“Từ đầu tháng 9 đến nay liên tiếp xảy ra động đất tại khu vực thủy điện Sông Tranh 2. Đây là các trận động đất kích thích, xuất hiện tại huyện Bắc Trà My và Nam Trà My chứ không phải ngay trong lòng hồ”. TS Lê Huy Minh, Trưởng đoàn nghiên cứu Viện Vật lý Địa cầu, cho biết tại buổi báo cáo bước đầu về tình hình động đất tại thủy điện Sông Tranh 2.
Chẳng biết sắp tới động đất ở đâu!
Theo TS Minh, từ ngày 17-8 đến 7-9 có tới 15 trận động đất diễn ra ở Sông Tranh 2. Đến thời điểm này đập vẫn an toàn, thế nhưng các trận động đất chưa có dấu hiệu giảm về cường độ, tần suất. Tương lai vẫn còn động đất lớn hơn xảy ra nhưng không thể vượt qua ngưỡng cực đại 5,5 độ Richter với gia tốc 150 cm/S2 theo thiết kế của đập (căn cứ báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN).
“Tuy nhiên, hiện chúng tôi không thể khẳng định được báo cáo của EVN có chính xác không. Cần ít nhất ba năm nghiên cứu nữa mới có kết quả chính thức” - TS Minh cho hay.
Các thành viên đoàn khảo sát cũng có ý kiến tương tự. TS Lê Tự Sơn cho rằng động đất được quan sát mạnh lên khi hồ tích nước nhưng tập trung tại một số điểm đứt gãy nhất định. “Theo tôi, bước đầu là phải lắp đặt máy quan trắc động đất xung quanh đập để xem lại độ kiến tạo” - ông Sơn nói.
Hiện giờ, hễ thấy mặt đất rung rinh là người dân Bắc Trà My vội sơ tán khỏi nhà. Tâm lý bất an đã thường trực trong đầu họ. Ảnh: L.PHI
Công nhân khắc phục những điểm lở đất tại bờ trái thủy điện Sông Tranh 2. Ảnh: LÊ PHI
Còn PGS-TS Phan Trọng Trịnh khẳng định: “Động đất sẽ chỉ ở mức dưới 5,5 độ Richter, không vượt quá mức thiết kế của thủy điện Sông Tranh 2. Nhưng các trận động đất sắp tới sẽ xảy ra ở đâu thì cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng”.
EVN cứ nói chuyện không ai tin
Ông Trần Xuân Thọ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Nam, tiếp tục yêu cầu EVN nhận trách nhiệm: “EVN cần phải nghiêm túc thừa nhận sai sót, chứ cứ nói an toàn thì dân chẳng ai tin. Ngay cả tôi cũng không tin nổi vì các anh làm ăn thiếu trách nhiệm. Nhà dân bị nứt, đập thì rò rỉ mà cứ nói vẫn đảm bảo an toàn, ai mà tin nổi?”.
Chưa dừng lại, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam nhất quyết: “Tỉnh sẽ kiến nghị trung ương, Bộ Xây dựng phải hết sức tỉnh táo khi cho phép EVN tích nước. Dù EVN có nói gì đi nữa thì Chính phủ cần phải suy nghĩ đến tính mạng của 1,5 triệu người dân Quảng Nam. Nếu đập chưa đủ điều kiện an toàn thì nhất quyết không nên cho tích nước. Nếu ba năm nữa các nhà khoa học nghiên cứu mới xong thì ba năm nữa hẵng cho tích nước”.
Đồng quan điểm, Đại tá Lê Thanh Tùng, Chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Nam, yêu cầu: “Ai sẽ chịu trách nhiệm nếu sau khi tích nước xảy ra vỡ đập? Phải trả lời ngay cho dân biết. Chứ không ai nhận trách nhiệm hết, đến khi sự cố xảy ra lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau”.
Phải “hy sinh” đập nếu không an toàn
Đến lượt mình, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, nói thẳng: “Nếu chỉ có động đất không thì huyện hoàn toàn có thể an dân được. Nhưng huyện đang phải gánh chịu nỗi lo kép, nhất là cái đập thủy điện kia kìa. Tôi khẳng định thủ phạm gây động đất chính là do thủy điện Sông Tranh 2 chứ không trật đi chỗ nào hết. Còn số liệu trạm quan trắc động đất của thủy điện không thể nói lên được vấn đề gì”.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Nguyễn Đức Hải cũng bức xúc: “Tôi là người lãnh đạo cao nhất của tỉnh mà vẫn không thể yên tâm về thủy điện Sông Tranh thì nói gì đến an dân. Ngay cả Chủ tịch nước cũng gọi điện thoại cho tôi bày tỏ sự lo lắng”.
“Người chịu trận trước nhân dân là lãnh đạo. Nếu lãnh đạo bảo an tâm thì đó là chuyện lạ vì động đất cứ xảy ra ầm ầm. Các nhà khoa học phải trả lời thống nhất, chính xác thì dân mới an tâm được. Còn nếu thấy không an toàn, chúng ta phải hy sinh công trình thủy điện Sông Tranh 2 thôi” - ông Hải nói.
Truy trách nhiệm ai cản trở nhập máy quan trắc
Ông Hải cũng đề nghị phải làm rõ trách nhiệm những ai có liên quan đến việc cản trở nhập các máy quan trắc động đất. “Máy nhập về đó rồi mà còn vướng các thủ tục hành chính rất nhiêu khê, phiền hà trong khi dân đang mong mỏi từng ngày. Vấn đề này trung ương cần làm rõ trách nhiệm. Ngoài ra, chủ đầu tư phải có trách nhiệm với dân thì họ mới tin, mới thông cảm được chứ. Còn các anh lần nào cũng báo cáo là đập an toàn. Chúng tôi muốn EVN trả lời là trong tương lai đập có an toàn hay không chứ không phải chỉ tại thời điểm này” - ông Hải nói.
Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh đề nghị: “Chính phủ nên cho ý kiến chính thức bằng văn bản là có cho tích nước hay không, ngoài ra phải lắp đặt ngay các trạm quan trắc động đất. Các nhà khoa học cũng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng hơn. Dù anh là ai thì cũng phải đặt tính mạng của dân lên hàng đầu. Nếu đập vẫn còn 1% không an toàn thì tỉnh cũng nhất quyết kiến nghị không cho tích nước”.
LÊ PHI