Đổi trường học lấy trung tâm thương mại

Đổi trường học lấy trung tâm thương mại ảnh 1

Phụ huynh đưa học sinh học hè tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học, Q.1, TP.HCM chiều 16-6 - Ảnh: Châu Anh

Đổi trường học lấy trung tâm thương mại ảnh 2

Sơ đồ vị trí Trường Nguyễn Thái Học - Đồ họa: Như Khanh

Nhiều phụ huynh có con em học tại Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (P.Cầu Ông Lãnh, Q.1, TP.HCM) đang lo lắng không biết sắp tới con em họ sẽ học ở đâu khi có thông tin khu trường này sẽ được nhường lại cho một doanh nghiệp làm trung tâm thương mại.

"Nguyên tắc là diện tích đất (không phải diện tích xây dựng) của trường mới phải lớn hơn trường học cũ và thuộc khu vực quy hoạch đất dành cho giáo dục. Như vậy mới phát triển ngành giáo dục được. Nếu diện tích đất tại trường mới bằng hoặc nhỏ hơn nơi học cũ thì dứt khoát không được"

Ông Nguyễn Minh Hoàng (nguyên trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP.HCM)

Nguồn tin của PV cho biết UBND Q.1 đã có cuộc họp thông báo đến các đơn vị liên quan về chủ trương di dời Trường tiểu học Nguyễn Thái Học. Đồng thời phương án xây dựng trung tâm thương mại tại khu đất trên đã được UBND Q.1 báo cáo UBND TP.

Chuẩn bị di dời?

Dù thừa nhận có tham dự cuộc họp thông báo chủ trương di dời Trường Nguyễn Thái Học do UBND Q.1 tổ chức và góp ý về phương án xây dựng trường tiểu học mới, nhưng một lãnh đạo trường này nói đến nay chưa có văn bản chính thức nào của UBND Q.1 về việc chỉ đạo di dời trường. Vị lãnh đạo này cho biết ban giám hiệu nhà trường sẽ giải thích thêm xung quanh chuyện này để phụ huynh yên tâm. Nhưng về nguyên tắc, trường phải chấp hành di dời khi có chủ trương của quận và TP.

Lãnh đạo Phòng giáo dục - đào tạo Q.1 cho biết việc quy hoạch khu đất thuộc chủ trương của UBND Q.1 và TP. Nhưng đến thời điểm này, phòng cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ UBND quận khi nào sẽ di dời trường học và di dời ra sao. Do vậy trong năm học 2011-2012 trường vẫn tuyển sinh bình thường như những năm trước đây.

Theo vị lãnh đạo này, Trường Nguyễn Thái Học xây dựng trước năm 1975, qua nhiều lần nâng cấp, hiện cơ sở vật chất của trường vẫn còn khang trang, đảm bảo phục vụ việc học tập cho học sinh. Hiện trường có 30 lớp với khoảng 1.200 học sinh đang theo học.

Trao đổi với PV, một cán bộ có trách nhiệm của UBND Q.1 xác nhận đã có một doanh nghiệp trong nước làm việc với UBND quận, xin đầu tư vào khu đất của trường học. Phương án di dời trường học cũ và xây dựng trường học mới đã được quận báo cáo với UBND TP trong cuộc họp gần đây.

Tại cuộc họp đó, lãnh đạo UBND TP yêu cầu quận làm việc lại với doanh nghiệp, nêu rõ phương thức đầu tư, báo cáo UBND TP. UBND TP sẽ xin ý kiến Chính phủ về vấn đề này. Cán bộ trên cho biết trước mắt chủ đầu tư phải xây dựng trường học mới, khi nào xong sẽ di dời học sinh Trường Nguyễn Thái Học. Từ nay đến khi xây dựng xong trường học mới, trường cũ vẫn hoạt động bình thường.

Vì sao phải chọn khu đất của Trường Nguyễn Thái Học để kêu gọi đầu tư mà không chọn những khu đất khác và giữ lại khu đất trên cho mục đích giáo dục? Theo cán bộ trên, việc kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng trường mới nằm trong chủ trương xã hội hóa giáo dục trên địa bàn quận.

Các trường xây dựng mới phải có trang thiết bị, điều kiện học tập tốt hơn so với trường cũ. Không riêng khu đất Trường Nguyễn Thái Học, một số khu đất khác trên địa bàn quận đã và đang được các doanh nghiệp tham gia đầu tư nhằm góp phần chỉnh trang đô thị như khu Eden, khu tứ giác Bến Thành...

Trường mới sẽ ra sao?

Trường Nguyễn Thái Học có diện tích khuôn viên rộng khoảng 4.000m2, bao bọc bởi ba mặt tiền: đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Thái Học và Lê Thị Hồng Gấm. Đây là một trong những khu đất “vàng” nằm ngay khu trung tâm TP. Một doanh nghiệp kinh doanh địa ốc cho rằng so với việc đầu tư vào các khu đất “vàng” khác, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào Trường Nguyễn Thái Học có thuận lợi hơn là không phải tốn tiền giải tỏa đền bù nhà dân.

Một phụ huynh đang có con học tại trường tâm tư: Trường Nguyễn Thái Học đã gắn với gia đình anh từ ba đời: cha anh, anh và nay đến lượt con anh cũng học tại đây. So với mặt bằng nhiều trường học khác trên địa bàn Q.1, Trường Nguyễn Thái Học có khuôn viên rộng, thoáng, thuận tiện cho học sinh học tập, vui chơi. “Nay phải di dời trường sang nơi khác tôi cảm thấy buồn và lo, không biết chỗ mới mặt bằng có tốt như hiện nay không” - anh chia sẻ.

Một nguồn tin cho hay khu đất dự kiến xây dựng trường học mới nằm tại góc đường Nguyễn Thái Học và Cô Bắc (cũng ở P.Cầu Ông Lãnh, Q.1) thuộc khuôn viên Trường THCS Minh Đức. Hiện tại đây là khu đất trống, diện tích khoảng 2.500m2, đang làm bãi giữ xe, sân chơi cho học sinh của trường THCS trên.

Ngoài mặt tiền đường Cô Bắc đang trống, phía mặt tiền đường Nguyễn Thái Học chỉ đủ làm cổng ra vào cho học sinh, phần mặt tiền còn lại khoảng mười hộ dân đã xây dựng nhà ở từ nhiều năm qua.

Nếu đánh đổi ngôi trường rộng 4.000m2 hiện nay để lấy mảnh đất 2.500m2, học sinh phải chịu mất một khoảng không gian 1.500m2. Điều đó rõ ràng là không công bằng.

Vị trí hoán đổi phải lớn hơn

Theo Sở Giáo dục - đào tạo TP.HCM, hiện nay muốn tìm khu đất khác tại Q.1 để làm trường học rất khó. Do vậy quan điểm chung của ngành giáo dục là khi sắp xếp lại trường học, cơ quan chức năng phải làm theo đúng quy định, không làm ảnh hưởng việc học của học sinh. Mặt khác vị trí hoán đổi xây dựng trường học mới phải lớn hơn và điều kiện học tập phải tốt hơn trường cũ.

Trong khi đó, báo cáo từ các cơ quan chức năng vừa qua chưa thể hiện rõ nội dung này mà chỉ thông tin trường học mới sẽ hiện đại hơn trường cũ mà thôi. Sở muốn chủ đầu tư cũng như cơ quan chức năng Q.1 làm rõ thêm vấn đề này.

Ông Đinh Em, phó chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.HCM, nói Trường Nguyễn Thái Học là một trong số các trường tiểu học của TP có bề dày lịch sử, mặt bằng rộng rãi, đáp ứng nhu cầu học tập, sinh hoạt của học sinh. Ngoài ra khu vực này thuận tiện cho phụ huynh đưa đón con em, không bị ùn tắc giao thông như nhiều trường học khác... Cơ quan thẩm quyền cần có trách nhiệm giữ lại mặt bằng này cho ngành giáo dục.

Chỉ khi trường học đã xuống cấp, điều kiện trường lớp hiện tại không đáp ứng nhu cầu giảng dạy cho học sinh mới cần đến sự hoán đổi nhưng với điều kiện học tập, trang thiết bị giảng dạy... phải hoặc tốt hơn trường cũ.

Từng có kế hoạch di dời Trường THPT Ernst Thalmann

Năm 2007, cơ quan chức năng TP.HCM đã tổ chức đấu giá khu “tam giác vàng” Trần Hưng Đạo - Phạm Ngũ Lão - Nguyễn Thái Học (Q.1) với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư. Toàn bộ khu “tam giác vàng” này có diện tích khoảng 13.000m2. Trường THPT Ernst Thalmann (đường Trần Hưng Đạo, Q.1, đối diện Trường Nguyễn Thái Học) nằm trong khu tam giác trên và TP đã có kế hoạch di dời trường này sang nơi khác, dành khu đất của trường làm dự án cao ốc.

Tuy nhiên việc đấu giá khu “tam giác vàng” không thành do có khiếu nại của một trong các bên tham gia và đến nay khu đất này vẫn chưa có chủ đầu tư nên chưa biết “số phận” đang bị “treo” của Trường THPT Ernst Thalmann sẽ ra sao? Trường THPT Ernst Thalmann hiện có diện tích khuôn viên rộng khoảng 6.000m2 và được xây dựng từ thời Pháp.

Mong giữ lại đất “vàng” của trường học

Những ngày qua, bản thân tôi cũng như nhiều phụ huynh khác khá hoang mang trước việc di dời Trường tiểu học Nguyễn Thái Học để dành đất xây trung tâm thương mại. Tuy nhiên việc thông tin từ ban giám hiệu trường chưa rõ ràng: bao giờ di dời, kế hoạch di dời, trường tiểu học mới xây dựng ra sao... để phụ huynh học sinh yên tâm, chuẩn bị việc học của con em.

Và liệu trường xây tại vị trí mới có ổn định lâu hay còn tiếp tục di dời nữa? Bởi khi cho con em vào trường, phụ huynh đã chuẩn bị cho các em học trong năm năm (từ lớp 1 đến lớp 5), nếu phải thay đổi chỗ học liên tục, việc học của các em sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện còn nhiều trường học ở vị trí gọi là đất “vàng”, thuộc khu trung tâm TP nên chúng tôi mong muốn TP sẽ giữ lại các khu đất này cho giáo dục. Quan điểm trước nay của lãnh đạo TP là phải ưu tiên đầu tư cho giáo dục, để học sinh có điều kiện học tập, sinh hoạt... tốt hơn. Vậy thì không nên nhường đất “vàng” trường học cho các cao ốc, trung tâm thương mại.

L.T.C. (một phụ huynh của Trường tiểu học Nguyễn Thái Học) - P.P.H. ghi

Theo PHÚC HUY (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm