Ngày 2-6, Đối thoại Shangri-La 2024 chính thức khép lại sau 3 ngày thảo luận sôi nổi về các chủ đề an ninh nóng trong khu vực, trong đó có Biển Đông, Đài Loan,.... Nhìn chung, tâm điểm Đối thoại Shangri-La năm nay tiếp tục là màn đấu từ Mỹ-Trung.
Đề cao sự ổn định khu vực
Phát biểu dẫn đề tại Đối thoại Shangri-La, Tổng thống Philippines - ông Ferdinand R. Marcos Jr liệt kê hàng loạt thách thức trong khu vực hiện nay, bao gồm cạnh tranh Mỹ-Trung. Do đó, ông Marcos nhấn mạnh việc Trung Quốc và Mỹ quản lý sự cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định liên tục của khu vực, theo hãng tin Reuters.
“Bất kỳ quốc gia nào tuyên bố đóng góp vào hòa bình và ổn định liên tục của khu vực này đều phải tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN không chỉ bằng lời nói mà còn bằng hành động. Mọi quan hệ đối tác và thỏa thuận không bao giờ được thay thế hoặc làm loãng đi mà phải đề cao và bổ sung cho vai trò trung tâm của ASEAN” - ông Marcos phát biểu.
“Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Phán quyết Trọng tài năm 2016 tạo nền tảng vững chắc cho việc giải quyết và quản lý tranh chấp một cách hòa bình. Chính sách của chúng tôi ở Biển Đông được xây dựng dựa trên hai nền tảng này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với ASEAN và Trung Quốc để hướng tới một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả và thực chất, được gắn chặt với UNCLOS” - Tổng thống Philippines - ông Ferdinand R. Marcos Jr nói về vấn đề Biển Đông. Ông Marcos nhấn mạnh cam kết giải quyết và quản lý các vấn đề khó khăn trong vấn đề Biển Đông thông qua đối thoại và ngoại giao.
Ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng Washington đang quá tập trung vào giúp đỡ Ukraine đối phó Nga và hỗ trợ cho cuộc chiến của Israel ở Gaza, và từ đó giảm bớt chú ý vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Dường như hiểu được vấn đề này, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ngày 1-6, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin lên tiếng trấn an rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là ưu tiên với Washington.
“Bất chấp những cuộc đụng độ lớn ở châu Âu và Trung Đông, Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vẫn là nơi hoạt động ưu tiên của chúng tôi” - ông Austin khẳng định.
Vị bộ trưởng khẳng định Mỹ chỉ được an toàn nếu châu Á được an toàn, "và đó là lý do tại sao Mỹ từ lâu đã duy trì sự hiện diện ở khu vực này".
Trả lời câu hỏi liệu Mỹ có đang cố gắng tạo ra một phiên bản Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) châu Á không, Bộ trưởng Austin nhấn mạnh Mỹ chỉ đơn giản là hợp tác với “các quốc gia có cùng chí hướng, có cùng giá trị” và không cố gắng tạo ra một liên minh kiểu NATO ở châu Á, theo đó không gây tác động tiêu cực đến an ninh và ổn định của khu vực này.
Phần mình, đề cập an ninh châu Á-Thái Bình Dương, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân ngày 2-6 nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia nào kích động chiến tranh dù nóng hay lạnh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, theo tờ South China Morning Post.
“Chúng tôi sẽ không cho phép bá quyền và chính trị quyền lực gây tổn hại cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ không cho phép các xung đột địa chính trị, chiến tranh lạnh hay chiến tranh nóng lan vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng tôi cũng sẽ không cho phép bất kỳ quốc gia hay thế lực nào tạo ra chiến tranh và hỗn loạn ở đây” - ông Đổng phát biểu tại Đối thoại Shangri-La.
Cũng tại Đối thoại Shangri-La, Tổng thống đắc cử Indonesia - ông Prabowo Subianto đề cập phương thức “châu Á" nhằm giải quyết các căng thẳng khu vực thông qua việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa các nước, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng và sự thâm hụt lòng tin ngày càng lớn giữa các quốc gia, theo tờ The Straits Times.
“Tôi tin rằng... an ninh thực sự đến từ mối quan hệ rất tốt giữa các nước láng giềng gần gũi của chúng ta” - ông Subianto nói.
Thực thi pháp luật hàng hải và xây dựng niềm tin
Tại phiên đối thoại đặc biệt 4 của Đối thoại Shangri-La, các chuyên gia và quan chức cấp cao các nước đã thảo luận về chủ đề “Thực thi pháp luật hàng hải và xây dựng niềm tin”.
Trên thực tế, các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải đóng vai trò địa chính trị ngày càng trung tâm ở châu Á-Thái Bình Dương. Các hoạt động hiện diện nhằm nhấn mạnh các yêu sách hàng hải và thực thi luật pháp đã tạo điều kiện cho các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải giữa các nước thường xuyên liên lạc với nhau. Tuy nhiên, các cơ chế xây dựng lòng tin giữa họ lại kém phát triển hơn so với các đối tác quân sự của họ.
Theo đó, các chuyên gia và quan chức đã cùng nhau thảo luận nhằm tìm cách giúp các cơ quan thực thi pháp luật hàng hải có thể quản lý tốt hơn các cuộc chạm trán thường xuyên trên biển nhằm giảm thiểu rủi ro leo thang.
“Nền kinh tế di chuyển thông qua các tuyến hàng hải, chúng ta dựa vào biển để tìm kiếm các nguồn năng lượng quan trọng và các tài nguyên thiên nhiên khác. Đại dương không chia cắt chúng ta mà chính nó là thứ kết nối sự thịnh vượng của chúng ta. Quyền lợi của chúng ta phụ thuộc vào việc vùng biển vẫn hòa bình, an toàn, toàn diện và được điều chỉnh bởi luật pháp quốc tế” - Đô đốc Linda Fagan, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ, nói.
Theo bà Fagan, các hoạt động như buôn bán người và ma túy, tấn công mạng và đánh bắt cá bất hợp pháp gây ra sự bất ổn, đe dọa trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Theo đó, bà Fagan nhấn mạnh rằng việc thiết lập các lực lượng như tuần duyên, hải quân hoặc lực lượng giám sát hoạt động đánh bắt cá trên biển là biện pháp tốt nhất để duy trì luật pháp và đảm bảo chủ quyền hợp pháp của quốc gia.
Cũng tại phiên thảo luận này, Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - Thiếu tướng Lê Quang Đạo nêu rõ rằng những cơ chế hợp tác quốc tế về an ninh biển đã góp phần mang lại những kết quả to lớn; các tình huống, sự vụ trên biển được giải quyết hiệu quả; các vụ tai nạn được cứu hộ kịp thời; hoạt động tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia, cướp biển, tội phạm ma túy đã được đấu tranh hiệu quả.
"Trong quá trình thực hiện các hoạt động hợp tác nêu trên, các bên đã tuân thủ và tôn trọng luật pháp, thỏa thuận và điều ước quốc tế, các bản ghi nhớ hợp tác. Trong đó, yếu tố quan trọng quyết định công tác hợp tác [giữa các bên] là xây dựng lòng tin giữa các bên; tạo sự đồng thuận, tin cậy lẫn nhau, chia sẻ trách nhiệm, đóng góp nguồn lực để giải quyết tốt các vấn đề trên biển, xây dựng vùng biển hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển" - Thiếu tướng Lê Quang Đạo đánh giá.
Mỹ-Trung đối thoại bên lề, ông Zelensky có bài phát biểu quan trọng
Ngày 31-5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân đã gặp bên lề Đối thoại Shangri-La, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo quốc phòng hai nước, hãng AFP đưa tin.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói với phóng viên rằng cuộc gặp diễn ra “tích cực, thực tế và mang tính xây dựng”. Hai nhà lãnh đạo quốc phòng thảo luận về vấn đề Đài Loan, xung đột Nga-Ukraine và xung đột ở Gaza.
Theo Channel News Asia, cuộc hội đàm giữa hai bộ trưởng hôm 31-5 mang lại hy vọng về việc hai bên nối lại đối thoại quân sự, nhằm giúp ngăn chặn các vấn đề nóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Bộ trưởng Austin cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ nối lại liên lạc giữa 2 bên quân đội "trong những tháng tới".
Ngày 2-6, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu quan trọng trong khuôn khổ Đối thoại Shangri-La. Ông Zelensky nói rằng Nga đang muốn xoá Ukraine khỏi bản đồ chính trị thế giới và đang cố gắng phá vỡ các nỗ lực hòa bình.
“Nga muốn xóa Ukraine khỏi bản đồ chính trị thế giới. Giữa những năm 2010, Nga đã mang chiến tranh đến Ukraine, một cuộc chiến mà dân Ukraine không bao giờ mong muốn cũng không bao giờ khơi mào” - ông Zelensky nói.