Ngày 21-10, ông Cao Thanh Biên, Chủ tịch xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình, cho biết.
Theo chân lực lượng chức năng, chúng tôi vượt lũ vào thăm ba bản của đồng bào Rục. Hiện mỗi khẩu ở đây được hưởng trợ cấp mỗi tháng 15 kg gạo. Ông Cao Thương cho biết đã nhận đủ gạo tháng 10 nhưng vì nhà đông nên ăn hết gạo, giờ phải chuyển sang dùng sắn. Tương tự, một số hộ khác cũng phải ăn sắn từ bốn đến năm ngày nay như hộ bà Cao Thị Liêm, ông Đinh Xuân Tịnh. Bà Liêm cho biết: “Do trời rét lạnh, thiếu thức ăn nên mình nấu cơm hơi nhiều cho cả nhà ấm bụng, vì thế mới mau hết gạo. Từ năm ngày nay mình phải ăn sắn để cho con bú, chờ đợt trợ cấp gạo mới”.
Nhiều gia đình người Rục bị lũ vây gặp khó khăn tứ bề. Ảnh: M.QUÊ
Ông Đinh Quý Nhân, Chủ tịch huyện Minh Hóa, cho biết hiện trong kho đồn biên phòng 585 còn hai tấn gạo, kho dự trữ ở bản Yên Hợp còn hai tấn. Huyện sẽ chỉ đạo xã Thượng Hóa phát thêm gạo cho những hộ khó khăn. Theo trưởng bản Ón, ông Trần Xuân Tư: “Lũ có thể kéo dài từ 10 đến 20 ngày nữa, ngoài gạo ra thì chúng tôi cần nhất là nước mắm, mì chính, bột canh, dầu ăn, cá khô. Áo quần cũng cần, chăn màn cũng cần vì mùa rét đã sắp đến”.
Ông Cao Thanh Biên thông tin thêm, ngoài đồng bào Rục bị cô lập kéo dài, trận lũ sau bão 11 cũng làm 165 hộ dân ở thôn Phú Nhiêu của xã bị ngập rất sâu, có nơi chìm trong lũ 3-4 m. Thiệt hại toàn xã ước tính hơn 12 tỉ đồng, con số rất lớn đối với một xã miền núi.
TP.HCM hỗ trợ thêm 1 tỉ đồng cho Hà Tĩnh. Chiều 20-10, đoàn cán bộ TP.HCM do Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Đua dẫn đầu đã ra thăm hỏi, trao tặng tỉnh Hà Tĩnh 1 tỉ đồng khắc phục hậu quả bão lụt. Đ.LAM Đà Nẵng: 40.000 cây xanh ngã đổ trong bão. Tại cuộc họp ngày 21-10, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, chỉ đạo: “Vì sao có tới 95% cây xanh do TP trồng lại ngã đổ trong bão, trong khi cây người dân trồng không bị gì? Người dân cho tôi hay nguyên nhân do trồng cạn, bão đến mà không chặt cành, không chằng chống. Công ty Cây xanh và Sở Xây dựng phải làm rõ vấn đề này”. LÊ PHI |
MINH QUÊ