Lúc 11 giờ 30 ngày 9-9, cả huyện Bắc Trà My, Quảng Nam tiếp tục rúng động khi phải đón nhận thêm một trận động đất. Ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My, xác nhận: “Trận động đất này cũng khá mạnh, kéo dài khoảng 5 giây. Tuy đã chuẩn bị tinh thần nhưng đa số người dân vẫn hết sức hoảng sợ vì đây đã là trận động đất thứ 12 xảy ra từ tối 3-9 đến nay”.
Đi an dân mà lòng… bất an
Cũng theo ông Phong, tuy thường xuyên phải đi trấn an người dân nhưng bản thân lãnh đạo huyện cũng rất bất an, không biết động đất sẽ diễn biến ra sao để mà lần. “Cả nhà tôi bây giờ cũng phải gói ghém đồ đạc, chuẩn bị trước mọi thứ để ứng phó. Bà con xung quanh cũng vậy, chả ai còn thiết đến công ăn việc làm” - ông Phong nói.
Bà Dương Thị Thuyền (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) nói: “Trong 34 năm sống ở đây, chưa khi nào tôi hoảng sợ như bây giờ. Ngoài đường thì nhiều chỗ đất nứt, sụt lún, còn trong nhà tường nứt hết, chả biết sập lúc nào. Nhưng không ở đây thì chẳng biết đi đâu sống bây giờ”.
Ông Hồ Văn Xí (thôn 3, xã Trà Đốc) thực tế hơn: “Kể từ khi xảy ra động đất, tôi bỏ rượu luôn, không dám uống một hớp. Uống vào sợ say nằm trong nhà động đất chết không ai biết”.
Điều khiến nhiều người lo lắng là đến nay, một kịch bản di dân nếu thủy điện Sông Tranh 2 gặp sự cố vẫn chưa được tính toán chi tiết, cụ thể. Câu hỏi được đặt ra là nếu di dời dân thì họ sẽ sống ở đâu? “Các khu tái định cư hiện tại đều rất tệ. Nhiều người được bố trí những ngôi nhà kém chất lượng, đất đai chỉ được cấp 1.000 m2 nên rất khó sống” - một người dân cho hay.
Trần hầm thân đập thủy điện Sông Tranh 2 vẫn còn nhiều điểm đọng nước, nhỏ giọt liên tục. Hiện các công nhân đang khẩn trương khắc phục. (Ảnh chụp ngày 9-9) Ảnh: LÊ PHI
Sẽ lắp các trạm quan trắc động đất
Trao đổi với đoàn chuyên gia Viện Vật lý Địa cầu, ông Phong thắc mắc: Diễn biến của động đất mỗi ngày một tăng, lan rất rộng đến cả huyện Nam Trà My, Hiệp Đức, Tiên Phước, Phước Sơn. Các nhà khoa học bảo động đất là do đứt gãy tại Trà Bồng (Quảng Ngãi), vậy tại sao ở Trà Bồng không có động đất?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng đặt vấn đề: “Ba tháng qua hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở mực nước chết nhưng vẫn liên tiếp xảy ra động đất. Trước đây các nhà khoa học từng nói là động đất kích thích do tích nước nhưng sao thủy điện không tích nước vẫn có động đất. Chúng tôi cần biết rõ đây là động đất kích thích hay động đất tự nhiên?”.
TS Lê Huy Minh, Phó Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, trưởng đoàn chuyên gia, cho biết đoàn đang trong quá trình khảo sát, phân tích địa chất nên chưa thể trả lời ngay các câu hỏi trên. Đến ngày 12-9, đoàn mới có kết luận cuối cùng. “Được biết Bộ KH&CN sẽ đưa đề tài nghiên cứu động đất tại Bắc Trà My và sự an toàn của thủy điện Sông Tranh 2 vào đề tài cấp nhà nước. Thời gian tới sẽ tiến hành lắp đặt các trạm quan trắc động đất tại khu vực này” - ông Minh nói thêm.
Nước vẫn thấm qua thân đập Sáng 9-9, lần đầu tiên các phóng viên được thoải mái bước chân vào hầm thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (dài khoảng 2 km). Trước đây chúng tôi luôn bị lực lượng bảo vệ đẩy đuổi quyết liệt mỗi khi tới gần cửa đường hầm. Theo ghi nhận, trong cả ngày 9-9, nhiều công nhân vẫn treo mình bên ngoài thân đập trong cái nắng gay gắt để trám các điểm xì nước. Bên trong thân đập, hàng chục công nhân hối hả trét vữa, cắt thép, mài giũa các vết trám thô đã làm trước đó. Chúng tôi quan sát thấy trần thân đập vẫn còn một số điểm đọng nước, nhỏ giọt liên tục mặc dù hồ đang ở mực nước chết. Lượng nước thấm qua thân đập đã giảm nhưng nước trong hành lang gom vẫn chảy tương đối mạnh. Ông Võ Duy Minh, Giám đốc Ban Điều hành tổng thầu công trình đập thủy điện Sông Tranh 2, cho hay: “Đến nay lượng nước rò rỉ đã giảm xuống chỉ còn 2,56 lít/giây. Các trận động đất vừa qua không ảnh hưởng đến quá trình xử lý các điểm thấm nước. Một tuần nữa chúng tôi sẽ khắc phục xong sự cố này”. |
LÊ PHI