Từ ngày 30-5, chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân, TP.HCM) bắt đầu có những block, căn hộ bị phong tỏa do dịch bệnh. Chuỗi ngày phong tỏa kéo dài với số hộ dân bị cách ly càng nhiều thêm.
Đến khi toàn bộ 14 block của chung cư bị phong tỏa, cư dân cũng dần quen với hình ảnh đội chuyển hàng của Ehome 3.
Những tình nguyện viên này gồm nhân viên, cư dân đang sinh sống tại Ehome 3, có người làm bác sĩ, giáo viên, tài xế... Ngày cũng như đêm, họ ngược xuôi chuyên chở hàng hóa, làm ấm lòng gần 10.000 cư dân mùa dịch.
Đội chuyển hàng cho cư dân Ehome 3 nhận nhiệm vụ chở nhu yếu phẩm, hàng hóa từ bên ngoài vào khu phong tỏa. Ảnh: NVCC
Đội shipper không lương
Hơn một tháng qua, điện thoại của anh Phan Trần Bảo Châu, Trưởng Ban Quản lý cụm A5 - A6 - B1, chung cư Ehome 3 cứ đổ chuông liên tục. Nhiều cuộc gọi đến từ các cư dân nhờ anh Châu và đội chuyển hàng Ehome 3 ra Bến Phú Định lấy hàng hóa, nhu yếu phẩm.
Đội chuyển hàng Ehome 3 được thành lập với các tình nguyện viên là nhân viên công ty, bảo vệ và cư dân của chung cư. Ban đầu, đội chỉ có khoảng chục người, nay đã lên đến 35 thành viên, có cả nam lẫn nữ.
Tất cả đều không quản ngại vất vả, nguy hiểm, tất tả ngược xuôi vận chuyển hàng hóa. Cư dân chung cư gọi vui họ là những shipper bất đắc dĩ, làm việc bằng tình thương, chứ lương chỉ có 0 đồng.
“Mỗi ngày, lúc 7 giờ sáng, đội phân ra các nhóm nhỏ, thực hiện việc vận chuyển hàng ở các chốt vào sảnh các block. Nhóm ở Bến Phú Định (quận 8) sẽ nhận hàng, nhắc nhở người giao hàng ghi chính xác số căn, block của người nhận. Nhóm khác khuân vác hàng lên xe chở bằng xe ba gác, xe tải về chốt A9. Tại chốt này, chúng tôi sẽ phân hàng ra, chở bằng xe máy vào từng block. Ở sảnh, một nhóm khác sẽ nhận nhiệm vụ đưa hàng lên các tầng, căn hộ bị cách ly” – anh Châu cho biết.
Đội "shipper" không lương, làm việc từ 7 giờ sáng đến tận 22 giờ mỗi ngày. Ảnh: NVCC
Công việc cứ lặp đi lặp lại như thế từ sáng sớm cho đến gần 10 giờ tối. Các thành viên của đội phải mặc đồ bảo hộ, nóng bức, mệt thì cũng chỉ dám ngồi tạm dưới bóng cây. Cư dân thấy thương, muốn nói cảm ơn cũng phải đứng từ xa cúi đầu ra hiệu.
“Nhiều người thấy đội làm việc ngoài nắng, liền mua nước cho uống. Họ còn đưa tiền bồi dưỡng mà các thành viên đều không nhận. Hồi trước, mọi người có cho tiền đổ xăng nhưng, thời gian phong tỏa kéo dài, người ta khổ quá, cũng không còn đưa nữa. Đội tự làm, tự đổ xăng lo cho cư dân luôn” – anh Châu cho biết.
Hễ ai cố giúi tiền vào tay thì anh Châu đều nói: “Làm giúp nhau, lấy tiền chi trời”. Đôi khi chở hàng tới sảnh, người nhận cầm gói hàng rồi cảm ơn, thành viên đội đã thấy vui.
Anh Nguyễn Phước Thiện là thành viên nòng cốt, tham gia đội chuyển hàng Ehome 3 từ những ngày đầu. Thấy mọi người bị phong tỏa, việc nhận hàng, nhu yếu phẩm quá khó khăn, anh Thiện liền hăng hái hỗ trợ.
Anh Thiện kể: “Lúc đầu, việc chuyển hàng khá nặng nhọc do đội có ít thành viên. Sau này, nhiều người tham gia, chia bớt việc nên đỡ mệt hơn một chút”.
Trước đây, anh Thiện chạy xe máy vận chuyển hàng, dần dà hàng hóa nhiều lên, anh phải dùng tới chiếc ba gác. Hiện tại, anh đã chuyển sang lái xe tải, xe ô tô để vận chuyển nhu yếu phẩm, hàng hóa cho cư dân Ehome 3.
“Có ngày, đội phải khuân vác, vận chuyển hàng tấn gạo, chuối, rau củ quả... Chung cư có 14 block với gần 10.000 dân thì khối lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm nhiều lắm. Có mạnh thường quân cho một lần 8 tấn gạo, 14 tấn chuối… chúng tôi chuyển vào rất mệt nhưng thấy cũng thiệt vui” – anh Thiện chia sẻ.
Các tình nguyện viên chở rau củ bằng xe máy vào tận sảnh của từng block cho cư dân. Ảnh: NVCC
Bác sĩ, giám đốc… hóa thành bốc vác
Theo anh Thiện, chung cư Ehome 3 có nhiều block, nhiều cụm. Thành viên tham gia đội chuyển hàng rải đều các cụm, không có chuyện ưu tiên hỗ trợ cụm này hay cụm kia. Họ làm việc xuyên suốt, chỉ nghỉ trưa khoảng 30 phút.
“Qua hoạt động của đội chuyển hàng, chúng tôi thấy cư dân của Ehome 3 rất đoàn kết. Nhà nào có ô tô, ba gác thì đều mang ra dùng, vận chuyển đồ cho mọi người. Công việc rất mệt nhưng cùng nhau làm sẽ vui và đoàn kết hơn” – anh Thiện chia sẻ.
Những ngày nắng nóng, thành viên của các đội vẫn phải mặc đồ bảo hộ. Nhiều người bị ra mồ hôi, hâm rộp da. Một số tình nguyện viên vốn làm bác sĩ, giám đốc… tay chân không quen mang vác. Vậy mà, vào đội, họ thành thạo chuyện bốc dở hàng hóa, ghi nhận đơn hàng…
Những lúc mệt mỏi, đội chuyển hàng ngồi nghỉ tạm dưới gốc cây, ăn gói xôi, ổ bánh mì... Ảnh: NVCC
Theo anh Trần Văn Công, Trưởng Ban quản trị cụm A1-A2-A3-A4, ngay khi phong tỏa, các tình nguyện viên của chung cư đã thành lập đội tình nguyện hỗ trợ cư dân. Họ chấp nhận vất vả, xung phong ra các điểm chốt nhận hàng hóa, nhu yếu phẩm chuyển vào sảnh.
“Trước khi dịch bùng phát, mọi người có thể chưa quen biết nhau nhưng trong khó khăn, tình nghĩa làng xóm lại trỗi dậy, người giúp người không đòi hỏi lợi ích. Nhiều chị em phơi nắng ở Bến Phú Định nhận hàng, mệt thì ngồi tạm ở gốc cây ăn gói xôi, ổ bánh mì. Đâu ai khiến mình khổ cực như vậy nhưng thương nhau thì làm thôi” – anh Văn Huy, cư dân chung cư Ehome 3 chia sẻ.
Chị Hồ Hồng Hạnh đang sống tại Ehome 3 rất xúc động khi nhìn thấy cảnh đội chuyển hàng ngồi nghỉ mệt dưới bóng cây. Giữa cái nắng chói chang, họ khoác lên bộ đồ bảo hộ màu xanh, liên tục di chuyển, khuân vác hàng. "Bình thường ai cũng bận lo đi làm, riêng thời gian này cư dân chung cư bị phong tỏa nên có những khó khăn nhất định, mọi người chung tay hỗ trợ nhau, thật ấm lòng"- chị Hạnh nói.
Sau hơn 1 tháng hoạt động hỗ trợ người dân ở Ehome 3, các thành viên đội chuyển hàng chỉ có một mong mỏi duy nhất: Dịch sớm qua đi, cư dân chung cư Ehome 3 và người dân thành phố sớm được trở lại cuộc sống thường nhật như trước đây.
Lan tỏa tinh thần sống tích cực trong mùa dịch
“Trong thời gian dịch bệnh có diễn biến phức tạp, chúng tôi nhận thấy cư dân ở Ehome 3 càng đoàn kết và yêu thương, bảo bọc cho nhau. Khi lực lượng chuyển hàng của Ban Quản lý chung cư mệt mỏi, cư dân tự vận động nhau lập luôn một đội giao hàng tình nghuyện cho mấy ngàn căn hộ. Điều này rất đáng quý. Đại diện Tập đoàn Nam Long, Chủ đầu tư Chung cư Ehome 3. |