Đối thoại với DN, Thủ tướng dẫn lại lời Bạch Thái Bưởi

Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp 2017 đang diễn ra sáng nay (17-5) tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp". 

Phát biểu chỉ đạo khai mạc hội nghị, theo Chinhphu.vn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn lại lời của nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi “tôi muốn làm cho Hà Nội đẹp như Paris”; chí sĩ Lương Văn Can “việc buôn bán thịnh suy có quan hệ đến quốc dân thịnh suy”... và cho rằng những bài học, hoài bão của tiền nhân sẽ là cảm hứng cho đội ngũ doanh nhân hiện nay khởi nghiệp và phát triển.

Thủ tướng nhấn mạnh tuy đã làm được nhiều việc nhưng chúng ta còn rất nhiều việc phải làm phía trước, bởi còn rất nhiều rào cản cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Trong hội nghị này, Thủ tướng mong muốn các đại biểu góp ý thẳng thắn, chân thành và xây dựng, qua đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực về cải cách thủ tục hành chính, xây dựng một Chính phủ hành động luôn đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững.

Thủ tướng đề nghị đại diện các cơ quan nhà nước phát biểu ngắn gọn, dành thời gian cho các đại biểu doanh nghiệp trình bày ý kiến.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2017 với chủ đề “Đồng hành cùng doanh nghiệp” Ảnh: Chinhphu.vn

Cùng với việc tổng kết những thành quả đã đạt được sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, mục tiêu của hội nghị lần này là tiếp tục củng cố, xây dựng các phương hướng mới, tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Bộ KH&ĐT cho hay tổng kết kể từ hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp tháng 4-2016 đến nay, gần 1.100 kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được tiếp nhận và chuyển tới các cơ quan nhà nước. Trong đó đã có 850 kiến nghị được xử lý, giải quyết, trả lời... đạt tỉ lệ 77%.

Kết quả là năm 2016 đã ghi nhận một làn sóng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh mạnh mẽ.

Nhiều địa phương cũng đã xây dựng và triển khai nhiều sáng kiến trong đối thoại với doanh nghiệp. Các chương trình như Cà phê doanh nhân (Quảng Ninh, Trà Vinh, An Giang, Sóc Trăng…), khởi nghiệp doanh nhân (Kon Tum) hay mô hình Bác sĩ doanh nghiệp (Bắc Ninh) là một trong những ví dụ điển hình.

Tuy nhiên, dù phần lớn kiến nghị của doanh nghiệp được các bộ, ngành ghi nhận, tháo gỡ, song thực tế vẫn còn nhiều nút thắt thể chế, môi trường kinh doanh vẫn là nỗi ám ảnh với họ.

Dẫn lại kết quả nghiên cứu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016, VCCI cho hay khoảng 66% trong số 11.000 doanh nghiệp được hỏi xác nhận phải trả các khoản phí không chính thức để hỗ trợ các thủ tục hành chính. Nghĩa là trung bình cứ ba doanh nghiệp được hỏi thì có hai doanh nghiệp xác nhận trả phí bôi trơn.

"Có 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra năm 2014-2016 cho biết các khoản chi phí cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6%-8% giai đoạn năm năm trước", báo cáo nêu.

Ngoài ra, báo cáo của Bộ KH&ĐT còn nhắc đến vấn đề chồng chéo, trùng lắp trong nội dung thanh tra, kiểm tra của ngành thanh tra và ngành kiểm toán như một ví dụ về tồn tại trong sửa đổi thủ tục hành chính.

Có doanh nghiệp đã phản ánh năm 2016 đã phải tiếp đến chín đoàn thanh tra, kiểm tra hay một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, chất lượng còn chưa cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm