Chiều nay, bão số 9 vào biển Khánh Hòa đến Bà Rịa-Vũng Tàu

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100 km/giờ), giật cấp 12. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 220 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh cấp 10, giật cấp 12 khoảng 80 km.

Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15 km. Khi đổ bộ vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung bộ và miền Đông Nam bộ, bão có cường độ mạnh cấp 7-8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ chiều mai (25-11), vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở trên đất liền các tỉnh miền Đông Nam bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50 km/giờ), giật cấp 8.

Áp thấp nhiệt đới sau đó di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40 km/giờ).

Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với rìa phía Tây hoàn lưu bão số 9, ở vùng biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Phú Yên có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8; vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận có gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng trên biển vùng gần tâm bão cao 4-6 m, vùng gần bờ cao 3-5 m.

Từ đêm 23 đến 26-11, ở các tỉnh từ Thừa Thiên-Huế đến Bình Thuận và Nam Tây Nguyên có mưa rất to (300-500 mm/đợt); Bắc Tây Nguyên và Nam bộ có mưa to (100-200 mm/đợt). Các sông từ Quảng Trị đến Bình Thuận, các tỉnh miền Đông Nam bộ và khu vực Tây Nguyên xuất hiện một đợt lũ ở mức báo động 1 đến báo động 3. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, đô thị tại các tỉnh trên.

Vị trí, đường đi của bão số 9. Ảnh: nchmf.gov.vn

• Để chủ động ứng phó bão số 9, ngày 23-11, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai họp khẩn.

Đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia thông tin: Mỹ, Nhật Bản, Hong Kong đều nhận định bão sẽ di chuyển chủ đạo theo hướng Tây Tây Nam và tiếp tục mạnh thêm. Khu vực đảo Phú Quý (Bình Thuận), bão sẽ đạt cấp 9, cấp 10 và giật cấp 12-13 khi đi qua khu vực huyện đảo này.

Đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng cho biết các phương tiện đã nắm được thông tin của bão. Riêng Bình Thuận đã cấm tàu thuyền ra biển hoạt động từ ngày 22-11.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Trần Quang Hoài đề nghị các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng khẩn trương kêu gọi, hướng dẫn tàu trong khu vực nguy hiểm tìm nơi tránh trú hoặc vào bờ. Ủy ban Quốc gia ứng phó với sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sẵn sàng các phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tổng cục Phòng, chống thiên tai phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong công tác chỉ đạo, ứng phó đảm bảo an toàn hệ thống đê… Các địa phương có kế hoạch chủ động cấm biển (đặc biệt tại các tỉnh, TP: Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM...).

Trong ngày 24-11, hai đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ NN&PTNT đi kiểm tra thực tế công tác ứng phó với bão tại TP.HCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên…

Trong đêm 23-11, lực lượng biên phòng sẽ tổ chức bắn pháo hiệu báo bão tại các điểm theo quy định để thông báo tới các phương tiện hoạt động ở ven biển mà không trang bị các hệ thống thông tin liên lạc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm