Khi đôi tay để... nhìn
“Cô ơi, lấy giúp con màu xanh!”. “Cô ơi, bánh chưng vẽ thế nào ạ?”. “Cô ơi, hoa đào vẽ màu gì ạ?”. “Cô ơi…” và lại “Cô ơi…”. Đó là những âm thanh quen thuộc luôn vang lên trong lớp học đặc biệt này. Đều đặn vào chiều thứ 3 hằng tuần, các em nhỏ khiếm thị tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) cùng cô giáo Dương Ái Nhi lại có mặt tại lớp học năng khiếu, nơi đây từ lâu đã như ngôi nhà thứ hai của cả cô và trò. Lớp học vẽ của các em nhỏ khiếm thị này nằm trong chương trình “Nghệ thuật vượt thị giác” do bà Elisabeth Person (Thụy Điển) sáng lập và tài trợ. Chương trình bắt đầu tại Việt Nam từ 15 năm trước, nhưng chỉ dừng lại ở việc làm gốm. Phải đợi đến khi họa sĩ Ái Nhi đồng ý dạy cho các em nhỏ khiếm thị, lớp học vẽ mới có thể bắt đầu (năm 2011).
Có mặt tại lớp, trực tiếp chứng kiến lớp học này, không khỏi bất ngờ về khả năng của các em nhỏ bị khiếm thị bẩm sinh tại đây. Chủ đề của buổi vẽ và cắt dán mà cô Ái Nhi đưa ra cho “các con” là về mùa xuân, về ngày tết. Để các em có thể hình dung về thứ mình sắp vẽ, cô phải chuẩn bị đúng những đồ vật đó để các em nhỏ cảm nhận bằng xúc giác, nhận biết cả sự khác biệt về mùi giữa các đồ vật khác nhau. “Vì phải tìm và mang đồ thực đến cho các em nhận biết, có những hôm mọi người nhìn mình chẳng khác gì một bà đồng nát” - cô giáo Nhi kể.
Những ngón tay nhỏ nhẹ nhàng lướt lên bông hoa đào nhỏ, đôi tai lắng nghe cô giáo miêu tả về vật mà đôi tay của các em đang chạm vào. Nào là cánh hoa có màu hồng, nhị hoa có màu vàng. Tôi không chắc các em có thể hình dung được bao nhiêu về những cánh hoa, chỉ thấy từng khoé môi nhỏ khẽ cười đầy hạnh phúc. Riêng với màu sắc của đồ vật, để các em có thể hình dung và tạo nên bức tranh lại là một điều vô cùng khó khăn, cô giáo phải mất rất nhiều thời gian để miêu tả cho những học sinh đặc biệt này về màu sắc.
Bất chấp những khó khăn, cô giáo Nhi vẫn kiên trì dạy cho học sinh của mình những khái niệm về màu sắc và thành quả mang lại thật bất ngờ. Chị chia sẻ: “Mới đầu các em còn không chịu tô màu, bởi các em không hề có khái niệm về màu sắc. Phải mất một thời gian dài, động viên, khích lệ rất nhiều và kết quả thì những bức tranh màu của các em khiến tôi bất ngờ, chúng thực sự thú vị. Ngay cả đến khi tôi có cơ hội đến với lớp, nghĩa là đã sau 4 năm lớp đi vào học tập, thì vẫn còn đó hình ảnh vài em nhỏ đôi lúc khó chịu, đôi lúc chán nản vì không điều khiển được nét vẽ của mình”. Những lúc như thế, cô giáo Ái Nhi lại kiên nhẫn động viên các em nhỏ: “Hơi xấu cũng được, còn có cả dòng tranh trừu tượng mà con, quan trọng là con phải bình tĩnh hoàn thành tác phẩm”. Đến chính nữ giáo viên tâm huyết này cũng chẳng thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần phải dừng lại để động viên học sinh của mình như vậy.
Chẳng mất quá lâu để các em nhỏ hoàn thành những bức tranh về chủ đề mùa xuân của mình. Với nhiều người, ngày tết trong tranh vẽ của các em thiếu nhi không thể thiếu hoa đào, bánh chưng xanh và cả phong bao lì xì nữa. Nhưng tôi tuyệt nhiên không thấy một nét vẽ nào về bầu trời mùa xuân, với cánh chim én bay trong nắng xuân… trong tranh của các em nhỏ khiếm thị tại đây. Chuyện lạ mà hóa ra lại dễ hiểu, bao nhiêu tuổi là bấy nhiêu năm các em sống trong bóng tối, để vẽ được bất cứ thứ gì thì việc đầu tiên của các em là phải dùng tay để “nhìn”. Bầu trời lại là nơi mà các em nhỏ chưa bao giờ được chạm tới, thì việc tranh của các em khuyết mất bầu trời cũng là điều đương nhiên.
“Cô sẽ cho các hình để em sờ và vẽ theo, nhưng em vẫn thấy rất khó trong việc tưởng tượng, em chỉ vẽ được những thứ trên mặt đất, còn bầu trời thì khó, vì em chưa bao giờ được sờ tới” - em Nguyễn Văn Nam (16 tuổi) chia sẻ.
Cũng giống như những khái niệm về màu sắc, việc bầu trời như thế nào đối với các em cũng không quá quan trọng. Bởi suốt giờ học vẽ chỉ là tiếng cười, sự thoải mái và niềm hăng say với các bức vẽ. Đôi lúc, khi những đôi tay vẫn đang lần theo những đường nét để tô màu, lại có một em cất tiếng hát một bài về mùa xuân và thế là cả lớp đồng thanh hát theo, người giáo viên lặng nhìn và mỉm cười hạnh phúc.
Cô giáo Dương Ái Nhi tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội). |
Là giáo viên, là mẹ...
Trên thực tế, ngay từ ngày sang Việt Nam để thực hiện chương trình đầy tính nhân văn của mình, bà Elisabeth Person đã đích thân tìm đến họa sĩ Ái Nhi để đề nghị cô làm giáo viên cho lớp vẽ. Nhưng khi đó, nữ họa sĩ trẻ đã từ chối, bởi cô không nghĩ rằng các em nhỏ khiếm thị có thể vẽ được, bởi hội họa là môn nghệ thuật của thị giác. Cô cũng biết rằng đã có những họa sĩ khiếm thị rất nổi tiếng, nhưng trước đó họ đã có ký ức, có thời gian nhìn cuộc đời, còn với các em nhỏ bị khiếm thị bẩm sinh thì việc vẽ tranh là không thể.
Sau những năm đi dạy, có thêm nhiều kinh nghiệm, có thêm những góc nhìn mới, nữ họa sĩ đã thay đổi suy nghĩ của mình. Từ chối dạy ở ngoài với một mức lương rất cao, chị quyết định nhận lời mời làm giáo viên dạy vẽ cho các em nhỏ khiếm thị tại Trường THCS Nguyễn Đình Chiểu vào năm 2011.
Sau một thời gian tiếp xúc, giảng dạy cho các em nhỏ, chị nhận ra khả năng của các em không hề có giới hạn. “Giai đoạn đầu, việc dạy và học cực kỳ khó khăn, bởi các em chưa từng tiếp xúc với bút (các em nhỏ khiếm thị học chữ nổi). Phải mất 2 năm học, các em mới làm quen với việc cầm bút, học vẽ nét thẳng, rồi đến nét xiên, nét cong… Với những đứa trẻ bình thường thì việc cầm bút và vẽ những nét đó là rất đơn giản, nhưng đối với các em thì phải mất rất nhiều thời gian, dễ nản chí, tôi luôn luôn phải tìm ra cách để các em tiếp tục cố gắng, phải kiên trì để các em vượt qua chính mình. Bây giờ thì tất cả các buổi học các em đều rất say sưa” - nữ họa sĩ trẻ chia sẻ.
Để các em có thể vẽ, chị cho các em sử dụng bảng lưới để vẽ nét trước, rồi sau đó dùng tay sờ những nét gồ lên để tô màu. “Mới đầu, những bức tranh của các em chỉ là những nét vẽ nguệch ngoạc vô nghĩa, nhưng sau 4 năm thì những bức tranh bắt đầu khiến người xem thích thú. Rất nhiều họa sĩ khi đến triển lãm phải đứng lặng trước tranh của các em, họ tỏ ra thán phục, bởi việc các em vẽ hoàn chỉnh một bức tranh như là một điều kỳ diệu.”
Tham dự một buổi học của lớp mới thấy, nữ họa sĩ Ái Nhi không chỉ là một giáo viên, chị còn là một người mẹ, chăm sóc các em từng li, bởi các em không hề biết điều gì đang diễn ra xung quanh lớp học. Mỗi khi có một em nhỏ khát nước, hay muốn đi vệ sinh…, đích thân cô giáo giúp đỡ các em, mà nhà vệ sinh lại khá xa lớp học. “Trên đường tới lớp, mình hay phải dừng lại để mua thêm đồ, mua thêm giấy màu cho các con nên thỉnh thoảng đến muộn năm, mươi phút. Mỗi lần đến muộn như thế thì bất kể trời nắng hay mưa, hay hôm rét buốt, các con đều đứng xúm xít trước cửa đợi cô đến, hình ảnh đó làm mình nhớ mãi” - cô giáo trẻ nhớ lại.
Ngoài những giờ lên lớp, Dương Ái Nhi thực hiện những dự án sáng tác của riêng mình. Để dạy những em nhỏ khiếm thị nơi đây, có lẽ chỉ là một người giáo viên thôi thì chưa đủ, còn phải là một người nghệ sĩ, với những ý tưởng bay bổng để giúp đỡ các em.
Ước mơ trong năm mới của chị, đơn giản chỉ là “mong tranh của các con sẽ được tham dự nhiều triển lãm, giới thiệu với công chúng yêu nghệ thuật”. Kết thúc buổi học, cô giáo Ái Nhi cặm cụi dọn dẹp lớp học, thu gom những mẩu giấy vụn, sáp màu mà các em học sinh vốn chẳng hề biết mình đã làm rơi.
Theo MINH THÁI (Lao Động)