Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái vừa có công điện khẩn gửi các sở, ban, ngành, đơn vị và địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Ảnh
hưởng của bão số 9 gây nguy cơ gió lốc mạnh, nguy hiểm cho người đi đường.
Các đơn vị được yêu cầu xác định các khu vực trọng điểm, xung yếu để tập trung lực lượng, phương tiện ứng phó khi có tình huống bão, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất xảy ra, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện. Bên cạnh đó cần triển khai ngay phương án tổ chức cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu, tổ chức di dời người, tài sản của người dân ở những vùng thường xảy ra ngập sâu, vùng ven sông suối, vùng thường xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn.
Các địa phương ven sông Đồng Nai, sông La Ngà chủ động kiểm tra các vùng trũng, thấp ven sông thường bị ngập úng, sạt lở, chủ động kế hoạch di dời dân đến vùng an toàn. Tại các khu vực dễ sạt lở đất đồi như: đồi 112 (thị trấn Định Quán, huyện Định Quán); Phú Lâm 3, xã Phú Sơn, huyện Tân Phú; bờ sông các xã: Tân An, Thiện Tân, Bình Lợi của huyện Vĩnh Cửu và xã Phước Khánh của huyện Nhơn Trạch... chính quyền địa phương phải cảnh báo đến người dân được biết, chủ động di dời đến nơi an toàn khi có mưa bão xảy ra.
Các chủ đầu tư phải triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn đối với các công trình đang thi công dang dở. Tạm dừng thi công các công trình trong thời gian bão đổ bộ…
Tại tỉnh Bình Dương: Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, ông Mai Hùng Dũng (Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh) đã chỉ đạo các cấp, các ngành địa phương trong tỉnh khẩn trương triển khai các phương án, biện pháp phòng tránh, ứng phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra; lên phương án và kế hoạch bảo đảm tính mạng, tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Đối với Sở Công Thương, cần lên phương án phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức trợ giúp, cung ứng hàng hóa, chất đốt, lương thực, thực phẩm thiết yếu… cho người dân phải sơ tán, di dời tránh bão, cứu trợ nhân dân vùng bị thiệt hại, không để người dân thiếu đói.
Mái tôn rơi xuống đường ở TP Thủ Dầu Một trong cơn gió lớn trước đó.
Sở GTVT cần phối hợp UBND các huyện, thị, TP trong tỉnh triển khai bố trí lực lượng hướng dẫn điều tiết giao thông tại các bến phà, đò ngang để nhân dân chuyển hướng di chuyển, không tập trung đi lại tại các bến phà, đò ngang trong thời gian bão có khả năng đổ bộ hoặc theo cảnh báo của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh cũng đề nghị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, Sở GTVT, Tỉnh đoàn chuẩn bị lực lượng, bố trí cán bộ, chiến sĩ, sẵn sàng huy động các phương tiện, trang thiết bị như canô, xe tải, ô tô, thiết bị thông tin liên lạc, nhà bạt, phao cứu hộ, áo phao cứu sinh… để tham gia sơ tán, di dời dân, tìm kiếm cứu nạn cứu hộ.
Đối với Công an tỉnh, sớm triển khai các lực lượng để bảo vệ an ninh trật tự, an toàn xã hội, các công trình trọng điểm, tài sản của nhân dân, Nhà nước và doanh nghiệp, ngăn ngừa các đối tượng xấu lợi dụng khi bão xảy ra để trộm cắp, cướp giật...