Động đất có thể dự báo được hay không?

(PLO)- Việc dự đoán chính xác ngày, giờ và cường độ của một trận động đất là không thể, chỉ có thể dự báo xác suất xảy ra động đất trong một khoảng thời gian nhất định mà thông thường khoảng thời gian đó kéo dài hàng thập niên.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở một trong những khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới, nằm trên mảng Anatolia, giáp hai đường đứt gãy lớn. Đường đứt gãy Bắc Anatolia chạy dọc từ tây sang đông và đường đứt gãy Đông Anatolia nằm ở khu vực đông nam.

Hầu hết các trận động đất trước ở Thổ Nhĩ Kỳ nằm ở đường đứt gãy Bắc Anatolia. Năm 1999 xảy ra trận động đất dọc đường đứt gãy Bắc Anatolia làm hơn 17.000 người chết. Vì tần suất động đất hay xảy ra ở đường đứt gãy Bắc Anatolia, nhà chức trách đoán thảm họa tiếp theo khả năng xảy ra ở khu vực đó. Tuy nhiên, thảm họa hôm 6-2 xảy ra trên đường đứt gãy Đông Anatolia - nơi ít được chú ý hơn.

Các chuyên gia cho rằng động đất không thể dự báo được. GS Paul Martin Mai, chuyên gia về động đất tại khoa Khoa học và kỹ thuật Trái đất ĐH Khoa học và Công nghệ King Abdullah (Saudi Arabia), nói rằng việc dự đoán chính xác ngày, giờ và cường độ của một trận động đất là không thể. TS Januka Attanayake, Trường Khoa học Trái đất tại ĐH Melbourne (Úc), nói rằng “chỉ có thể dự báo xác suất xảy ra động đất trong một khoảng thời gian nhất định, thông thường, khoảng thời gian đó kéo dài hàng thập niên”.

Câu hỏi được đặt ra là tại sao trận động đất ngày 6-2 giết chết nhiều người đến vậy? Theo ý kiến của chuyên gia Roger Musson, nhà nghiên cứu danh dự tại Cơ quan Khảo sát địa chất Anh, chuyện không thể dự đoán được động đất chỉ là một yếu tố. Hãng tin AFP dẫn ý kiến của ông Musson rằng con số thương vong quá lớn này đến từ sự kết hợp của nhiều yếu tố khiến trận động đất trở nên đặc biệt nguy hiểm: Cường độ, thời gian, địa điểm, đường nứt gãy và kết cấu yếu của nhà cửa.

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau động đất ở Besnia, tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát của Syria, ngày 6-2. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Chạy đua tìm kiếm người sống sót sau động đất ở Besnia, tỉnh Idlib do phiến quân kiểm soát của Syria, ngày 6-2. Ảnh: AFP/GETTY IMAGES

Đầu tiên là cường độ quá mạnh của trận động đất: 7,8 độ Richter, kèm theo khoảng 100 dư chấn, trong đó có dư chấn mạnh tới 7,5 độ Richter. Thứ hai, động đất xảy ra ở khu vực đông dân cư. Thứ ba, động đất xảy ra lúc mọi người đang ngủ. Thứ tư, thảm họa ngày 6-2 xảy ra trên đường đứt gãy Đông Anatolia, không phải đường nứt gãy thường xảy ra động đất. Một yếu tố quan trọng nữa là kết cấu nhà cửa trong khu vực yếu, không “thực sự phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn”.

Bà Carmen Solana, nhà nghiên cứu núi lửa tại ĐH Portsmouth (Anh), cho biết vì không thể dự đoán được động đất nên việc xây các tòa nhà chống rung là rất quan trọng ở những khu vực dễ xảy ra thảm họa này. Tuy nhiên, theo bà, “thật không may, cơ sở hạ tầng ở nam Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Syria còn chắp vá”. Ông Bill McGuire, nhà nghiên cứu núi lửa tại ĐH College London, nhận định nhiều cấu trúc ở Syria “đã bị suy yếu sau hơn một thập niên chiến tranh”.

Thật ra sau trận động đất năm 1999 làm 17.000 người chết, năm 2004 Thổ Nhĩ Kỳ ra luật yêu cầu tất cả công trình xây dựng mới phải đáp ứng các tiêu chuẩn chống động đất hiện đại. Sau thảm họa ngày 6-2, bà Joanna Faure Walker, người đứng đầu Viện Giảm thiểu rủi ro và thảm họa của ĐH College London, kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiểm tra xem luật pháp có được tuân thủ hay không. Bà cũng kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ xem xét “liệu có khả năng cải thiện sự an toàn của các tòa nhà cũ hay không”. Còn GS Martin Mai thì hy vọng rằng “trận động đất này giờ đây sẽ được nghiên cứu… để thực sự hiểu điều gì đã xảy ra”, không phải để giúp có thể dự đoán động đất tốt hơn, “mà là chuẩn bị tốt hơn”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm