Bộ GD&ĐT vừa chính thức đưa ra phương án “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa (SGK)”. Tuy nhiên, từ năm 2011 tại TP.HCM đã có bộ SGK vật lý từ lớp 6 đến lớp 9 dưới tên gọi “Tài liệu dạy - học vật lý (TLDHVL)”. Bộ SGK được nhiều giáo viên và học sinh (HS) ủng hộ nên Sở GD&ĐT TP.HCM đã đưa vào dạy song song với bộ SGK vật lý hiện hành tại các trường THCS mà không dám “tuyên bố”. Tài liệu này ghi do Sở GD&ĐT TP.HCM biên soạn nhưng ít người biết được chủ biên của bộ SGK này là một giáo viên có hơn 20 năm dạy học môn vật lý. Ông là thầy Phạm Ngọc Tiến, hiện là phó trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM.
Vật lý gắn bó với cuộc sống
Đối với thầy Tiến, vật lý là môn khoa học tự nhiên lý thú và gắn bó thân thiết với cuộc sống. Vì vậy mà sau khi tốt nghiệp Trường Trung học Petrus Ký (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM hiện nay), thầy Tiến đã chọn theo ngành sư phạm để có cơ hội truyền lại niềm đam mê môn khoa học này cho HS. Thế nhưng trong suốt quá trình dạy học, người thầy này và các đồng nghiệp vẫn day dứt khi nhìn thấy HS tiếp xúc với môn học này khá nặng nề và xa lạ. Nhiều lần ông nghe một số HS tâm sự “rất ghét học môn lý”. Có phụ huynh đến gặp thầy Tiến để nói rằng “con gái họ khi mở SGK vật lý là khóc vì khô khan và khó”. Có lần trong một tiệc liên hoan mừng ngày thi đỗ đại học của một HS chuyên lý, HS này tâm sự sau ba năm học THPT những kiến thức vật lý học được ở trường không vận dụng được trong cuộc sống. Sau những lần tiếp xúc với học trò như vậy đã thôi thúc người thầy này phải làm gì đó để thay đổi cách học và cách nghĩ của học trò về môn học này.
Thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM, bên bộ TLDHVL. Hình nhỏ TLDHVL được minh họa bằng thí nghiệm gần gũi nên kích thích sự ham học hỏi của HS. Ảnh: HUYỀN VI
Nhiều người đánh giá SGK vật lý hiện hành có nhiều ưu điểm và tiến bộ nhưng vẫn còn những yếu tố hàn lâm và chưa hấp dẫn, sinh động nên HS khó tiếp thu. Vì vậy thầy Tiến và các đồng nghiệp đặt ra tiêu chí khi biên soạn bộ TLDHVL là nhằm đưa HS thoát khỏi những kiến thức hàn lâm và tăng cường tính thực tiễn, thực hành. Mục đích nhằm giúp HS kết nối môn học vật lý với thực tế nhưng vẫn đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình mà Bộ GD&ĐT quy định. TLDHVL được trình bày cụ thể với những hình ảnh bắt mắt nên giúp HS tự học và thay đổi cách thức tiếp cận với kiến thức.
“Con chim bay trong giông bão”
Đến giờ thầy Tiến vẫn còn nhớ như in những ngày đầu tiên Sở GD&ĐT TP.HCM quyết định đưa TLDHVL lớp 6 vào dạy thử ở một số trường. Sau mấy năm trời ông và các cộng sự đã dày công biên soạn thì tài liệu được in thành sách. Vào thời điểm đó rất ít có tài liệu giảng dạy riêng trong nhà trường. Trước lúc in thành sách rất nhiều người can ngăn nhóm biên soạn và thầy Tiến vì tư tưởng cho rằng SGK là “pháp lệnh” vẫn còn sâu nặng trong ngành giáo dục và xã hội. SGK của Bộ GD&ĐT vẫn còn đó thì không thể có giáo trình khác thay thế được. “Khi đó mọi người xem việc ra đời TLDHVL như là “con chim bay trong giông bão” vậy! Nhiều người trong nhóm biên soạn TLDHVL khá lo lắng, vì vậy tôi mới quyết định đứng tên trên sách. Nếu như có chuyện gì không hay thì mình tôi chịu trách nhiệm chứ không để đồng nghiệp bị vạ lây” - lật từng trang tài liệu đang đặt trên bàn, thầy Tiến nhớ lại.
Sau khi TLDHVL lớp 6 đưa vào giảng dạy và mang lại hiệu quả thiết thực cho HS, thầy Tiến và nhóm cộng sự lại “chạy đua” để cho ra TLDHVL lớp 7, lớp 8 và lớp 9. Hiện tại cả bốn cuốn tài liệu này được dạy học ở nhiều trường THCS trên địa bàn TP.HCM.
Việc thay đổi cách dạy và học vật lý là đòi hỏi cấp bách luôn thôi thúc thầy Tiến cùng các đồng nghiệp. Mặc dù Bộ GD&ĐT có lộ trình thay đổi toàn bộ SGK sau năm 2015 nhưng chưa xác định cột mốc thời gian rõ ràng. Chờ đến thời điểm đó để ra đời TLDHVL thì thầy Tiến và các cộng sự cho rằng quá trễ đối với HS. Thầy Tiến quan niệm: “Nếu trong điều kiện mình có thể làm được mà không làm thì cảm thấy có lỗi với HS. Dù thay đổi sớm một năm mà có ích cho HS thì mình cũng nên làm để HS có thể tiếp cận được với sự đổi mới. Bởi mất một năm là mất một thế hệ HS”.
HUYỀN VI
Giúp học sinh tự học Cách học vật lý mới của TLDHVL thường dẫn nhập bằng một hiện tượng vật lý gần gũi trong cuộc sống và kích thích HS tự khám phá. Sau đó HS sẽ được thực hành và chế tạo một số sản phẩm gần gũi trong cuộc sống bằng những vật liệu dễ tìm, thiết thân với HS. Cuối cùng HS mới được tiếp cận với kiến thức có trong SGK vật lý. Ngoài ra, TLDHVL cũng cung cấp những kiến thức theo sát với những thành tựu của khoa học công nghệ hiện đại mới hơn so với SGK. Trong TLDHVL cũng tích hợp một số kiến thức xã hội khác có liên quan đến khoa học tự nhiên và vật lý. Ngày 28-8, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức hội nghị tham vấn chuyên gia về Đề án đổi mới chương trình - SGK phổ thông sau năm 2015. Tại hội nghị, Bộ GD&ĐT đưa ra hai phương án lấy ý kiến. Ở phương án 1, Bộ sẽ chủ động biên soạn một bộ SGK, đồng thời khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn các SGK khác. Phương án 2 là Bộ sẽ chỉ biên soạn các SGK mà các tổ chức, cá nhân không đăng ký biên soạn. Hai phương án thống nhất “một chương trình, nhiều bộ SGK” được dư luận đồng tình nhưng cũng còn nhiều băn khoăn, trong đó có ý kiến lo ngại trong nước chưa có đội ngũ có kinh nghiệm viết SGK. |