Trong sách khoa học lớp 5, Bài 5: Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe? (tr12) của NXB Giáo dục VN có nội dung dạy trẻ về việc Phụ nữ có thai nên làm gì? Cụ thể là:
- Ăn uống đủ chất.
- Không dùng chất kích thích như thuốc lá, thuốc lào, rượu, ma túy...
- Nghỉ ngơi nhiều hơn, tinh thần thoải mái.
- Tránh lao động nặng, tránh tiếp xúc với chất độc hóa học như thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...
- Đi khám thai định kỳ ba tháng một lần.
- Tiêm văcxin phòng bệnh và uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Ngay bài 5, sách Khoa học lớp 5 học sinh đã được hỏi kiến thức chăm sóc phụ nữ có thai. (Ảnh: Văn Chung) |
Tranh cãi
Một số phụ huynh bất ngờ khi con phải học thuộc lòng kiến thức này, nếu không sẽ bị ghi vào lỗi vi phạm.
Một phụ huynh cho hay: “Vào năm học được chưa đầy 1 tháng cô đã phát đề cương ôn tập với những câu hỏi nhỏ như thế, yêu cầu các cháu học thuộc lòng". Chị thắc mắc, nếu con mình không thuộc bài thì cô sẽ ghi nhận xét thế nào?
“Tôi đồng ý với việc dạy các kiến thức về sức khỏe sinh sản sớm cho các con. Nhưng ở ví dụ này, SGK và giáo viên cần dạy cho trẻ biết về việc người phụ nữ mang thai thế nào ở góc độ kiến thức sinh học thông thường, không nên để các cháu tiếp cận những kiến thức này như một bà bầu. Người soạn sách như vậy là ẩu, kiến thức không khác gì copy - paste từ cẩm nang bà bầu ra dạy trẻ” – chị Lan Anh, có con vừa học hết lớp 5 tại Hà Nội nêu ý kiến.
Trong khi đó, chị Nguyễn Hải có con vừa vào lớp 5 tại Vĩnh Phúc cho rằng: “Việc đáng bàn ở đây là các cô giáo quá máy móc khi yêu cầu các con phải thuộc lòng kiến thức. Còn để các cháu biết phụ nữ đang mang thai cần làm gì cũng tốt. Ví dụ trẻ khi thấy mẹ phải làm việc nặng thì nói với bố làm giúp mẹ. Bữa ăn cần đầy đủ chất để mẹ nuôi em bé trong bụng tốt hơn,…”
Đứng trước ngay bài học "Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe" là bài học về trứng và tinh trùng. (Ảnh: Văn Chung). |
Trưởng khối 5 một trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội cho rằng mục đích đưa bài số 5 vào dạy trò lớp 5 chưa rõ ràng. Nội dung nên đưa vào chương trình các lớp lớn hơn.
Ý kiến khối trưởng khối 5 một trường tiểu học khác trên địa bàn quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) cho rằng: “Những nội dung trong sách khoa học lớp 5 là cần thiết nhưng như bài số 5 này kiến thức như vậy là khá dài”. Tuy nhiên, với chương trình SGK giảm tải, bài Cần làm gì để cả mẹ và em bé đều khỏe chỉ là bài giới thiệu cho học sinh biết người có thai cần được quan tâm chăm sóc ra sao để đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh.
Việc cô giáo yêu cầu trẻ thuộc lòng là không phù hợp. Trên lớp các em sẽ có phần học đóng vai bác sĩ, bố mẹ để hỏi đáp nhau. Em nào không thuộc các bạn khác sẽ nhắc.
Nếu trẻ không thuộc bài hoặc nhớ một vài ý thì cô ghi nhận xét ví dụ như Con có ý thức học tập nhưng cần cố gắng hơn. Tôi không nghĩ có giáo viên nào sẽ ghi con không có kiến thức về phụ nữ có thai cả”.
Điều quan trọng theo giáo viên nay là bài học giúp trẻ ý thức được phụ nữ khi mang thai sẽ được mọi người dành những ưu tiên chăm sóc đặc biệt. Ví dụ lên xe bus bà bầu cần được nhường chỗ ngồi, mẹ có thai thì không nên làm việc nặng,…
Cũng theo giáo viên nay: Trước bài học này còn có bài dạy học sinh lớp 5 về trứng và tinh trùng, sau đó là các bài vệ sinh tuổi dậy thì. Những nội dung này nếu giáo viên dạy nghiêm túc, có phương pháp khoa học trò sẽ tiếp nhận tự nhiên, khi có vấn đề liên quan các em sẽ chủ động chia sẻ với cô hoặc gia đình..
Ý kiến của chủ biên cuốn sách
Bà Bùi Phương Nga-chủ biên cuốn sáchKhoa học lớp 5 hiện hành cho biết: Không ít nội dung trong sách dạy về sức khỏe sinh sản cho trẻ tiểu học khi đưa vào SGK cũng nhận luồng ý kiến trái chiều.
Theo bà Nga: “Có người nói quá sớm. Có người lại mong SGK đề cập vấn đề này sớm hơn, kĩ hơn. Trên quan điểm của nhà giáo dục, chúng tôi xuất phát quyền lợi các cháu. Trước khi viết sách, từ những năm 1995 đến 1997, chúng tôi đã làm điều tra rất kĩ. Kết quả là không ít em độ tuổi nhỏ đã phát dục sớm, hiện tượng các em trai em gái bị lạm dụng tình dục không phải ít. Vì vậy, nếu dạy càng sớm cho trẻ các kiến thức này càng tốt”.
Nội dung cuốn sách được viết ở mức độ vừa phải, mang tính khoa học. Sách cũng được các chuyên gia của nhiều nước như Nhật Bản đánh giá cao.
“Khi thí điểm dạy ở các lớp, học sinh rất hứng thú. Có em nói phải khuyên bố về nhà làm giúp mẹ hơn, giúp mẹ gánh nước hay làm việc nặng. Ở những khu vực miền núi, điều này càng có ý nghĩa khi nhiều ông bố bà mẹ kiến thức chăm sóc bà bầu thấp. Trẻ được dạy kiến thức này chúng tôi luôn dặn giáo viên nói các em về nhà trò chuyện với bố mẹ giúp đỡ người có thai” – bà Nga chia sẻ.
Về bài học cung cấp kiến thức chăm sóc mẹ và em bé với nội dung Phụ nữ có thai nên làm gì?, bà Nga cho rằng: “Đây là việc tốt. Với các cháu, chuyện mẹ có bầu bé rất quan tâm, tò mò. Trong sách giáo viên, chúng tôi chỉ yêu cầu giáo viên dạy cho các em hiểu vấn đề là được”.
Là chủ biên, nhưng bản thân bà Nga cũng tâm sự "rất đau lòng" khi chính kiến thức mình viết ra, cháu ở nhà đi học cô vẫn bắt học thuộc.
“Sâu xa trong những bài học chăm sóc phụ nữ, trẻ em như vậy còn là nội dung chống bạo hành phụ nữ. Với các em trai khi được tiếp thu các kiến thức này từ nhỏ sẽ hình thành ý thức tôn trọng, biết chăm sóc và yêu thương mọi người, đặc biệt là người mẹ, người vợ sau này” – bà Nga phân tích.
Tới đây, bà Nga lấy một ví dụ: “Vừa hôm qua tôi, khi tôi đến nói chuyện giáo dục sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho học trò lớp 8. Không ít em trai hỏi các vấn đề mà nếu tiểu học các em được dạy cẩn thận tự các em đã có thể giải đáp được.
Lớp 5 các em đã được học giữ vệ sinh cơ quan sinh dục cụ thể nhưng không ít bạn vẫn hỏi làm thế nào vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, không viêm nhiễm. Có em hỏi bây giờ trông thấy phụ nữ hay các bạn gái cái của con lên có làm sao không?,…”
Bà Nga cho rằng: “Dạy cho trẻ các vấn đề này khi các em đã có cảm xúc thì hơi muộn. Nếu dạy sớm thì các em tiếp nhận một cách tự nhiên, biết để đón trước vấn đề một cách chủ động là hết sức cần thiết”.
Trò ít nói “chuyện ấy” với phụ huynh Khảo sát “Hành vi và thái độ tuổi teen đô thị” của công ty nghiên cứu thị trường TITA thực hiện tại TPHCM và Hà Nội vào tháng 6/2014 chỉ ra, gần 50% học sinh (HS) mặc dù đã vào tuổi dậy thì nhưng vẫn chưa được hướng dẫn các kiến thức liên quan đến sức khỏe tính. Các em chủ yếu nói chuyện với cha mẹ về chủ đề học hành (70%), tình bạn (41%). Còn các chủ đề “nhạy cảm” hơn như tình yêu, quan hệ tình dục, các em “bưng bít” cha mẹ. Chủ đề về tình yêu, các em đề cập với phụ huynh chỉ 5%, quan hệ tình dục 3%... Các chủ đề này các em có xu hướng tâm sự với bạn bè hoặc im lặng. |