Vòng hai của cuộc đối thoại giữa Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro và lãnh đạo phe đối lập Juan Guaido đã kết thúc ở Na Uy mà không có thỏa thuận nào. Tổng thống Maduro cho biết chính phủ đã chuẩn bị cho buổi gặp gỡ bằng những cuộc đàm phán bí mật trong nhiều tháng trước đó. Trong khi đó, ông Guaido tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc biểu tình trên đường phố cho đến khi đạt được thỏa thuận giải quyết xung đột.
Trước đó, rạng sáng 30-4-2019, các nhà lãnh đạo phe đối lập xuất hiện tại một căn cứ quân sự ở Caracas, kêu gọi người dân và quân đội thực hiện giai đoạn cuối nhằm lật đổ ông Maduro. Tuy nhiên, khi hoàng hôn buông xuống, cố vấn chính trị phe đối lập Leopoldo Lopez quyết định lánh nạn tại Đại sứ quán Tây Ban Nha, còn ông Guaido thì không có phát ngôn gì trong nhiều giờ sau đó.
Ông Guaido không thể thắng ông Maduro
Bàn về nguyên nhân sự thất bại của phe đối lập, một số ý kiến cho rằng ông Guaido vẫn chưa hội đủ sự tự tin và lựa chọn thời điểm cũng chưa thích hợp để tiến hành đảo chính. Một số khác lập luận rằng do lo sợ lệnh bắt giữ của chính phủ sắp xảy ra, ông Guaido quyết định tung đòn cuối cùng nhưng lại sớm hơn một ngày so với kế hoạch mà ông Guaido và một số tướng lĩnh quân đội đã đồng ý thỏa thuận trước đó.
Theo tờ Foreign Affairs, phe đối lập tìm cách phá vỡ liên minh quân - dân sự mà ông Maduro đang nắm giữ và kéo sự ủng hộ quân đội về phía mình. Để làm được điều này, ông Guaido với sự trợ giúp của các đồng minh quốc tế như Mỹ đã tước đi quyền lợi của quân đội trong việc hỗ trợ chính quyền Caracas. Phe đối lập đã khiến nhiều nước gia tăng áp lực đối với chính quyền ông Maduro với các lệnh trừng phạt. Bộ Tài chính Mỹ đã đóng băng tài khoản của 88 công dân Venezuela bao gồm các thành viên thân cận với ông Maduro.
Bên cạnh đó, ông Guaido cùng các thành viên khác đã khiến quân đội phải vất vả hơn trong việc ủng hộ chính quyền bằng cách tổ chức các cuộc biểu tình ôn hòa. Số lượng các cuộc biểu tình đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây, từ 700 trong ba tháng cuối năm 2018 đến 6.000 trong ba tháng đầu năm nay.
Tuy nhiên, chiến lược này của ông Guaido dễ dàng thất bại. Biểu tình dâng cao có thể khuyến khích các sĩ quan đào tẩu vì họ không muốn sử dụng bạo lực chống lại đồng bào và lo lắng các cáo buộc về quyền con người trong tương lai. Khoảng 1.000 binh sĩ Venezuela đã trốn sang Colombia chỉ trong năm nay, hãng tin USA Today cho biết. Ngoài ra, sự trung thành của một bộ phận lớn trong quân đội với ông Maduro là rõ ràng.
Đó là chưa kể không ai trong số những người theo chính phủ Maduro dám chắc nếu ủng hộ ông Guaido, họ sẽ không bị chính ông Guaido truy tố hoặc xử phạt về sau. Thiếu sự đảm bảo này, ông Guaido đã thất bại trong việc chiếm được sự ủng hộ của quân đội, vốn có thể là một bước ngoặt trong cuộc nổi dậy vừa qua.
Một vấn đề khác là sự thiếu tin tưởng từ cả hai phía. Dù có những bằng chứng cho thấy vài thành viên của lực lượng vũ trang Venezuela đã sẵn sàng quay lưng với ông Maduro qua một thỏa thuận ngầm với phe đối lập trước khi cuộc nổi dậy bắt đầu. Tuy nhiên, thực thi và đảm bảo thỏa thuận dường như quá sức ông Guaido. Một mặt, đây là khoảng thời gian phe đối lập khó đặt niềm tin hoàn toàn vào những người trong chính quyền. Mặt khác, quân đội cũng lo ngại quá khứ sẽ lặp lại: Họ sẽ bị chính những người trong nhóm Guaido tấn công.
Tổng thống Venezuela Maduro (phải) và người đứng đầu phe đối lập Guaido. Ảnh: RTE
Mong muốn của chính phủ và phe đối lập
Theo hãng tin Deutsche Welle (Đức), buổi đàm phán giữa chính phủ và phe đối lập Venezuela nhằm giải quyết khủng hoảng chính trị nước này vừa kết thúc mà không có thỏa thuận nào đạt được. Cuộc hội đàm ở Na Uy là lần đầu tiên Tổng thống Maduro và lãnh đạo Guaido ngồi vào bàn thương thuyết kể từ khi ông Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời vào tháng 1 năm nay.
Đại diện chính phủ Oslo cho biết hai bên đã đạt được một số tiến bộ trong vòng hai của cuộc đàm phán. “Các bên thể hiện mong muốn tìm kiếm một thỏa thuận và giải pháp cho đất nước, bao gồm các vấn đề về chính trị, kinh tế và bầu cử” - Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Ine Eriksen Soreide phát biểu.
Cách duy nhất để tiến hành là đối thoại. Chúng tôi chỉ mong muốn một thỏa thuận hòa bình. Tổng thống Venezuela NICOLAS MADURO |
Về phía phe đối lập, ông Guaido nêu ra ba điểm quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng Venezuela là kết thúc tình trạng mà ông Guaido gọi là “sự độc quyền” của Tổng thống Maduro; chuyển đổi chế độ và bầu cử tự do. Ông Guaido một lần nữa lập luận rằng ông Maduro không phải tổng thống hợp pháp của Venezuela vì bầu cử năm 2018 diễn ra không công bằng, tự do. Trong cuộc nói chuyện ở Na Uy, đại diện của ông Guaido cho biết họ đã lập ra một lộ trình chấm dứt nhiệm kỳ Tổng thống Maduro, lập ra một chính phủ trong giai đoạn chuyển tiếp và tổ chức bầu cử mới.
Trong khi đó, Tổng thống Maduro tuyên bố ngày 29-5 rằng ông muốn hòa bình, đối thoại, hòa hợp và thấu hiểu. Đầu tháng này, ông Maduro đề nghị tổ chức bầu cử quốc hội nhưng bị bác bỏ bởi phe đối lập. Ông Guaido chỉ ra rằng quốc hội là cơ quan duy nhất mà phe đối lập kiểm soát.
Sức hút của ông Maduro không bằng ông Hugo Chavez Theo tờ Foreign Affairs, ông Maduro không có sức hút như người tiền nhiệm Hugo Chavez. Kể từ khi lên nắm quyền, ông Maduro đã chứng kiến quốc gia rơi vào tình trạng lạm phát và khủng hoảng toàn diện. Lạm phát dự kiến sẽ đạt 10 triệu phần trăm trong năm nay. Hàng trăm ngàn người Venezuela đã rời khỏi đất nước, trong khi những người ở lại khổ sở với tình trạng thiếu lương thực và thuốc men. Ngoài ra, ông Maduro còn phải dựa vào quân đội để tiếp tục nắm giữ chính phủ. Quân đội Venezuela hiện nay đã giành quyền kiểm soát PDVSA, công ty dầu mỏ quốc gia và sử dụng quyền lực để kinh doanh, kiếm lợi từ việc buôn bán ma túy và giao dịch trong thị trường chợ đen. |