Như Pháp Luật TP.HCM đã đưa tin, hôm qua (6-9), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì hội nghị đầu tư và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại Cần Thơ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá: “ĐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những thành tựu kinh tế - xã hội của vùng đã góp phần rất quan trọng vào thành tựu chung của cả nước”.
Tiềm năng lớn, rào cản nhiều
Các chuyên gia cho rằng nhà đầu tư khi quyết định đầu tư vào ĐBSCL họ quan tâm đến lợi nhuận đầu tiên. Nếu môi trường kinh doanh tốt, chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thì doanh nghiệp (DN) sẽ quyết định đầu tư, chứ không phải chính sách miễn tiền thuê đất, thuế DN... Một nguyên nhân quan trọng khiến ĐBSCL thu hút đầu tư không hiệu quả do cơ sở hạ tầng giao thông còn kém và chưa đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa.
Ông Huỳnh Ngọc Quí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Liên doanh khu du lịch La Veranda, chia sẻ: “Quá trình đầu tư vào khu resort tại Phú Quốc đã nhận được sự quan tâm rất lớn của chính quyền các cấp. Nhưng tại Phú Quốc, hạ tầng cơ sở chưa phát triển, một số khách không đến được nhất là khách đoàn phải hủy chuyến bay nên một số nhà đầu tư lớn còn chưa vội đầu tư. Điều này gây ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch Phú Quốc. Đó là chưa kể nguồn nhân lực tại địa phương bị hạn chế về trình độ và ngoại ngữ, thủ tục hành chính còn chậm dù đã và đang được cải cách”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chứng kiến ký kết đầu tư giữa DN và các địa phương tại hội nghị. Ảnh: GIA TUỆ
Cần đầu tư vào lĩnh vực cụ thể
Các chuyên gia cho rằng để phát triển, ĐBSCL cần hướng cho nhà đầu tư vào những lĩnh vực cụ thể. Lãnh đạo địa phương cũng cần hỏi xem khu vực tư nhân cần gì để mời gọi đầu tư tập trung, đúng với tiềm năng địa phương. Cần tập trung vào mời gọi đầu tư những dự án tạo ra nhiều giá trị gia tăng cho những sản phẩm thủy sản, lương thực, chú trọng chuỗi giá trị liên quan đến giá trị canh tác của nông dân, tạo điều kiện cho nông dân hưởng lợi thực sự.
Thế nhưng vấn đề tiên quyết, như ý kiến của bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, là Chính phủ và các địa phương cần quan tâm tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, xây dựng trung tâm logistic để hàng hóa phát triển thuận lợi hơn. Cần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh cho doanh nghiệp; tập trung vào đào tạo kỹ năng cho người lao động”.
Còn ông Kevin Thieneman, Chủ tịch phụ trách châu Á của Tập đoàn Catepillar - Hoa Kỳ, cho rằng: “ĐBSCL muốn hấp dẫn nhà đầu tư thì tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở để đưa sản phẩm đến nhà máy chế biến ngắn nhất và hiệu quả nhất. Kết nối hạ tầng giao thông thủy và bộ với cảng hàng không để tạo động lực phát triển toàn diện. DN chúng tôi rất hào hứng và quan tâm đến các dự án mời gọi đầu tư tại vùng ĐBSCL. Chúng tôi quan tâm đến hệ thống đường sắt cao tốc, trường dạy nghề và mong muốn đem những mô hình đã áp dụng thành công ở châu Á áp dụng tại ĐBSCL”.
Ông Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cam kết: “Với vai trò trung tâm vùng ĐBSCL, Cần Thơ chú trọng liên kết hợp tác ứng dụng, chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ. Liên kết, phối hợp đào tạo nghề chất lượng cao cho vùng. Quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, nâng cấp mở rộng mang tính chất liên kết vùng, quốc gia, có sức lan tỏa lớn, đủ sức giải quyết những vấn đề của vùng trong sự liên kết, hợp tác vùng. Qua đó tạo thuận lợi cho nhà đầu tư khi đến đầu tư”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu qua hội nghị này, các tỉnh, thành ĐBSCL liên kết với nhau chặt chẽ hơn, cùng xây dựng những cơ chế, chính sách thu hút và thúc đẩy đầu tư, phát triển mang tính liên vùng, khai thác thật tốt các tiềm năng, thế mạnh của cả vùng. “Tôi đề nghị chính quyền các tỉnh, thành ĐBSCL tăng cường công tác rà soát, điều chỉnh quy hoạch, đẩy mạnh cải cách hành chính, có những cơ chế, chính sách phù hợp, thông thoáng để thu hút đầu tư trên nền các quy định chung, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai sản xuất, kinh doanh hiệu quả, mang lại lợi ích cho cả các nhà đầu tư và phía Việt Nam”.
GIA TUỆ