Triển lãm Quốc phòng châu Á 2016 tại Kuala Lumpur (Malaysia) đã thu được các hợp đồng trị giá 2,9 tỉ ringgit (743,14 triệu USD). Ông Hishammuddin Hussein, bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, phát biểu như trên tại lễ bế mạc triển lãm hôm 21-4.
Báo The Star đưa tin Bộ trưởng Hishammuddin Hussein thông báo doanh số năm nay tăng 56% so với kỳ triển lãm năm 2014. Ông nhận xét triển lãm này đã phát triển thành một trong năm cuộc triển lãm quốc phòng hàng đầu thế giới.
Triển lãm Quốc phòng châu Á được tổ chức hai năm một lần. Triển lãm năm nay là cuộc triển lãm lớn nhất và tốt nhất cho đến nay với 1.200 đơn vị của hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Trong các nước mới tham gia có Nga, Belarus, Bosnia, Canada, Hà Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, Ukraine.
Theo Reuters, các hãng sản xuất của Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc, Pakistan và Mỹ… khi tham dự Triển lãm Quốc phòng châu Á ở Malaysia đều nói sau năm năm tạm lắng, hiện họ rất bận bịu đáp ứng nhu cầu.
Sau sự kiện máy bay quân sự Trung Quốc hạ cánh trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nhiều đồn đoán cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm triển khai máy bay chiến đấu đến cửa ngõ các nước tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Hishammuddin Hussein tại Triển lãm Quốc phòng châu Á 2016. Ảnh: THE STAR
Reuters ghi nhận các nước Đông Nam Á đang quan ngại thái độ hung hăng trên biển Đông của Trung Quốc nên nỗ lực thay thế các máy bay chiến đấu cũ kỹ, mở đường cho các nhà sản xuất máy bay đạt được các hợp đồng trị giá hàng tỉ USD.
Malaysia đang muốn thay thế số máy bay MiG-29 mua của Nga trong thập niên 1990. Nguồn tin trong ngành nói Malaysia có thể mua 18 máy bay mới trị giá đến hơn 2,5 tỉ USD.
Các công ty quốc phòng Mỹ từng hưởng lợi nhiều trong các thương vụ bán hàng cho Đông Nam Á trong những năm 1980-1990 thì nay đang bị cạnh tranh quyết liệt.
Hãng Boeing muốn giới thiệu máy bay F/A-18E/F Super Hornets với Malaysia nhưng xem ra Malaysia muốn tìm đến các hãng châu Âu.
Malaysia đang xem xét mua máy bay Saab Gripen, Eurofighter Typhoon, ngoài ra còn có Su-30 của Nga và
JF-17 của Trung Quốc-Pakistan.
Ông John Brosnan phụ trách châu Á của Công ty quốc phòng BAE Systems (đối tác trong Tập đoàn Eurofighter của châu Âu) cho biết: “Chúng tôi hy vọng Malaysia sẽ là quốc gia thứ chín mua máy bay Typhoon”.
Thái Lan từng mua máy bay F-5 của Northrop và F-16 của Lockheed Martin thì nay đã sẵn sàng mua máy bay Gripen của Saab.
Thiếu tướng Kongcheep Tantrawanit, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Thái Lan, cho biết: “Chúng tôi rất muốn có máy bay chiến đấu mới. Chúng tôi có kế hoạch dài hơi nhưng lại không có tiền. Hiện chưa đạt được vụ thương lượng nào”.
Indonesia từng sử dụng F-16 của Lockheed Martin, hiện sắp đạt được hợp đồng mua Su-35 của Nga để bổ sung vào các phi đội Su-30.
Indonesia cũng đang là đối tác của Korean Aerospace Industry (Hàn Quốc) trong chương trình sản xuất máy bay KF-X vốn có Lockheed Martin giúp đỡ.
Singapore chỉ sử dụng máy bay Mỹ và đang là đối tác của Lockheed Martin trong chương trình F-35.
Một trong những khách hàng tiềm năng chính là Việt Nam. Việt Nam không chỉ tìm mua máy bay chiến đấu từ Nga vốn là nguồn cung cấp truyền thống mà còn có thể là khách hàng mới của các hãng sản xuất châu Âu.
Nhà phân tích quốc phòng Craig Caffrey của tạp chí quốc phòng IHS Jane’s nhận định: “Căng thẳng gia tăng ở châu Á-Thái Bình Dương đã dẫn đến các kế hoạch hiện đại hóa quân sự ở nhiều nước. Philippines, Indonesia, Nhật… đều bám theo cuộc chạy đua vũ trang do Trung Quốc dẫn đầu. Chúng tôi không thấy dấu hiệu cuộc chạy đua vũ trang sẽ kết thúc”. 38.000lượt người tham quan Triển lãm Quốc phòng châu Á tại Kuala Lumpur (Malaysia) từ ngày 18 đến 21-4, vượt quá mong đợi 4.000 người. |