Mường Lát là huyện xa xôi nhất của tỉnh Thanh Hóa, cách trung tâm lên đến 250 km, có sáu dân tộc sinh sống gồm Thái, Mông, Dao, Mường, Khơ Mú, Kinh. Sau trận lũ vào cuối tháng 8 vừa qua, Mường Lát thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng. Hơn 20 năm sau ngày thành lập huyện Mường Lát năm 1997, giờ đây có những bản làng bị xóa sổ gần như hoàn toàn, trăm ngôi nhà sập, giao thông chia cắt, cô lập hoàn toàn, bùn lũ ngập khắp nơi.
Ký ức buổi chiều kinh hoàng
Tôi tìm đến bản Poọng (xã Tam Chung) khi mặt trời đã khuất dần sau lưng núi. cả bản làng hoang vắng, tiêu điều, xác xơ. Đó là con đường ngập đầy bùn đất, tổ ấm trước đó của nhiều gia đình đã trở thành bình địa, nhiều ngôi nhà ngả nghiêng như muốn đổ sụp giữa núi rừng.
Trên khuôn mặt sạm đen của ông Ngân Văn Sơ vẫn chưa hết nỗi hoảng sợ khi kể lại giây phút kinh hoàng đổ ập xuống bản nghèo: “Lúc 15 giờ chiều 30-8, từ trên núi phát ra những âm thanh rợn người, chỉ sau khoảng vài phút, những tảng đá lớn lăn xuống đường. Ngay sau đó lũ bùn trôi xuống từ lưng chừng núi. Lúc này mọi người trong bản mới bắt đầu hô hoán tháo chạy. Người bồng con trẻ, cõng người già tứ tán khắp nơi để tránh khối đất đá lao thẳng về phía bản.
Lúc đó vợ tôi gào khóc đòi quay trở lại nhà để lấy tiền tiết kiệm dành cho con gái đang học ở Hà Nội. Chỉ khoảng một phút sau, lũ đã đổ xuống vùi lấp ngôi nhà, tài sản, mọi thứ gầy dựng cả đời trong phút chốc mất sạch” - ông Sơ rớt nước mắt quay về phía vợ ông vẫn đang ngồi thừ bên dòng suối nhìn về phía xa nơi mấy sào ruộng của gia đình cũng bị đất vùi lấp, cuốn trôi.
Hôm nay là ngày thứ 10 gia đình anh Hà Văn Pường (37 tuổi) được Bộ đội biên phòng Tam Chung và người dân ở dưới thị trấn gom góp tiền gạo để hỗ trợ. Anh Pường cho biết lũ đi qua, nhiều người dân không muốn trở lại vì mất hết nhà. “Ký ức kinh hoàng về cuộc chạy khỏi lũ dữ đến nay đồng bào chưa hết bàng hoàng. Nhiều người thật sự không dám quay trở lại bản mình từng sinh sống, vì cứ mỗi lần trở về thì ký ức đó lại hiện lên” - anh Pường cho biết.
Ánh mắt khắc khoải sau lũ đi qua, để lại nỗi đớn đau tận cùng cho người đàn ông 37 tuổi Hà Văn Pường nỗi lo nhà ở, việc làm. Ảnh: Đ.TRUNG
Những bản làng bị xóa xổ
Ông Lò Quốc Tính, trưởng bản Poọng, cho biết có 89 hộ dân thì có đến 32 ngôi nhà bị sập đổ hoàn toàn, 47 ngôi nhà bị vùi lấp, hư hỏng và chỉ có 10 ngôi nhà còn nguyên vẹn. Bản làng gần như bị xóa sổ sau lũ dữ. Hiện nay hơn 400 người dân vẫn đang phải tá túc khắp nơi trong huyện vì không còn nhà để về hoặc bị trôi mất tài sản, chưa biết bao giờ người dân mới trở lại cuộc sống bình thường. Từ chuyện học hành, nhà ở đến công ăn việc làm nhưng trước mắt cứ phải tái định cư cho người dân rồi từ từ khắc phục.
Mưa lũ tại Mường Lát đã khiến năm người chết, hai người mất tích. Thống kê sơ bộ, Mường Lát thiệt hại hơn 1.000 tỉ đồng, 139 căn nhà bị sập hoàn toàn, 541 hộ phải di dời. Mưa lũ kinh hoàng cũng khiến cho 15 trường và điểm trường, 25 đập thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng, trong khi đó tuyến quốc lộ 15C từ Km 49 đến Km 110 bị sạt lở gây ách tắc, hiện vẫn chưa thể lên đến trung tâm huyện Mường Lát. Ông CAO VĂN CƯỜNG, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát |
Sau nhiều giờ đi bộ, vượt núi và những điểm sạt lở, cuối cùng tôi cũng tìm đến bản Na Tao (Pù Nhi), tâm điểm của sạt lở khiến Mường Lát bị chia cắt, cô lập với vùng xuôi. Thầy Nguyễn Văn Hưng và vợ là cô Hà Thị Cường đang dạy học tại Trường THCS Pù Nhi ở bản Na Tao là trường hợp bị mất hết toàn bộ tài sản, nhà cửa. Theo thầy Hưng, toàn bộ ngôi nhà 300 triệu đồng vừa xây chưa trả hết nợ, tivi, bàn ghế, giấy tờ… mọi thứ đã biến mất sau vài phút của một trận lũ trưa 30-8.
“Đớn đau quá, mất sạch rồi, 20 năm lập nghiệp ở vùng đất biên giới này giờ lại về con số không như thời mới ra trường” - thầy Hưng rớt nước mắt kể về hành trình khó khăn suốt 20 năm nơi vùng biên này.
Tìm nơi ở mới cho đồng bào Chiều 8-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, ông Phạm Minh Chính đã đến tâm lũ Mường Lát sau nhiều giờ đi bộ vượt núi. Tại những nơi đoàn công tác đi qua, ông Chính đã chia sẻ, tặng quà những hộ dân bị thiệt hại nặng nề, đồng thời động viên người dân các bản làng sớm ổn định cuộc sống.
Ông Phạm Minh Chính yêu cầu chính quyền địa phương tỉnh Thanh Hóa phải khẩn trương ổn định đời sống cho các hộ gia đình có nhà bị sập đang phải di dời, quan tâm hỗ trợ các trang thiết bị thiết yếu để các hộ sinh sống bình thường. Cùng đó nhanh chóng sửa sang lại trường, lớp, ổn định việc học của học sinh. Đặc biệt, tuyến quốc lộ phải tập trung sửa chữa để thông đường sớm, đưa hàng hóa lên cứu trợ kịp thời cho nhân dân vùng lũ. Ông Phạm Minh Chính cũng yêu UBND huyện Mường Lát phải nghiên cứu, lập dự án bố trí nơi ở an toàn, ổn định lâu dài cho đồng bào. |