Đối thoại với hung thủ để hòa giải

Mục đích của việc đối thoại là để tìm ra sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau, thử nghiệm này được tiến hành trên cơ sở tự nguyện của cả hai bên nhằm giúp đỡ nạn nhân về mặt tinh thần và kéo giảm tình trạng tái diễn phạm tội từ phía hung thủ. Tuy chỉ mới thực hiện được hai lần thử nghiệm và đang đợi thẩm định kết quả nhưng phương pháp này bước đầu đã được đánh giá là hiệu quả và đậm tình người.

Không dễ nói chuyện với kẻ giết người thân mình

Bà Michèle de Kerckhove, Chủ tịch Viện Hỗ trợ các nạn nhân và điều phối các cuộc trung gian hòa giải Quốc gia Pháp (Inavem - Institut national d’aide aux victimes et de médiation) - nơi đề xuất tiến hành đối thoại, giải thích: “Cả hai bên sẽ cảm thấy điều này là có lợi cho họ. Đối với nạn nhân, cuộc đối thoại sẽ giúp họ tìm ra được ít nhiều lời giải đáp, còn hung thủ đang bị giam giữ sẽ ý thức được rõ hơn hậu quả của những hành động của mình và tôi tin là họ sẽ hứa không tái phạm”. Bà chủ tịch cũng nêu ý kiến cho rằng một bản án được đưa ra không hẳn là liều thuốc hiệu nghiệm giúp hung thủ tỉnh ngộ hoàn toàn. Do đó giải pháp tâm lý là đặc biệt quan trọng.

Về phần mình, khi được đề nghị tham gia vào cuộc đối thoại với hung thủ để hòa giải hận thù, hai người thân của nạn nhân, bà Annie và Geneviève, không khỏi bối rối và lo âu, bởi họ sợ rằng việc này sẽ khiến những nỗi đau cũ sống lại và làm họ sụp đổ. Không dễ gì ngồi lại nói chuyện với những kẻ đã ra tay giết hại người thân của mình.

Bà Annie nay đã 75 tuổi, có con gái bị sát hại vào năm 1999, còn bà Geneviève, 70 tuổi thì có cháu gái bị hãm hiếp rồi bị giết chết vào năm 1996. Song cuối cùng hai bà cũng chấp nhận gặp mặt phía bên kia với mục đích đầu tiên là hiểu được những động cơ nào đã thúc đẩy hắn hành động và sau đó là hy vọng qua lần tiếp xúc này, nỗi đau mất mát có thể sẽ vơi đi.

Nhà tù Poissy, nơi diễn ra cuộc thoại chất đầu tiên giữa người nhà nạn nhân và hung thủ vào năm 2010.

Cuộc thử nghiệm diễn ra tại nhà tù Poissy (tỉnh Yvelines, vùng hành chính Île-de-France của nước Pháp) vào năm 2010. Đợt thử nghiệm thứ nhì vừa kết thúc vào tháng 7-2014 và đang đợi thẩm định kết quả. Tuy nhiên, khác với các nước khác, tại Pháp cuộc đối thoại được tiến hành với một nhóm hung thủ khác đang thụ án nhưng đã có hành động gây án tương tự, bởi lẽ bà Geneviève báo trước là bà dứt khoát không thể nào bình tĩnh cho được khi phải đối mặt trực diện với kẻ đã ra tay cướp đi mạng sống của cháu gái bà: “Việc này là quá sức chịu đựng của tôi!”.

Trong trường hợp của đợt thực nghiệm đầu tiên, kết quả khó được đánh giá cụ thể bởi hai trong số ba phạm nhân tham gia vào cuộc đối chất hiện vẫn đang phải chịu án tù, tuy nhiên người thứ ba đã mãn hạn tù sau đó khoảng một năm và đã không tái phạm nữa. Về phía nạn nhân, kết quả rất khả quan, bà Annie nhớ lại: “Nỗi sợ hãi đã nhường chỗ cho sự nguôi ngoai, tôi đã có được một cảm nhận mới, tôi đã hiểu ra rằng những con người này dù có thể đã phạm phải những hành động tàn ác nhưng họ cũng là những con người biết suy nghĩ và biết suy nghĩ lại”.

Nhớ lại hình ảnh hung thủ năm xưa

Trường hợp thứ hai, bà Geneviève nghĩ rằng phương pháp “hòa giải qua sự cảm thông” đã giúp bà có được một cái nhìn bao dung hơn đối với phạm nhân, những người mà bà có thể xem như “con cái hay anh em” của mình, song bà thừa nhận: “Vết thương vẫn còn nhức nhối. Không ai có thể xóa nhòa khỏi ký ức một quá khứ đau đớn như thế, tôi luôn sống với quá khứ đó, ngủ cũng nằm mơ thấy nó”. Song theo lời của hai bà, phải có một tấm lòng rộng mở lắm thì mới có thể tham gia vào cuộc đối thoại này và quan trọng nhất là phải chờ một vài năm trôi qua cho nỗi đau tinh thần vơi bớt, nếu không cuộc gặp mặt có thể tạo thêm tâm trạng hận thù kẻ sát nhân. Và để bảo đảm cuộc đối thoại an toàn, người thân của nạn nhân đã được các chuyên gia tâm lý theo dõi và hướng dẫn trong một thời gian dài trước cuộc gặp và trong suốt quá trình đối thoại luôn có sự hiện diện của những người thứ ba làm trung gian hòa giải.

Bà Annie nhớ lại lần gặp đầu tiên với hung thủ diễn ra khá khó khăn, hai bên thường chỉ im lặng nhìn nhau mà thôi: “Tôi cũng như hắn đều dè dặt cẩn trọng nhưng những lần sau đó hai bên đã mạnh dạn mở lời và dần dần chúng tôi đã tạo được một sự tin tưởng nhất định”. Thực tế cũng có một vài thời điểm tình huống trở nên căng thẳng, ví dụ như bà Geneviève đã từ chối bắt tay các hung thủ trong lần gặp đầu tiên. Bởi những nguyên nhân mà bà vẫn còn mơ hồ chưa biết rõ vì sao, có lẽ là vì, theo bà, một trong ba phạm nhân đó khiến bà nhớ lại hình ảnh của “hung thủ đã hãm hại bà” năm xưa, vì chính bà cũng đã từng là nạn nhân của một vụ hiếp dâm lúc bà 18 tuổi.

Tuy nhiên, hai bà cũng đã thừa nhận là rất ngạc nhiên khi có được những khoảnh khắc chân tình qua những lần nói chuyện, càng về sau hai bên đã tiến đến được sự cảm thông và chia sẻ lẫn nhau. Bà Geneviève nhớ nhất là trong một lúc giải lao, một hung thủ đặt nhẹ bàn tay lên vai bà như một cử chỉ hối lỗi, vì khi đó các phạm nhân không bị còng tay. Và cũng không có quản giáo hiện diện trong các buổi đối thoại này. Bà tỏ ra mãn nguyện: “Cuối cùng một phạm nhân đã nói với tôi rằng tất cả họ sẽ không thể nào quên được ánh mắt đượm buồn của tôi, rằng họ đã hiểu được mình đang đứng trước những con người đang dằng xé con tim”.

TƯỜNG NGUYỄN (Theo L’Express)

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

Ấn Độ muốn đổi tên nước?

(PLO)- Chính quyền Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dường như muốn đổi tên nước này thành “Bharat” để tách Ấn Độ khỏi quá khứ thuộc địa.