Biết gì về Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á?

(PLO)- Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á - sẽ diễn ra vào cuối tuần này với sự tham gia của hàng trăm đại biểu trong lĩnh vực an ninh quốc phòng trong bối cảnh nhiều căng thẳng toàn cầu đang đe dọa khu vực.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 31-5 tới, hàng trăm quan chức quốc phòng, các tướng lĩnh quân đội cùng các chuyên gia quân sự sẽ tập trung tại Singapore để tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21, kênh Channel News Asia (CNA) đưa tin.

Tổng quan về Đối thoại Shangri-La

Đối thoại Shangri-La là diễn đàn an ninh thường niên lớn nhất châu Á, là nền tảng để các quan chức chính phủ, lãnh đạo doanh nghiệp và chuyên gia thảo luận về các mối quan ngại an ninh cấp bách trong khu vực.

Diễn đàn này do Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) tổ chức. Khuôn khổ đối thoại bao gồm các bài phát biểu, tranh luận cũng như các cuộc họp riêng bên lề.

Thời điểm khởi đầu, vào năm 2002, Đối thoại Shangri-La là cuộc họp giữa 14 bộ trưởng quốc phòng và 160 đại biểu tại khách sạn Shangri-La (Singapore) nhằm bàn luận về những lo ngại an ninh toàn cầu sau các cuộc tấn công khủng bố như vụ 11-9-2001 ở Mỹ. Phái đoàn của Mỹ do Thứ trưởng Quốc phòng Paul Wolfowitz dẫn đầu.

Ban đầu diễn đàn có tên gọi là Hội nghị An ninh Châu Á, sau đó được đổi tên theo khách sạn nơi tổ chức sự kiện. Trong những năm qua, diễn đàn liên tục mở rộng danh sách khách mời và các phiên họp.

Trung Quốc bắt đầu tham gia đối thoại từ năm 2007. Đến năm 2018, gần 50 quốc gia đã cử đại diện tham gia diễn đàn.

Sự kiện tạm ngưng vào năm 2020 và 2021 do đại dịch COVID-19.

Biết gì về Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á
Cảnh sát bảo vệ gần lối vào khách sạn Shangri-La (Singapore), nơi diễn ra Đối thoại Shangri-La vào ngày 2-6-2023. Ảnh: AP

Bình luận về Đối thoại Shangri-La, ông Choi Shing Kwok, Giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak Institute, Singapore) nói rằng diễn đàn đã đi được một chặng đường dài.

“Đối thoại Shangri-La đã phát triển cả về quy mô lẫn mức độ. Giờ đây, diễn đàn là hội nghị quốc phòng và an ninh quan trọng nhất đối với châu Á, tương tự như Hội nghị An ninh Munich của châu Âu” - ông Choi nhận xét.

TS Lim Tai Wei, nhà nghiên cứu cấp cao tại ĐH Quốc gia Singapore cũng ca ngợi vai trò của diễn đàn đối với an ninh khu vực.

“Khi chúng ta chứng kiến ​​một thế giới ngày càng đa cực, Đối thoại Shangri-La sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong việc quy tụ nhiều quan chức quốc phòng và tình báo, cũng như các quan chức ngoại giao để thảo luận về các vấn đề nóng bỏng” - TS Lim nói với CNA.

Các hoạt động tại Đối thoại Shangri-La

Đối thoại Shangri-La kéo dài ba ngày, mở đầu bằng bài phát biểu quan trọng của một nguyên thủ quốc gia.

Trong những năm qua, các nhà lãnh đạo đã sử dụng diễn đàn này để nêu quan điểm về các thách thức an ninh khu vực và toàn cầu, đồng thời đưa ra các ý tưởng nhằm giải quyết các điểm nóng. Một số nhà lãnh đạo cũng đã nêu quan điểm của nước họ về các vấn đề gây tranh cãi.

Sau đó, bảy phiên họp toàn thể về các vấn đề an ninh quan trọng và mới nổi sẽ diễn ra với sự tham gia của các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao.

Ngoài ra còn có sáu phiên họp đặc biệt để các nhà hoạch định chính sách và nhà nghiên cứu đề cập các thách thức chiến lược trong khu vực.

Bên cạnh đó, còn nhiều cuộc thảo luận diễn ra bên lề sự kiện, bao gồm các cuộc gặp song phương, đa phương.

Biết gì về Đối thoại Shangri-La - diễn đàn an ninh lớn nhất châu Á
Thủ tướng Úc Anthony Albanese phát biểu tại buổi khai mạc Đối thoại Shangri-La lần thứ 20 ngày 2-6-2023. Ảnh: AP

Nơi nâng cao tiếng nói của các nước nhỏ

Ông Choi tin rằng các quốc gia nhỏ có thể tận dụng Đối thoại Shangri-La để thúc đẩy lợi ích trong bối cảnh căng thẳng giữa các siêu cường thường chi phối chương trình nghị sự.

Năm nay, Tổng thống Philippines - ông Ferdinand Marcos Jr sẽ có bài phát biểu quan trọng trong đêm khai mạc. Ông Marco được cho là sẽ nhắc lại lập trường của Philippines về các căng thẳng gần đây Biển Đông.

“Ông ấy chắc chắn sẽ có một nền tảng rất tốt để thể hiện quan điểm. Diễn đàn là một cách để các quốc gia tham gia có thể thu hút sự chú ý” - theo ông Choi.

Ông Choi nói thêm rằng các quốc gia nhỏ hơn ở Đông Nam Á cũng có cơ hội phát biểu quan điểm tại các phiên họp toàn thể.

“Tôi nghĩ các nước nhỏ nên tiếp tục làm như vậy để thể hiện quan điểm của mình với phần còn lại của thế giới và với các nước lớn. Suy cho cùng, đây là thời kỳ có sự cạnh tranh và biến động lớn giữa các cường quốc” - ông Choi nói thêm.

Diễn đàn là cơ hội để đối thoại hay để chia rẽ?

TS Lim cho rằng các hội nghị an ninh cấp cao như Đối thoại Shangri-La có thể góp phần tích lũy hiểu biết sâu sắc hơn về các vấn đề toàn cầu.

“Hầu như không có bất kỳ tổn hại nào từ việc trao đổi và đối thoại, vì vậy cuộc đối thoại này đặc biệt quan trọng do nó quy tụ các quan chức cấp cao. Các hoạt động ngoại giao bên lề cũng quan trọng không kém vì sẽ mang đến cơ hội cho các cường quốc đối thoại với nhau” - theo ông Lim.

Dự kiến, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ​​sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Đổng Quân tại hội nghị, đánh dấu cuộc gặp đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo quốc phòng.

“Đây là lần đầu tiên chúng ta chứng kiến cái bắt tay giữa Bộ trưởng Austin và Bộ trưởng Đổng” - TS Lim nói, cho rằng cuộc gặp là “mang tính biểu tượng” và có thể tạo ra bầu không khí cho các cuộc đàm phán tiếp theo.

“Ngoài ra, năm nay cũng là năm diễn ra bầu cử Mỹ. Cuộc gặp sẽ có tác động tới các tranh chấp chính trị đang diễn ra ở bên trong nước Mỹ hiện nay” - vị chuyên gia nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm