện viên đã thực hiện được. Có được sự đồng hành và giúp sức của mọi người, chị không thấy mình đơn độc nữa. Chị đã tổ chức thành công chương trình giao lưu tại Nhà văn hóa Lao Động tỉnh, cùng nhiều hoạt động ý nghĩa như biểu diễn nghệ thuật, trình diễn năng khiếu cắm hoa... với sự tham dự của hơn 500 người, trong đó có gần 100 người khuyết tật. Đầu năm 2015, CLB Thiện Duyên được thành lập với hơn 40 thành viên do chị làm chủ nhiệm, tiếp tục giúp đỡ không chỉ những người khuyết tật mà cả những người có hoàn cảnh khó khăn. Gần đây nhất, CLB đã tổ chức trao tặng quà cho bà con trong “xóm chạy thận” tại BV Đa khoa tỉnh, gọi là xóm nhưng thực chất họ là người nhà và những bệnh nhân đang bị thận có hoàn cảnh hết sức khó khăn, căn bệnh quái ác ấy đã khiến không ít người tán gia bại sản. Nhận được những món quà từ chị Thúy Hoa, nhiều người không cầm được nước mắt vì cảm động.
Có người còn hoài nghi làm sao một con người hình thù nhỏ bé chỉ vỏn vẹn 20 ký nằm lọt thỏm trên chiếc xe lăn lại làm được nhiều điều đến thế để giúp đỡ người khác, cho đến khi họ được gặp và trò chuyện với chị mới thấy quý mến và nể phục tấm lòng và bản lĩnh của chị hơn. Khi được hỏi về dự định sắp tới, chị tiết lộ: Ngày 10-7 âm lịch tới chị sẽ tiếp tục tặng quà cho những bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn tại BV Đa khoa Bình Định, sau đó tổ chức lễ cầu siêu nhân mùa Vu lan báo hiếu và xá tội vong nhân.
Cuộc sống này đầy những số phận nghiệt ngã, tất cả đập vào ánh nhìn của chị tạo nên một sự phản chiếu từ đáy sâu tâm hồn đầy rung cảm. Ngoài công việc, chị còn sáng tác những câu thơ dễ thương, dung dị: “Thương sao ánh mắt sáng ngời/ Xinh xinh như những mặt trời bé con”. Đã có một thời gian chị thành lập ra bút nhóm Hoa xương rồng để nhen nhóm và truyền lửa cho những bạn trẻ khuyết tật có khả năng sáng tác. Chị cũng tự xem mình giống như loài hoa này, khẳng khiu giữa sa mạc gió cát nhưng quyết không đầu hàng số phận. Để rồi “bông hoa vô thường” ấy, nhỏ nhắn nhưng đầy kiêu hãnh tiếp tục thực hiện ý nguyện của mình như một thiên sứ tí hon giữa cuộc đời quá ư nhàm chán này, kết nối những tâm hồn lại với nhau. “Chỉ cần thấy những số phận kém may mắn có thể lạc quan và mỉm cười trước cuộc sống bằng sự tác động của mình, Thúy Hoa thấy những việc mình làm không vô nghĩa” - chị Hoa tâm sự.
Anh giám đốc… dốc làm
Không được may mắn như bao người bình thường khác nhưng người đàn ông khiếm thị Nguyễn Hùng Thanh bằng sự cố gắng và bản lĩnh của mình đã gây dựng nên hai cơ sở massage. Vì hạnh phúc người mù tại TP Quy Nhơn, tạo công ăn việc làm cho người khiếm thị và giúp người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng hơn.
Nhìn anh mang kính đen, áo thun quần bò, đôi tay rắn chắc khỏe mạnh, tôi mường tượng đến một ca sĩ ngoại quốc với mái tóc bồng bềnh lãng tử thập niên 1950. Khi tôi đến thăm anh cũng là lúc anh đang thực hiện những động tác điêu luyện để bấm huyệt, massage cho khách. Tôi hỏi: “Giám đốc mà cũng tự tay làm hả anh?”. Anh cười sảng khoái: Giám đốc là “dốc làm” mà em…
Lời nói của anh có vẻ như đùa nhưng đó lại là một sự thật đáng ngưỡng mộ của một con người đầy bản lĩnh, sống hòa đồng và vui tính, là chỗ dựa vững chãi của người vợ trẻ cùng đứa con đáng yêu đang học lớp 1 cùng bao anh chị em khác trong cơ sở massage và người khuyết tật. Qua tìm hiểu, tôi được biết ngoài là chủ quản lý hai cơ sở massage, anh còn đang là phó chủ tịch Hội Người mù tỉnh Bình Định; phó chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật; ủy viên ban chấp hành bảo trợ bệnh nhân nghèo.
Anh bắt đầu làm việc từ sáng sớm đến 10 giờ đêm mới nghỉ, ngoài những công việc hiện tại, anh còn tham gia trợ giúp pháp lý, có khi xuống tới tận địa phương theo đoàn trợ giúp tập trung để hướng dẫn rõ hơn cho những người dân nghèo.
Nhiều anh em đã thành nghề qua cơ sở đào tạo của anh, sau đó họ tự mở cơ sở riêng. Hai cơ sở anh đang quản lý hiện có tổng cộng 15 nhân viên cả nam và nữ, tất cả họ đều là người khiếm thị. Anh chia sẻ: “Cơ sở massage người mù đầu tiên được anh mở vào năm 2009, khi ấy người ta còn e ngại tay nghề của người khiếm thị nhưng sau dần họ tìm đến đông hơn vì kỹ thuật massage, bấm huyệt của nhân viên ở đây rất tốt, giá lại rẻ (trung bình một lượt massage 50.000 đồng, nếu hết các công đoạn xông hơi, trườm đá nóng, giác hơi là 120.000 đồng - PV), khách đến đa dạng các lứa tuổi, đặc biệt là những cô, chú bị bệnh thấp khớp họ hay tìm đến đây để được bấm huyệt, rất có ích cho sức khỏe. Cũng tùy theo yêu cầu của khách mà thay đổi lực tay mạnh, nhẹ cho phù hợp. Trung bình mỗi tháng, hai cơ sở có khoảng 1.200 lượt khách và mỗi nhân viên thu nhập khoảng 3 triệu đồng”.
Được biết ngoài là “chàng nhân viên massage gương mẫu”, anh Thanh còn là một người mai mối rất mát tay, qua sự giới thiệu của anh, từ cơ sở massage này đã có hơn 10 cặp đôi kết duyên với nhau. Anh chia sẻ: “Hạnh phúc kỳ thực rất giản đơn. Ta cứ sống, làm việc và trải lòng mình với tất cả. Đón nhận chứ không chấp nhận để lòng thanh thản và bình yên hơn”. Tôi cảm nhận được rằng anh đâu chỉ “dốc sức làm việc” mà còn “dốc lòng” vì người khác. Có lẽ bởi thế nên anh Thanh được mọi người quý mến. “Nhờ có anh Thanh mà anh chị em khiếm thị chúng tôi có cơ hội làm việc, có thu nhập trang trải cuộc sống và trợ giúp gia đình. Những khi vắng khách, mọi người trong cơ sở thường ngồi lại với nhau để uống trà, nói chuyện rất vui vẻ. Ở đây, mọi người đối xử với nhau như người trong nhà vậy” - chú Thừa, một người khiếm thị gắn bó với cơ sở của anh Thanh hơn bốn năm, chia sẻ.