Dòng tiền đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán

(PLO)-  Từ đầu năm đến nay, chỉ số VN-Index đã tăng trên 22%, cao hơn nhiều so với đà tăng trưởng của những thị trường chứng khoán lớn trên thế giới.

Ông Michael Kokalari - CFA Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho biết: Năm ngoái, một trong những lý do khiến VN-Index giảm 33% là do lãi suất tiền gửi ngân hàng hấp dẫn đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu và gửi tiền vào ngân hàng.

Vào cuối năm 2022, khi lãi suất tiết kiệm liên tục tăng cao, thậm chí nhà đầu tư có thể nhận lãi suất lên đến hai chữ số với kỳ hạn một năm, tuy nhiên nhiều người đã chọn gửi tiền kỳ hạn 6 tháng với lãi suất thấp hơn một chút.

Giờ đây các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng đã đến thời điểm đáo hạn và lãi suất tiết kiệm thì liên tục “lao dốc”, khiến kênh gửi tiền không còn hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nữa. Thay vì gửi ngân hàng, giờ đây họ đem khoản tiền đó “rót” vào thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, lãi suất thấp còn giúp cải thiện hoạt động giao dịch trong thị trường bất động sản.

Bằng chứng là thị trường chứng khoán thời gian gần đây đã bật tăng khá mạnh. Nếu tính từ đầu năm đến ngày 10-8, chỉ số VN-Index tăng hơn 22%.

Dòng tiền đang có xu hướng chảy từ kênh gửi tiết kiệm sang thị trường chứng khoán

Ông Ông Michael Kokalari cho rằng: Sự phục hồi của VN-Index do giá cổ phiếu ngân hàng và bất động sản tăng gần 30% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại bởi tỉ trọng lớn của ngành ngân hàng chiếm 35% và bất động sản chiếm 18% trong chỉ số VN-Index. Tăng trưởng giá cổ phiếu ở hai ngành này đã đóng góp hơn 2/3 tăng trưởng của VN-Index tính từ đầu năm đến nay.

Nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay không chỉ đối với ngành sản suất kinh doanh mà cả với lĩnh vực bất động sản, đã giúp cải thiện tâm lý của nhà đầu tư đối với thị trường địa ốc, qua đó các giao dịch mua – bán đang có dấu hiệu phục hồi trở lại.

"Nhiều khả năng lãi suất vay mua nhà sẽ giảm thêm 50-100 điểm cơ bản trong 6-12 tháng tới và tâm lý cải thiện đối với thị trường bất động sản đã tác động tích cực đến giá cổ phiếu bất động sản lớn, cũng như các mã chứng khoán của doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, thép…”, ông Michael Kokalar nói.

Khảo sát một số mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đơn cử như mã NVL của Tập đoàn Novaland cho thấy, so với mức đáy lịch sử đến giờ giá cổ phiếu NVL đã tăng lên đến trên 100%, tức là từ dưới 10.000 đồng/cổ phiếu lên trên 20.000 đồng/cổ phiếu (ngày 10-8). Trước đó, ngày 24-7, cổ phiếu này cũng từng ghi nhận phiên giao dịch có khối lượng khớp lệnh kỷ lục khi các nhà đầu tư kỳ vọng tập đoàn bất động sản này sẽ phục hồi từ quý 3 năm nay.

Ăn theo đà tăng của nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng, mã chứng khoán HTN của CTCP Hưng Thịnh Incons cũng ghi nhận mức tăng đâu đó khoảng 80% trong 5 tháng gần đây, bất chấp theo số liệu của báo cáo tài chính quý 1/2023 mà doanh nghiệp này công bố cho thấy doanh thu sụt giảm mạnh 71%, còn 429 tỉ đồng...

Theo VinaCapital, lãi suất cho vay lẫn huy động tại Việt Nam đã hạ nhiệt nhờ vào việc cắt giảm lãi suất điều hành mạnh mẽ từ NHNN, trong lúc Mỹ và EU vẫn đang tăng lãi suất. Vì vậy sự chênh lệch giữa lãi suất tại Việt Nam và lãi suất tại Mỹ đã tạo áp lực giảm lên tỉ giá USD/VND. Tuy nhiên áp lực mất giá này được giảm bớt nhờ vào sự cải thiện đáng kể trong thặng dư thương mại của Việt Nam từ 0% GDP trong năm 2022 lên 6% trong năm 2023.

“Chúng tôi dự đoán, sự tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam sẽ tăng vọt lên hơn 20% vào cuối năm 2024. Do đó, sự phục hồi hiện tại của chỉ số VN-Index – ban đầu được thúc đẩy bởi lãi suất thấp – sẽ tiếp tục được duy trì nhờ vào tăng trưởng lợi nhuận cao hơn trong năm sau và bởi mức định giá hấp dẫn hiện tại của thị trường.

Hiện tỉ lệ P/E của VN-Index năm 2023 hiện đang thấp hơn 30% so với trung bình 5 năm qua và thấp hơn 10% so với định giá P/E của các thị trường trong khu vực”, ông Michael Kokalar.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới