Đồng Nai, Bình Dương giải bài toán thiếu hụt lao động

Trong những ngày qua và dự kiến thời gian tới, Đồng Nai và Bình Dương sẽ có khoảng vài ngàn lao động về quê mỗi ngày. Điều này gây lo lắng sẽ thiếu hụt lao động khi toàn bộ các doanh nghiệp (DN) hoạt động trở lại.

Hai tỉnh trọng điểm này một mặt tăng cường chống dịch, một mặt xây dựng kế hoạch để giữ chân người lao động.

Gấp rút cho doanh nghiệp hoạt động

Ngày 5-10, CSGT tỉnh Đồng Nai đã tổ chức dẫn đường đưa khoảng 20.000 người ở các tỉnh miền Tây, miền Trung và Tây Nguyên về quê bằng xe máy.

Trong những ngày tiếp theo, khoảng 15.000 người tiếp tục đăng ký về quê.

Người lao động trên địa bàn tỉnh Đồng Nai về quê. Ảnh: VŨ HỘI

Mong bà con ở lại Bình Dương

Chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Dương đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất của đại dịch. Đến thời điểm này, cuộc sống đang dần trở lại bình thường nên rất mong người dân cố gắng vượt qua khó khăn, ở lại để lao động, sản xuất. DN thì có đủ công nhân, người lao động thì có thu nhập để ổn định.

Sắp tới, tỉnh Bình Dương cũng sẽ có phương án mở cửa đón người lao động đã về quê quay lại Bình Dương sản xuất, khi các DN đã đi vào hoạt động, cuộc sống trở lại bình thường hoàn toàn.

Ông  VÕ VĂN MINH, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương 

Ông Quản Minh Cường, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đặt vấn đề: “Tại sao Bình Dương dịch bệnh nặng hơn Đồng Nai mà nay đã tạo điều kiện cho DN phục hồi sản xuất đến 80%, còn ta chỉ 30%. Tôi đề nghị phải xem lại việc này”.

Ông cho rằng mấu chốt là phải có kế hoạch nhanh chóng đưa các nhà máy trở lại hoạt động, giải quyết việc làm cho công nhân. “Khi có việc làm, có thu nhập thì công nhân sẽ không về quê nữa mà sẽ tiếp tục ở lại an tâm sản xuất” - ông nói và lưu ý phải hướng dẫn cụ thể, chi tiết, phục hồi sản xuất khi nới lỏng giãn cách để người dân và DN dễ hiểu, dễ áp dụng.

Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Hồ Thanh Sơn cũng cho rằng cần tính toán kỹ đến bài toán di dân hiện nay, nếu tiếp tục diễn ra thì sẽ thiếu hụt lao động sản xuất. Muốn giải quyết được bài toán này phải nhanh chóng nới lỏng hoạt động sản xuất, tạo ra công ăn việc làm, đồng thời có phương án sẵn sàng xử lý nếu phát sinh F0 trong DN.

“Việc mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế sớm chừng nào tốt chừng ấy, giúp công nhân an tâm ở lại sản xuất, giảm tình trạng công nhân tự ý bỏ về quê như những ngày qua” - ông Sơn nói.

Hiện Đồng Nai đang tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất như không kiểm soát giấy đi đường của công nhân mà chỉ cần đeo thẻ do DN cấp để làm cơ sở đi lại. Tỉnh cũng tiếp tục thực hiện an sinh xã hội cho lao động.

Đồng Nai cũng chuẩn bị lập tổ công tác hỗ trợ DN phục hồi sản xuất, xây dựng phương án đưa rước công nhân từ các tỉnh trở lại Đồng Nai, rà soát các khu nhà trọ, đảm bảo điều kiện ăn ở, phòng dịch tốt hơn cho công nhân.

Đến ngày 3-10, Ban quản lý các khu công nghiệp (KCN) Đồng Nai đã có văn bản chấp thuận cho khoảng 28 DN trong các KCN trên địa bàn tỉnh cho lao động đi, về hằng ngày với hơn 5.000 người.

Bình Dương kêu gọi bà con ở lại

Đến ngày 5-10, vẫn tiếp tục có nhiều người rời Bình Dương về quê.

Theo tính toán sơ bộ của tỉnh Bình Dương, tới đây khi các công ty, DN đồng loạt bước vào hoạt động sản xuất thì sẽ xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động.

Bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, cho biết: Thời gian dịch bệnh kéo dài khiến công nhân bị mất việc rất nhiều, các DN đều muốn chăm lo cho công nhân nhưng chỉ cầm cự trả lương từ 14 ngày đến một tháng. Sau thời gian này, các DN cũng không thể gồng gánh nổi.

Cũng theo bà Loan, hiện liên đoàn đang khảo sát lại nhu cầu lao động tại các công ty, DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tiếp tục vận động, cố gắng hỗ trợ những người lao động gặp khó khăn để họ tiếp tục ở lại Bình Dương làm việc.

“Với số lượng người dân về quê như thế này, rất có thể trong thời gian tới một số DN sẽ thiếu lao động. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương sẽ chỉ đạo các công đoàn cơ sở tiếp tục vận động người dân quay lại Bình Dương làm việc khi các DN phục hồi sản xuất” - bà Loan nói.

Đại diện Ban quản lý các KCN tỉnh Bình Dương cho biết hiện nay có hơn 1.500 DN trong các KCN đang sản xuất với hơn 210.000 công nhân.

Hiện nay, các DN đang từ sản xuất “ba tại chỗ” chuyển dần sang “sản xuất ba xanh”. Ngoài ra, các DN đăng ký sản xuất cũng đang dần tăng trở lại.

Theo ông Võ Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, từ đầu tháng 10-2021, Bình Dương đã trở về trạng thái bình thường mới. Tất cả DN ở địa bàn vùng xanh tổ chức hoạt động lại bình thường. Người dân, người lao động được phép di chuyển đi lại để làm việc.

“Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng, số lượng các DN hoạt động trở lại rất cao. Tiếp đó, các DN từ hoạt động “ba tại chỗ” sẽ quay về hoạt động bình thường” - ông Minh cho biết. Đây là cơ hội cho người lao động trong thời gian dài mất việc làm vì dịch bệnh sẽ có việc làm trở lại.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới