Ngày 28-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông nhằm thẩm tra chính thức đề án trước khi trình ra Quốc hội. Trước đó bốn tháng, Bộ GD&ĐT đã xin rút khỏi phiên thảo luận của Quốc hội về đề án chương trình, SGK do cần thêm thời gian chuẩn bị.
Đề án tác động ra sao, chưa thấy!
GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu: Bản báo cáo đề án chương trình, SGK mới dài 16 trang do Bộ GD&ĐT trình lần này xét về hình thức đây là một báo cáo khá chỉn chu. Nhưng xem kỹ hầu hết tác động của đề án, nhất là tác động tích cực đều là tưởng tượng, không có cơ sở lý luận, cơ sở thực tế, cơ sở khoa học. Theo ông Thuyết, hai vấn đề Quốc hội quan tâm là đề án tác động tới ngân sách ra sao, có làm phiền người dân không thì trong báo cáo tác động không thấy nói.
Liên quan đến vấn đề kinh phí, GS Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho biết đáng lẽ Chính phủ phải thông qua con số cụ thể nhưng đến bây giờ vẫn chưa quyết được nội dung đấy. Vậy là Bộ GD&ĐT còn nợ nội dung này.
Bàn về việc biên soạn chương trình mới, GS Phạm Đình Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng cần đổi mới chương trình trước để có cơ sở cho đổi mới SGK.
Các đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị. Ảnh: HUY HÀ
Một chương trình, nhiều bộ sách
Nhưng nội dung được quan tâm nhất tại hội nghị là việc sắp tới nên có mấy bộ SGK. GS Trần Đình Sử cho rằng nếu Bộ đứng ra soạn bộ SGK mẫu thì lại trở lại như hiện hành, tức là Bộ GD&ĐT độc quyền SGK. Rất nhiều người có khả năng viết SGK nhưng vì tâm lý bị quản lý bởi Bộ nên họ chỉ viết sách tham khảo. “Nếu Bộ đứng ra viết SGK thì sẽ giết chết tài năng, tâm huyết của những người muốn viết SGK. Vì vậy nên giữ nguyên tắc một chương trình, nhiều bộ SGK” - ông Sử đề xuất.
GS Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng Bộ GD&ĐT nên viết một bộ SGK nhưng vẫn khuyến khích các tổ chức, cá nhân khác biên soạn bộ SGK. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần đối xử công bằng, không được phân biệt, việc chọn bộ SGK nào để dùng hoàn toàn là quyền của người học.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS-TS Nguyễn Thám, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Huế, cho rằng trước năm 1975 ở miền Nam có nhiều bộ SGK, giáo viên chọn bộ nào hay thì dạy. Chương trình học là pháp lệnh, các bộ SGK sẽ soạn xung quanh chương trình đó. Bộ GD&ĐT không cần hướng dẫn viết sách cho giáo viên vì như thế sẽ biến giáo viên thành những chiếc máy.
Bộ GD&ĐT cùng biên soạn
GS Phạm Đình Hạc lại băn khoăn khi có nhiều bộ SGK thì ai được quyền chọn SGK cho từng lớp, từng cấp học, từng môn. Nhà trường hay quận, huyện, sở GD&ĐT? Phải tính rõ để tránh lúng túng sau này.
GS Đào Trọng Thi đồng quan điểm một chương trình nhưng có nhiều bộ SGK để thầy giáo và học sinh sử dụng. “Việc này không chỉ đơn thuần là xã hội hóa về mặt nguồn lực mà thực sự chúng ta đang huy động trí tuệ của nhân dân, của các nhà khoa học và trí thức để tham gia viết. Đồng thời nó tạo ra cơ chế lành mạnh trong việc cạnh tranh viết SGK và dẫn đến nâng cao chất lượng” - ông Thi nói. Nhưng theo ông Thi, bên cạnh khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia viết, Bộ GD&ĐT vẫn phải chủ động biên soạn một bộ SGK. “Nếu không có người có trách nhiệm để thực hiện biên soạn nghiêm túc mà chỉ dựa vào người tự nguyện thì sẽ không đảm bảo lộ trình thời hạn và cũng có thể không đảm bảo chất lượng . Bởi vậy việc khuyến khích đông đảo những người có điều kiện tham gia viết SGK là tốt nhưng Nhà nước vẫn phải chủ động” - ông Thi nhấn mạnh.
HUY HÀ
Rút phương án THCS thêm một năm Dự thảo Đề án đổi mới giáo dục được đưa ra tại hội nghị lấy ý kiến tham vấn các chuyên gia sáng 28-8 tại Hà Nội. Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết Bộ rút lại phương án thay đổi về hệ thống giáo dục, tức là không tăng thêm một năm ở bậc THCS, xin giữ nguyên hệ thống giáo dục phổ thông hiện nay (gồm năm năm tiểu học, bốn năm THCS và ba năm THPT). Theo ông Hiển, trước đó có nhiều ý kiến đề nghị thay đổi như đề xuất của Bộ GD&ĐT (thêm một năm học ở bậc THCS). Tuy nhiên, qua phiên họp của Ủy ban Quốc gia về đổi mới GD&ĐT ngày 26-8 cũng như tham khảo nhiều ý kiến khác, Bộ GD&ĐT quyết định giữ nguyên như hiện hành. Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng dự thảo đề án chưa giải thích rõ vì sao chuyển từ hệ 9+3 sang 10+2. Những lập luận như phải 10 năm mới trang bị đủ kiến thức phổ thông, học sinh mới phát triển tâm sinh lý cần thiết để lựa chọn con đường học tiếp hoặc vào đời… là chưa có cơ sở khoa học. Chưa kể nếu chuyển đổi, ngành giáo dục sẽ đối mặt với nhiều khó khăn về trường lớp, đội ngũ giáo viên, gánh nặng ngân sách nhà nước phải cáng đáng khi chương trình phổ cập giáo dục bắt buộc tăng lên một năm… |