Đừng bỏ quên trò khi đổi mới giáo dục

Thư của một học sinh nhờ báo chuyển đến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và lãnh đạo Bộ GD&ĐT.

Con hy vọng rằng với bài viết này, con có thể nói lên được phần nào những tâm tư, nguyện vọng của con cũng như các bạn học sinh THPT...

Kiểm tra xoay như chong chóng

Thứ nhất, đối với những học sinh học phân ban thì không có mong mỏi nào hơn việc được tiếp tục duy trì kỳ thi phân ban. Chúng con đã quen với việc học lệch. Chúng con phải học lệch để tối ưu hóa cơ hội đỗ ĐH. Phương án thi tích hợp kiến thức liên môn mà Bộ GD&ĐT đưa ra nếu được áp dụng cho kỳ thi quốc gia THPT 2015 sẽ làm tổn hại quyền lợi của chúng con. Chúng con được dạy phân môn nên việc thi theo bài, tích hợp kiến thức liên môn thì chúng con khó mà làm được. Chúng con sẽ cảm thấy hoang mang, lo lắng vì dường như chúng con đã bị bỏ quên hoàn toàn trong đề án cải cách.

Thứ hai, chúng con muốn được vui sướng trong những ngày khai trường. Nhưng dường như niềm hân hoan, rạo rực đó đã giảm đi rất nhiều. Vì sao lại thế? Con nghĩ có ba nguyên nhân chính: Một là chương trình giáo dục áp đặt không có tính phản biện, hàn lâm, bao cấp, nhàm chán. Hai là áp lực những bài kiểm tra. Con còn nhớ kể từ khi vào THPT thì gần như con xoay như chong chóng theo các bài kiểm tra. Có những lúc mấy tháng liền tuần nào cũng có kiểm tra và không chỉ kiểm tra một môn. Ba là áp lực khủng khiếp từ kỳ thi tuyển sinh chuyển cấp và kỳ thi tốt nghiệp - tuyển sinh ĐH-CĐ liên tiếp nhau. Nếu ba điều này được đổi mới thì dù chưa rốt ráo và toàn diện nhưng con tin niềm vui khai trường sẽ trở lại đầy ắp nơi chúng con.

Đừng bỏ quên trò khi đổi mới giáo dục ảnh 1

Áp lực từ những bài kiểm tra, các kỳ thi làm học sinh mệt mỏi.Thí sinh chuẩn bị làm bài thi trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm 2014. Ảnh: HTD

Thứ ba, chúng con thiết tha mong mỏi những đề án đổi mới giáo dục hãy lấy chúng con - những học sinh, làm trung tâm. Đó là phải xác định đúng chúng con cần gì, mục tiêu học để làm gì trong từng cấp học. Như vậy, bên cạnh ý kiến của các chuyên gia giáo dục, nhà xã hội học... thì ý kiến của các em học sinh phải được lắng nghe. Thiếu ý kiến của các chuyên gia thì chương trình giáo dục sẽ rời rạc và không quy chuẩn. Thiếu ý kiến của các học sinh thì chương trình có thể sẽ thừa nhưng cũng lại thiếu rất nhiều vấn đề về kiến thức, kỹ năng, đạo đức mà học sinh cần.

Bản thân con thấy rằng học sinh học số phức (toán 12), hoàn toàn là học để thi, thi rồi quên chứ không áp dụng được gì. Trong khi đó, bắt đầu tuổi dậy thì, các bạn nam đã có râu. Con thấy không có tiết học nào dạy cách cạo râu sao cho nhanh, hiệu quả và an toàn...

Trao quyền tự chủ cho thầy cô

Trước hết vẫn là câu chuyện tiền lương. Tuần trước, con đến thăm lại cô chủ nhiệm cũ, cô trăn trở nhiều về ngành giáo dục. Trong đó, cô tâm sự về mức lương quá thấp của nhà giáo. Vừa trang trải cuộc sống mưu sinh, vừa phải dành tâm huyết cho các giờ lên lớp... thì thật tình có bao nhiêu người có thể một lúc đa đoan như thế khi mức lương lại thấp? Con mong sao gánh nặng tiền lương sớm được giải phóng khỏi tâm tư của các thầy cô và của xã hội!

Hãy cho các thầy cô được tự do trong giảng dạy. Thầy cô là người hiểu học sinh nhất. Cụ thể là học sinh lớp mình dạy cần gì, cần bộ sách giáo khoa nào, cần được dạy như thế nào, ở đâu... Dường như tuyệt đại đa số các trường, học sinh chỉ được vận động đi đứng trong giờ học môn thể dục, giờ thực hành môn quốc phòng và giờ ra chơi trong khi tất cả các em đều đang tuổi lớn, tuổi trưởng thành, tuổi hiếu động. Ngồi học thụ động trong bốn bức tường với một tấm bảng là một phương pháp truyền thống chuẩn mực nhưng nó không là duy nhất. Theo con, hãy mạnh dạn giao cho thầy cô dẫn các em thăm di tích lịch sử ở địa phương trong tiết lịch sử. Hãy để thầy cô đưa ra những câu hỏi - dẫn dắt các em học sinh khám phá tìm tòi tri thức…

Cũng không nên tích hợp trong chương trình học và thi cử của cấp THPT. Việc tích hợp các môn chỉ hiệu quả đối với những kiến thức rất sơ cấp, rất thường thức - của các em học sinh mẫu giáo, tiểu học và những kiến thức rất chuyên sâu, thiên về nghiên cứu khoa học của các sinh viên ĐH, sau ĐH. Tích hợp đối với giáo dục THPT là điều không tưởng khi những mảng kiến thức vẫn rất rời nhau...

Cuối cùng, con xin gửi lời chúc an lành đến tất cả thầy cô, các bạn học sinh trên cả nước nhân dịp khai giảng năm học 2014-2015.

PHAN DUY HƯNG, TT GDTX Châu Đốc, An Giang

Nỗi lòng phụ huynh

Con xin nhắc đến câu nói của ba con đã để lại ấn tượng nhất đối với con: “Ba và mẹ ít học, chỉ biết kiếm tiền nuôi con học, còn con học như thế nào thì ba cho con toàn quyền quyết định. Chỉ cần sau này con thành người có ích, nếu có duyên, may mắn thì thành công và khi về lại nhà biết khoanh tay chào ba mẹ là được rồi”.

Con tin rằng hàng triệu phụ huynh như ba con mong rằng con học nên người. Mong con đi về gia đình biết khoanh tay chào ba mẹ, người lớn (có đạo đức - Đức) và khi trưởng thành bước ra xã hội, chúng con là những người có ích (có Tài). Có Đức và có Tài, là một hiền tài - đó là mong mỏi thiết tha nhỏ bé về chúng con của các bậc phụ huynh, vốn đa phần là những người lao động tất bật ngày đêm với cuộc sống mưu sinh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm