NXB Giáo dục Việt Nam “đã có ý thức…”
Tại công văn số 1509 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) gửi Bộ GD-ĐT do Tổng Giám đốc Vũ Văn Hùng ký ngày 26/9 cho biết: Bộ sách giáo khoa (SGK) hiện hành được tổ chức biên soạn từ năm 2002 đến năm 2008. Tác giả biên soạn SGK được Bộ GD-ĐT lựa chọn. Các tác giả biên soạn SGK theo chương trình Giáo dục phổ thông do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành.
Trong quá trình biên soạn, Tổng Chủ biên, Chủ biên và các tác giả lựa chọn một số tác phẩm thơ, văn trích đưa vào SGK Tiếng Việt và SGK Ngữ văn để phục vụ cho nội dung bài học. Các tác phẩm thơ, văn được sử dụng với vai trò là ngữ liệu để biên soạn nội dung bài học. Việc trích sử dụng tác phẩm đưa vào SGK về nguyên tắc tác giả biên soạn SGK thỏa thuận với các tác giả có tác phẩm được trích sử dụng.
Sau các vòng thẩm định, SGK được Hội đồng thẩm định quốc gia thông qua và trình Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phê duyệt lưu hành trong toàn quốc. NXBGDVN được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức biên tập, in - phát hành, cung ứng đầy đủ SGK trong toàn quốc.
Báo cáo này cho biết, mặc dù Luật Sở hữu trí tuệ đến năm 2006 mới có hiệu lực, nhưng tại thời điểm biên soạn, NXBGDVN đã có ý thức và thực hiện trả tiền sử dụng tác phẩm cho các tác giả có tác phẩm thơ, văn được các tác giả biên soạn SGK trích, sử dụng trong SGK Tiếng Việt và Ngữ Văn.
Tùy thuộc vào mức độ trích sử dụng, NXB Giáo dục Việt Nam trả từ 100.000 đồng đến 250.000 đồng cho mỗi tác phẩm hoặc đoạn trích và sách biếu (mức trả được áp dụng tùy theo việc trích dẫn: vài câu thơ, 1 khổ thơ hay 1 đoạn văn. Mức cao nhất không vượt quá tiền nhuận bút biên soạn bài học đó).
SGK là loại hình xuất bản phẩm đặc biệt. Nội dung sách được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, giá sách do Ban Vật giá Chính phủ quy định (trước đây) và Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính hiện nay thẩm định chặt chẽ. Với giá bán hiện nay, mỗi năm NXBGDVN phải bù lỗ từ 70 - 100 tỉ đồng.
Ông Vũ Văn Hùng khẳng định: “Việc trả tiền sử dụng tác phẩm được trích của các nhà văn, nhà thơ đưa vào SGK, NXBGDVN sẽ phối hợp với Trung tâm quyền tác giả văn học Việt Nam để giải quyết một cách hợp lí, tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật”.
Lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam cũng cho rằng: “Một số thông tin đưa ra con số về việc chi trả tiền sử dụng tác phẩm văn học trong SGK là không chính xác. Nguyên nhân là do không phân biệt rõ khái niệm “tiền bản quyền” của tác giả có tác phẩm được trích, sử dụng làm ngữ liệu cho các bài học trong SGK và “tiền nhuận bút” của các tác giả biên soạn SGK do Bộ GD-ĐT phân công, giao nhiệm vụ; các Nghị định của Chính phủ về chế độ nhuận bút”.
Sẽ không có con số 20 tỷ đồng?
Trước đó, ngày 14/8, đại diện Hội Nhà văn Việt Nam, Trung tâm quyền tác giả Văn học Việt Nam (VLCC) và NXBGDVN đã có cuộc họp trao đổi về việc chi trả tiền bản quyền cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng trong bộ SGK Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5 và SGK Ngữ văn từ lớp 6 đến lớp 12 và phương hướng hợp tác trong những năm tới.
Theo văn bản kết luận cuộc họp, VLCC sẽ phối hợp với NXBGDVN trong việc chi trả tiền bản quyền của tác phẩm văn học được sử dụng trong SGK. Việc thống kê chi tiết bản quyền sẽ do chuyên viên làm việc cụ thể và có kết quả báo cáo gửi tới lãnh đạo hai bên.
Quy trình thực hiện, cách thức triển khai sẽ gồm hai giai đoạn: Đối với SGK xuất bản năm 2014, hai bên sẽ đối soát để bàn bạc và thống nhất phương án chi trả bản quyền; Đối với những ấn phẩm từ năm 2013 trở về trước, hai bên tiếp tục trao đổi để thống nhất quan điểm.
Nguyên tắc chi trả thực hiện theo chế độ chi trả của Nghị định 61/2002 (áp dụng cho xuất bản từ năm 2013 trở về trước), Nghị định 18/2014 (áp cho xuất bản từ năm 2014 trở đi) của Chính phủ về chế độ nhuận bút.
Tiếp đó, ngày 24/9, VLCC đã có công văn gửi Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), Cục Xuất bản (Bộ Thông tin Truyền thông) đề nghị Hướng dẫn mức chi trả nhuận bút tác phẩm được sử dụng trong hệ thống SGK.
Theo công văn này, VLCC muốn được biết áp dụng mức nhuận bút Theo quy định về khung nhuận bút tại điều 13 Nghị định 18/2014/NĐ-CP ngày 14/03/2014 của Chính phủ có đúng với đối tượng SGK hay không. Nếu áp dụng cách tính này, mức thu tiền nhuận bút cho các tác giả Thơ là 12%-17% (mục 3 nhóm I), Văn xuôi là 8%-17% (mục 1 nhóm I) nhân với số lượng sách in và giá bán lẻ.
Nếu VLCC được áp dụng cách tính này, tổng số tiền bản quyền mà NXBGD phải trả sẽ lên tới con số đang được lan truyền – 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số quan điểm khác lại cho rằng phải áp dụng mục 12 trong nhóm 1 điều 13 về Sách bài học, sách bài tập, sách vở bài tập, sách cho giáo viên, sách chương trình mục tiêu (theo chương trình của Bộ GD-ĐT) mới đúng.
Nếu SGK xếp vào mục này thì cách tính tiền bản quyền lại được tính như sau: “Nhuận bút = Tỷ lệ phần trăm (%) x Mức tiền lương cơ sở x Số lượng tiết học theo quy định của chương trình”.
Được biết, chế độ nhuận bút thực hiện tại NXBGDVN đối với SGK hiện hành được tính: Tiền nhuận bút 1 cuốn SGK mới = Số tiết học x 30% đến 140% Tiền lương tối thiểu; Tiền nhuận bút SGK tái bản = 25% nhuận bút sách mới.
Như vậy, nếu áp dụng cách tính này, tiền bản quyền các tác giả có tác phẩm văn, thơ được trích sử dụng trong SGK sẽ rất khiêm tốn chứ không lên tới hàng chục tỉ đồng.
Hiện tại, các đơn vị liên quan đều chờ chỉ đạo xử lý của các cơ quan chức năng.
- Theo Ngân Anh (VNN)