'Dòng sông kể chuyện': Không chỉ là một show nghệ thuật

(PLO)- Hệ thống sân khấu ba lớp của chương trình trên sông có tổng chiều dài đến 140 mét. 

Vào lúc 20g00 ngày 6-8 năm 2023 tại Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển sẽ diễn ra Chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện - Signature Show The Story Of A River.

Chương trình là điểm nhấn của sự kiện Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 diễn ra trong ba ngày, từ ngày 4 đến 6-8 năm 2023.

Chương trình "Sài Gòn- Dòng sông kể chuyện" thực hiện trên sông Sài Gòn. Ảnh: VĂN HÀ

Được ví như signature show của TP.HCM, chương trình thực hiện trên sông Sài Gòn với sân khấu đặt tại Cảng Sài Gòn, chuyên chở khát vọng tái hiện sự hình thành của tự nhiên, xã hội, văn hóa, con người qua các thời kỳ phát triển của Gia Định – Sài Gòn – TP.HCM.

Trong vòng gần hai tiếng đồng hồ, người xem có thể ngược trở về quá khứ, hòa vào những thăng trầm suốt chiều dài lịch sử của lịch sử TP.HCM, để hiểu đến tận cùng và yêu hơn mảnh đất này.

Dòng sông Sài Gòn chính là một “nhân chứng” hào hùng của lịch sử, bởi vậy, toàn bộ câu chuyện về Sài Gòn ở Dòng sông kể chuyện sẽ được kết hợp các kỹ thuật trình diễn từ sân khấu hóa đến nghệ thuật thực cảnh, từ các loại hình nghệ thuật dân gian đến đương đại, âm nhạc, vũ kịch, điện ảnh đến những công nghệ giải trí đa dạng để tạo ra một lễ hội rực rỡ trên sông.

Khác với các Lễ hội thông thường, Dòng sông kể chuyện được diễn ra trên một dòng sông thật, một thương cảng thật, những con thuyền thật, con người thật, bối cảnh thật và những câu chuyện thật cùng cảm xúc chân thật nhất được nâng tầm thành nghệ thuật.

Đây cũng là lần đầu tiên tại Việt Nam, câu chuyện lịch sử của Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM trải dài theo chiều không gian và thời gian với cả một dòng chảy lịch sử hàng trăm năm được kể qua năm chương nghệ thuật: Khẩn hoang – Xây Thành - Trên bến dưới thuyền – Thương cảng phồn vinh - Rực rỡ Thành phố bên sông.

Theo đó, chương trình quy tụ gần 700 diễn viên chia thành 3 tốp không chuyên, bán chuyên và chuyên nghiệp. Chương trình còn có sự tham gia của những nghệ nhân dân gian, nghệ nhân ưu tú, các nghệ sĩ cải lương, ca sĩ như Võ Hạ Trâm, nhóm nhạc MTV.

Show “Dòng sông kể chuyện” được thực hiện dưới sự chỉ đạo của nữ đạo diễn Lê Hải Yến. Đây cũng là sự kiện mới nhất trong số những chương trình nghệ thuật có quy mô lớn mà nữ đạo diễn trẻ này tham gia dàn dựng

Đạo diễn Lê Hải Yến cho biết, để có thể dàn dựng được chương trình mới mẻ này cô dành hẳn một năm để khảo sát dọc sông Sài Gòn, tham khảo ý kiến từ các chuyên gia lịch sử văn hoá như GS.TS Nguyễn Mạnh Hùng, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, TS Nguyễn Thị Hậu, PGS.TS Huỳnh Quốc Thắng...

"Chúng ta vẫn thường nói Sài Gòn -TP.HCM 325 năm nhưng khát vọng của tôi không chỉ dừng lại ở lịch sử của thành phố chỉ hơn 300 năm mà tôi muốn kể lại câu chuyện lịch sử dài hơn nữa vì đây là câu chuyện của lễ hội sông nước.

Tôi mong nó sẽ trở thành một sản phẩm du lịch giống như cách Sở du lịch và thành phố đang kỳ vọng chương trình sẽ trở thành một show đặc trưng của thành phố”- đạo diễn Lê Hải Yến chia sẻ.

Chương trình huy động gần 700 diễn viên tham gia ở mọi lứa tuổi.

Dòng sông kể chuyện - Signature Show The Story Of A River được kỳ vọng sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, nổi bật của TP.HCM gắn với bảo tồn, phát huy giá trị các di sản và bản sắc văn hóa, lịch sử riêng biệt, góp phần đưa TP.HCM trở thành điểm đến với du khách quốc tế.

Theo tiết lộ của Newday Media, đơn vị thực hiện chương trình nghệ thuật Dòng sông kể chuyện- Signature Show The Story Of A River, thì ngoài việc phải sử dụng gần 700 diễn viên, còn có một khối lượng công việc khổng lồ mà đơn vị đã và đang căng sức thực hiện “tốc hành” trong vòng 1 tháng nay.

Đặc biệt là việc setup một hệ thống sân khấu ba lớp: phần trên cạn, phần dưới sông và phần nổi trên sông có tổng chiều dài 140 mét.

Dòng sông kể chuyện bằng âm thanh, ánh sáng và bằng cả con người

Sân khấu “khổng lồ” này sẽ là nơi thực hiện các phần biểu diễn chính với nhiều lớp lang. Việc dựng được sân khấu đã khó, việc dàn dựng các tiết mục trên sân khấu này còn khó khăn hơn, đòi hỏi quá trình tập luyện công phu, chính xác đến từng chi tiết.

Theo chia sẻ của đơn vị thực hiện, trong vòng 1 tháng, chương trình đã tuyển chọn, huy động gần 700 diễn viên tham gia ở mọi lứa tuổi, bao gồm cả chuyên nghiệp và không chuyên. Bởi, chương trình kể câu chuyện về TP.HCM, cho nên việc huy động các diễn viên không chuyên là người dân rất quan trọng, với thông điệp muốn để người dân tham gia kể câu chuyện về thành phố của mình. Tuy nhiên, việc tuyển diễn viên không dễ dàng vì mùa hè là thời điểm sinh viên về quê, nên rất khó huy động.

Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, lễ hội sông nước là một chương trình rất tâm huyết. Chương trình được sự đồng hành của các sở, ngành, quận huyện để phục vụ người dân, du khách. Qua đó, quảng bá về các giá trị văn hóa, lịch sử đặc trưng cũng như các định hướng phát triển kinh tế, xã hội của người dân TP.HCM.

"Thông qua đó, chúng tôi cũng mong muốn bảo tồn và gìn giữ các giá trị văn hóa. Bên cạnh đó, kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng, của người dân để chúng ta tôn vinh các dòng sông, tôn vinh các hệ thống sông ngòi, kênh rạch… hướng đến việc xây dựng TP.HCM thành đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa và văn minh"- bà Ánh Hoa nói.

Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023 do UBND TP.HCM chỉ đạo tổ chức, Sở Du lịch chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cùng các sở, ngành triển khai thực hiện.

Lễ hội sẽ diễn ra trong ba ngày, từ ngày 4 đến ngày 6- 8 năm 2023 tại các địa điểm: Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển, công viên bến Bạch Đằng, khu vực kênh Nhiêu lộc - Thị nghè, bến Bình Đông, khu Du lịch Văn hoá Suối Tiên và các khu du lịch, điểm đến khác trên địa bàn thành phố Thủ Đức và các quận, huyện của TP.HCM.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới