Vì sao các bên Venezuela chọn Na Uy làm địa điểm đối thoại?

Bốn tháng sau khi Venezuela lâm vào khủng hoảng chính trị trầm trọng, cả chính phủ lẫn phe đối lập nước này đều xác nhận đại diện hai bên đã đến Nauy đối thoại nhằm giải quyết khủng hoảng.

Vì sao Na Uy được cả chính phủ và phe đối lập Venezuela thống nhất chọn làm địa điểm đối thoại? Trước hết, Na Uy không phải là thành viên của Liên minh châu Âu và là một trong số ít nước châu Âu không công nhận ông Juan Guaido là tổng thống lâm thời của Venezuela như lời ông này tự xưng hồi tháng 1.

Theo hãng tin AP, Trung tâm Giải pháp Xung đột Na Uy (NCCR) đã nỗ lực sau hậu trường từ năm ngoái để đưa hai bên ở Venezuela đến gần nhau. Hồi tháng 10, NCCR bảo trợ một sáng kiến đưa một chuyên gia giải pháp xung đột được đào tạo ở Đại học Harvard (Mỹ) đến thủ đô Caracas của Venezuela để thúc đẩy khả năng đối thoại. Vài tháng gần đây, cùng với sự hỗ trợ từ Bộ Ngoại giao Na Uy và các nhà ngoại giao ở Colombia, các đại diện của NCCR thực hiện được một số chuyến đi đến Caracas (Venezuela).

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong một cuộc gặp với các đại diện các nước châu Âu và Mỹ Latinh, thành viên của Nhóm Liên lạc Quốc tế, tại Caracas (Venezuela) ngày 16-5. Ảnh: REUTERS

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro trong một cuộc gặp với các đại diện các nước châu Âu và Mỹ Latinh, thành viên của Nhóm Liên lạc Quốc tế, tại Caracas (Venezuela) ngày 16-5. Ảnh: REUTERS

Ông Per Wiggen – một quan chức Bộ Ngoại giao Na Uy xác nhận nước này đã đề nghị hai bên Venezuela ngồi lại đối thoại từ hồi tháng 2. Ngày 5-3, trước Quốc hội Nauy, Ngoại trưởng Na Uy Ine Eriksen Soereide nêu ý tưởng Nauy có thể là nước trung gian hòa giải cho Venezuela.

Một điều đáng lưu ý nữa, Na Uy nhiều năm nay từng là nơi tổ chức nhiều cuộc hòa đàm bí mật. Trong đó có cuộc hòa đàm giữa Israel và Palestine hồi tháng 9-1993, giữa chính phủ Philippines và phiến quân Maoist năm 2011, làm trung gian tìm kiếm một lệnh ngừng bắn giữa chính phủ Sri Lanka và nhóm vũ trang Những con hổ giải phóng Tamil. Bảy năm trước, các nhà đàm phán chính phủ Colombia và tổ chức phiến quân cánh tả FARC mở cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên ở Na Uy sau một thập niên xung đột.

Lãnh đạo đối lập Juan Guaido gặp gỡ người ủng hộ tại Caracas (Venezuela) ngày 16-5. Ảnh: REUTERS

Lãnh đạo đối lập Juan Guaido (trái) gặp gỡ người ủng hộ tại Caracas (Venezuela) ngày 16-5. Ảnh: REUTERS

Nỗ lực làm trung gian hòa giải của Na Uy được cả chính phủ và phe đối lập xác nhận trong bối cảnh cuộc đảo chính bất thành xảy ra không lâu (ngày 30-4).

Tham gia đối thoại về phía chính phủ Venezuela có Bộ trưởng Thông tin Jorge Rodriguez, Thống đốc Hector Rodriguez của bang Miranda. Phía phe đối lập có ông Stalin Gonzalez – một lãnh đạo cấp cao trong Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và hai cố vấn nữa.

Đại diện hai bên lần lượt gặp riêng các nhà hòa giải Na Uy và không gặp nhau trực tiếp. Bộ Ngoại giao Na Uy cho biết cuộc đối thoại chỉ mới ở “giai đoạn thăm dò”.

Cuộc đối thoại hòa giải này được Liên Hiệp Quốc ủng hộ. Tuy nhiên theo AP, sự thiếu niềm tin và bất đồng giữa hai bên về hàng loạt vấn đề quan trọng có thể ngăn cả hai thống nhất được một giải pháp giải quyết khủng hoảng.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm