Đơn vị quản lý lý giải xói lở mố neo cầu Thuận Phước

Trong văn bản, ông Võ Thành Được, Giám đốc Công ty quản lý cầu đường Đà Nẵng, cho biết theo hồ sơ thiết kế, mố neo MN15 phía đông cầu Thuận Phước (vị trí báo phản ánh) được đặt trên hệ móng giếng chìm kích thước 30x36 m, sâu 30 m.

Mố neo phía Đông cầu Thuận Phước xói lở (ảnh chụp ngày 29-11). Ảnh: Tấn Việt

Phần đuôi mố neo được thiết kế đặt nhô ra phía sau so với hệ móng giếng chìm một đoạn 5,7 m. Hiện khoảng nhô ra này của mố neo nằm trên phần đất phục vụ trong giai đoạn thi công và do bồi lấp hằng năm.

Tuy nhiên, theo thời gian bồi, lở của dòng sông do ảnh hưởng của các đợt mưa, lũ, đến nay phần đất này bị xói lở để lộ phần khoảng hở nhô ra một phần phía góc hạ lưu mố neo MN15 cầu Thuận Phước.

“Đối chiếu với hồ sơ thiết kế công trình, việc xói lở phần đất nói trên không làm sai khác và ảnh hưởng đến kết cấu của công trình theo thiết kế. Vì vậy việc xói lở nói trên không ảnh hưởng đến kết cấu và an toàn của công trình trong quá trình khai thác” - ông Được cho hay.

Về khoảng trống lộ ra hai bên chân mố neo, ông Được cho biết mỗi bên chân mố neo đều có đoạn nhô ra so với giếng chìm 0,6 m. Nhìn bằng mắt thường, chỗ trống này tạo cảm giác xói lở nghiêm trọng. Nhưng thực tế đúng với thiết kế, không ảnh hưởng kết cấu.

Ông Võ Thành Được khẳng định cầu Thuận Phước vẫn an toàn. Ảnh: Tấn Việt

“Cầu Thuận Phước được chúng tôi kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ, kỹ lưỡng. Nếu có xói lở ảnh hưởng kết cấu thì đã xử lý từ lâu rồi. Người dân có thể yên tâm khi lưu thông qua cầu” - ông Được khẳng định.

Như đã đưa tin, một khối bê tông xung quanh chân mố neo phía Đông cầu Thuận Phước đang vỡ nát theo từng đợt sóng. Việc này tạo ra phần rỗng ngay phía dưới khiến nhiều người lo lắng mố neo gặp vấn đề về chịu lực.

Được biết, cầu Thuận Phước xây dựng vào ngày 16-1-2003 với vốn đầu tư gần 1.000 tỉ đồng, do TP Đà Nẵng làm chủ đầu tư từ nguồn ngân sách. Cầu thông xe kỹ thuật ngày 25-3-2009 và khánh thành ngày 19-7-2009.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm