Đội tàu chở dầu ‘bóng tối’ giúp Nga né trừng phạt của phương Tây

(PLO)- Theo nhiều nhà phân tích và môi giới hàng hải, Nga đang tập hợp đội tàu chở dầu “bóng tối” để né trừng phạt của phương Tây áp giá trần lên dầu Nga bắt đầu từ ngày 5-12.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Tờ Wall Street Journal dẫn các nguồn tin cho hay các công ty vận tải biển đã mua hàng chục tàu chở dầu cũ trong năm nay. Họ trả mức giá cao kỷ lục cho những con tàu chở dầu thuộc loại phá băng, có thể di chuyển trên vùng biển đóng băng quanh các cảng Baltic của Nga vào mùa đông.

Sẽ có đội tàu "bóng tối" giúp Nga né trừng phạt?

Các giám đốc điều hành hãng tàu xác nhận họ nhận được vô số đơn đặt hàng mua tàu chở dầu cũ trong năm nay. Thông thường các yêu cầu đến từ các nhà môi giới tàu biển mới đại diện cho các công ty có tiếng tăm ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất) và Trung Quốc.

Một cảng dầu của Nga. Ảnh: THE MOSCOW TIMES

Một cảng dầu của Nga. Ảnh: THE MOSCOW TIMES

Những công ty này được cho là đang tham gia chở dầu từ Nga. Giá các tàu chở dầu cũ sắp đến hạn phân rã để bán phế liệu đang tăng cao hơn. Giá trung bình của các tàu chở dầu lớn, có 15 tuổi đời, tăng 37%, lên 52 triệu USD mỗi chiếc trong sáu tháng qua, theo ông Stephen Gordon, Giám đốc nghiên cứu tại công ty môi giới tàu biển Clarkson.

Ngành công nghiệp tàu chở dầu đang bị chia đôi với một bên là các hãng tàu chở dầu chỉ giao dịch với các công ty dầu mỏ, ngân hàng và công ty bảo hiểm phương Tây. Bên còn lại, được gọi là “đội tàu bóng tối”, không sử dụng dịch vụ của những công ty đó, cho phép chúng vận chuyển dầu của Iran, Venezuela và gần đây là Nga.

Giám đốc điều hành Lars Barstad của hãng tàu chở dầu Frontline, cho biết: “Bạn có một loại thị trường vận chuyển dầu mới, song song với thị trường tuân thủ pháp lý thông thường”.

Ông John Smith, đối tác tại hãng luật Morrison & Foerster và là cựu giám đốc Văn phòng Kiểm soát tài sản nước ngoài thuộc Bộ Tài chính Mỹ, cũng cho biết đội tàu dầu “bóng tối” đã phát triển cách đây một thập niên để vận chuyển dầu của Iran sau khi Mỹ siết chặt trừng phạt đối với Tehran vào năm 2012.

Không có một định nghĩa duy nhất về tàu chở dầu trở thành một phần của đội tàu “bóng tối”. Báo cáo năm 2020 của Bộ Tài chính Mỹ ám chỉ tàu “bóng tối” là những tàu đổi cờ, tắt bộ phát đáp tín hiệu hoặc gửi tín hiệu giả hoặc hoán đổi dầu trên biển; hoặc những tên tàu quét sơn che tên, làm giả tài liệu và che giấu quyền kiểm soát tàu thông qua các lớp sở hữu và công ty quản lý.

Theo các lãnh đạo ngành vận tải biển, một số tàu “bóng tối” hoạt động mà không có bảo hiểm. Nhà phân tích Armen Azizian tại công ty theo dõi dòng chảy dầu thô Vortexa, cho biết 70 tàu chở dầu từng chở dầu của Iran hoặc Venezuela đã chuyển sang dầu của Nga kể từ chiến sự nổ ra ở Ukraine. Theo ông Azizian, con số này chiếm hơn 1/5 đội tàu chở dầu “bóng tối” trước chiến tranh nếu không tính các tàu chở dầu thuộc sở hữu nhà nước ở hai quốc gia đó. Các nhà môi giới tàu biển dự báo tỷ lệ đó tăng lên trong mùa đông.

Không giống như Iran, nước bị cấm bán dầu trên toàn thế giới do vướng trừng phạt của Mỹ, dầu thô của Nga sẽ vẫn hợp pháp để mua bán sau khi các hạn chế mới từ Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực từ ngày 5-12: lệnh cấm vận dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển của nếu dầu Nga được mua trên mức giá trần EU vừa thống nhất.

Theo lệnh cấm, các công ty ở châu Âu không được cung cấp dịch vụ vận chuyển, tài chính và bảo hiểm cho các tàu chở dầu của Nga trừ khi được mua ngang bằng hoặc dưới mức giá trần 60 USD/thùng mà EU và khối các cường quốc G7 đặt ra.

Hoạt động đội tàu “bóng tối” sẽ tác động đến giá dầu

Đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào điểm dễ tổn thương trong ngành năng lượng của Nga. Nước này phụ thuộc vào các tàu chở dầu nước ngoài, chủ yếu được bảo hiểm và tái bảo hiểm ở châu Âu, để vận chuyển dầu.

Ông Anoop Singh, cựu Giám đốc bộ phận nghiên cứu tàu chở dầu tại công ty môi giới tàu biển Braemar, dự báo Nga sẽ thiếu tàu để vận chuyển dầu nếu bị cắt sự tiếp cận khỏi đội tàu chở dầu chính thức.

Theo các nguồn tin, mục đích của các giao dịch mua tàu cũ là để giúp đưa dầu của Nga ra thị trường quốc tế sau khi đòn trừng phạt khắc nghiệt nhất cho đến nay của EU giáng xuống ngành năng lượng của Nga bắt đầu từ ngày 5-12. Tuy nhiên các nhà kinh doanh hoặc phải chấp nhận rủi ro khi vận chuyển dầu của Nga mà không có dịch vụ bảo hiểm an toàn của phương Tây hoặc phải mua dầu ở mức giá trần 60 USD /thùng hoặc thấp hơn.

Moscow đã tuyên bố sẽ không bán dầu cho bất cứ nước nào tuân thủ cơ chế giá trần. Để né các biện pháp trừng phạt của phương Tây, Nga sẽ dựa vào đội tàu chở dầu “bóng tối”.

Quy mô và sự linh hoạt của đội tàu chở dầu “bóng tối” sẽ giúp xác định liệu Tổng thống Nga Vladimir Putin có thành công trong việc duy trì nguồn thu từ dầu mỏ của đất nước ông hay không. Dầu mỏ vẫn là huyết mạch kinh tế của Nga và là nguồn tài trợ chủ chốt cho cuộc chiến ở Ukraine khi Moscow đã gần như cắt đứt hoàn toàn việc bán khí đốt cho châu Âu.

Hoạt động của đội tàu “bóng tối” cũng có thể có tác động lớn đến việc liệu giá dầu và khí đốt có tăng cao trong những tháng tới hay không.

Một tàu chở dầu lớn thường có khả năng chở 2 triệu thùng. Các tàu “bóng tối” có thể không hoạt động hiệu quả. Các thương nhân cho biết các tàu chở dầu có tuổi đời cao di chuyển chậm hơn và chính quyền địa phương ở các điểm dễ tắc nghẽn như eo biển Bosporus (Thổ Nhĩ Kỳ) và kênh đào Suez (Ai Cập) có thể giữ lại những tàu thiếu bảo hiểm.

Theo ông Singh, tùy thuộc vào tốc độ di chuyển của tàu chở dầu và thời tiết ở Biển Baltic, Nga có thể chứng kiến lượng dầu xuất khẩu sụt giảm khoảng 1,5 triệu thùng/ngày từ con số xuất khẩu 7,8 triệu thùng/ngày gần đây của nước này.

Nếu doanh số bán dầu của Nga giảm do không có đủ tàu chở dầu, thì giá năng lượng có thể tăng vọt trên toàn cầu.

Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Điện Kremlin, cho biết các biện pháp trừng phạt vận chuyển dầu sẽ gây tổn hại cho cả Nga và các nước áp đặt chúng. Ông nói: “Việc vận chuyển dầu của Nga sẽ được tổ chức phù hợp với các điều kiện mới. Sự bất ổn của thị trường dầu mỏ là không thể tránh khỏi, nhưng nhu cầu vẫn còn lớn”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm