Theo các quan chức, số người chết trong trận động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hôm 6-2 đã tăng lên ít nhất 7.926 người, đài CNN đưa tin.
Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria (còn gọi là nhóm Mũ bảo hiểm trắng) cho biết số người thiệt mạng tại các khu vực do phiến quân kiểm soát ở Tây Bắc Syria đã tăng lên 1.220 người và số người bị thương đã tăng lên 2.600 người. Nhóm này cho biết thêm những con số này "dự kiến tăng lên đáng kể do hàng trăm gia đình vẫn còn dưới đống đổ nát".
|
Lực lượng cứu hộ đưa một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Syria. Ảnh: AFP |
Trong khi đó, hãng thông tấn SANA đưa tin ít nhất 812 người thiệt mạng đã được ghi nhận tại các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria.
Cũng theo Lực lượng Phòng vệ Dân sự Syria, 400 tòa nhà bị sập, hơn 1.300 tòa nhà bị sập một phần và hàng nghìn tòa nhà khác cũng bị hư hại sau trận động đất.
Tuy nhiên, đối với nhiều người Syria, trận động đất kinh hoàng hôm 6-2 chỉ là thảm kịch mới nhất trong chuỗi thảm kịch kéo dài hàng thập niên ở quốc gia này.
10 năm bất ổn
Cuộc xung đột ở Syria bắt đầu vào năm 2011. Theo báo cáo của văn phòng nhân quyền Liên Hợp Quốc, tính đến tháng 3-2021, hơn 300.000 dân thường đã thiệt mạng sau 10 năm xung đột.
Cuộc xung đột đã làm thay đổi cuộc sống hàng ngày ở những người dân trong vùng chiến sự. Năm 2018, Liên Hợp Quốc ước tính xung đột đã gây thiệt hại hơn 120 tỉ USD khi đường xá, cơ sở hạ tầng và nhà cửa bị phá hủy. Năm 2017, Ngân hàng Thế giới ước tính gần một phần ba số nhà ở Aleppo và Idlib đã bị hư hại hoặc bị phá hủy trong cuộc xung đột.
Theo Liên Hợp Quốc, ít nhất một nửa dân số trước chiến tranh của Syria đã phải sơ tán trong nước hoặc trở thành người tị nạn nước ngoài. Trong số những người vẫn còn ở Syria, Liên Hợp Quốc ước tính 90% người dân sống trong cảnh nghèo đói.
Giá thực phẩm đã tăng chóng mặt. Hạn hán, nhiệt độ cao, hệ thống cung cấp, xử lý nước xuống cấp đã kéo theo một loạt vấn đề về chăm sóc sức khỏe và nguồn cung điện.
Theo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), một nửa trong số 4,6 triệu người dân ở Tây Bắc Syria đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì cuộc xung đột. Trong đó, 1,7 triệu người hiện phải sống ở các lều và trại tị nạn trong khu vực. Năm 2022, UNICEF ước tính có 3,3 triệu người Syria trong khu vực này bị thiếu lương thực.
|
Động đất tàn phá thành phố Idlib, Syria. Nguồn: THE INDEPENDENT |
Đài NPR dẫn lời ông Jomah Al Qassim - nhân viên cứu trợ người Syria - cho rằng nơi đây đang “tích tụ rất nhiều khủng hoảng". "Mọi người đã kiệt sức” - ông nói.
Khó khăn chồng chất khó khăn
Đánh giá về tình hình hiện tại ở Syria, ông El-Mostafa Benlamlih, điều phối viên nhân đạo của Liên Hợp Quốc tại Syria, cho rằng đây là tình trạng “khủng hoảng trong khủng hoảng”.
“Cơ sở hạ tầng đã bị động đất, xung đột làm cho tê liệt. Những thành phố bị ảnh hưởng đã trở thành những thành phố ma. Nhiều người rất sợ hãi. Họ không muốn trở về nhà” - ông nói.
Trả lời CNN, ông Khalil Ashawi - phóng viên ảnh tại thị trấn Jindiris, thành phố Allepo, Tây bắc Syria - cho biết trong 10 năm đưa tin về tình hình xung đột ở khu vực, ông chưa từng chứng kiến cảnh tượng nào “thảm khốc” như trận động đất hôm 6-2.
“Trong tất cả năm tôi đưa tin về xung đột ở đây, tôi chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy. Đó là một thảm họa. Nhân viên y tế và lính cứu hỏa đang cố gắng hỗ trợ nhưng có quá nhiều việc cần phải giải quyết. Họ không thể xử lý tất cả” - ông nói.
Theo hãng thông tấn SANA, hầu hết thương vong ở Syria tập trung ở miền Bắc nước này, chủ yếu ở các khu vực Aleppo, Hama, Latakia và Tartus. Trước đó, các cơ sở hạ tầng quan trọng tại khu vực này cũng đang trong quá trình xây dựng lại, sau khi bị hư hại nặng nề do nội chiến.
Hôm 7-2, tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Syria có trụ sở tại thủ đô Damascus, Syria cho biết họ không có đủ khả năng đối phó với sự tàn phá do trận động đất gây ra.
“Chúng tôi đã có mặt ở mọi địa điểm sau trận động đất. Nhưng chúng tôi không có trang thiết bị và máy móc hạng nặng. Số người chết sẽ còn tăng lên. Vẫn còn nhiều tòa nhà bị đổ sập ở Aleppo và Latakia”, ông Khaled Hboubati - chủ tịch tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Ả Rập Syria - cho biết trong một cuộc họp báo ở Damascus.
Bà Tanya Evans - Giám đốc Ủy ban Cứu trợ Quốc tế tại Syria, mô tả trận động đất là “một đòn tàn phá mới đối với rất nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương, vốn đang phải vật lộn sau nhiều năm xung đột”.
Bà cảnh báo hàng nghìn người đang bị ảnh hưởng mạnh khi nhiệt độ khu vực giảm mạnh xuống dưới 0 độ C. “Nhiều người ở tây bắc Syria đã phải di dời tới 20 lần. Nhiều người đã không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe” - bà nói.
|
Hàng cứu trợ đến với Syria. Ảnh: REUTERS |
Bác sĩ Bachir Tajaldin làm việc tại Hiệp hội y tế người Mỹ gốc Syria (SAMS) nhận định rằng tình hình ở Syria còn tồi tệ hơn Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông giải thích do được một chính phủ ổn định điều hành, tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ đã được điều phối tốt, trong khi ở miền Bắc Syria, hầu hết quá trình cứu trợ đều do các tổ chức phi chính phủ tiến hành. Theo ông Tajaldin, hơn một thập kỷ xung đột ở miền bắc Syria đã dẫn đến “kinh tế tồi tệ”, khiến việc ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay trở nên rất khó khăn.
Trả lời CNN hôm 7-2, bà Angela Kearney - đại diện của UNICEF tại Aleppo - cho biết các bệnh viện ở Syria "hoàn toàn quá tải" sau trận động đất.
Bà Kearney cho biết các bệnh viện ở đây chật ních bệnh nhân bị chấn thương, gãy xương và rách da. Một số người cũng đến bệnh viện để được hỗ trợ sau khi bị bất ổn tinh thần do trận động đất.