Những ngày qua, Sở GTVT TP.HCM không cấp mới, không gia hạn giấy phép cho các bến sông làm nơi bốc dỡ vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn quận 12. Cạnh đó, Sở GTVT thông báo đến ngày 1-8 tới sẽ đình chỉ hoạt động toàn bộ bến VLXD đã được cấp phép trên các tuyến sông thuộc quận 12.
Đi về đâu?
Bờ hữu sông Sài Gòn và bờ sông Vàm Thuật bao bọc bốn phường của quận 12 là Thới An, Thạnh Lộc, An Phú Đông và Thạnh Xuân. Dọc bờ hai tuyến sông này có 18 bến, bãi chuyên bốc dỡ VLXD từ nhiều năm qua.
Ông TC, chủ một bến sông ở phường An Phú Đông, cho biết đã hành nghề bốc dỡ VLXD dọc theo bờ sông Vàm Thuật từ hơn 20 năm qua. Nay Sở GTVT ra lệnh đóng bến và không cho gia hạn giấy phép cũ nữa nên ông không biết di dời bến về đâu để tiếp tục hành nghề mưu sinh. “Dời lên vùng Hóc Môn, Củ Chi thì kiếm đất dọc sông, kênh để mở bến chắc gì đã có. Nếu có đất thì đường vận chuyển cát, đá về lại các phường dưới quận 12 sẽ rất xa. Chi phí tăng lên làm giá cát, đá cũng tăng theo thì khách hàng, người dân xây nhà dễ gì chịu” - ông TC nói.
Còn bà TA, chủ một bến, vựa cát ở bờ hữu sông Sài Gòn thuộc phường An Phú Đông, băn khoăn nếu phải dời bến đi xa thì sẽ phải bỏ dàn ô tô tải nhỏ thuê, mua lâu nay, thay bằng dàn xe lớn thì tiền đâu để đầu tư. Chưa kể để vận chuyển được cát, đá từ trên Hóc Môn, Củ Chi về các khu dân cư đang đô thị hóa mạnh ở quận 12 thì phải tìm bãi trung chuyển từ xe tải to sang xe tải nhỏ, như thế chi phí sẽ tăng rất cao. “Chắc chúng tôi phải bỏ nghề đã làm ăn, sinh sống mấy mươi năm nay thôi” - bà TA cho biết.
Một bến vựa cát, đá nằm bên bờ sông Vàm Thuật, quận 12 trước nguy cơ bị đóng cửa từ ngày 1-8 tới. Ảnh: L.ĐỨC
Những đoạn đường, đê bao dọc bờ hữu sông Sài Gòn cho phép xe dưới năm tấn lưu thông nhưng được cho là đã bị xe chở cát, đá phá nát. Ảnh: L.ĐỨC
Nguy cơ vỡ hệ thống đê bao
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về việc ra lệnh đóng bến từ ngày 1-8, ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết từ cuối tháng 7-2016 quận 12 có văn bản đề nghị Sở GTVT không gia hạn giấy phép cũ và đóng các bến nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ bờ sông, kênh, công trình thủy lợi.
Theo đó, quận 12 cho rằng tại các bến này thường sử dụng xe tải có tải trọng lớn để vận chuyển VLXD nên đã làm lún, sụt, sạt lở các tuyến đê bao. Cạnh đó, xe tải thường xuyên lưu thông đã gây mất an toàn, ô nhiễm môi trường ở các tuyến đường, khu dân cư mà xe đi qua. Một cán bộ lãnh đạo của quận 12 cho biết thêm, trên các tuyến đê bao dù đã cắm biển báo chỉ cho xe dưới một tấn lưu thông nhưng xe chở cát, đá thường từ 3,5 đến trên năm tấn. “Xe của vựa hoặc xe chở thuê có đăng ký, đăng kiểm là 3,5-5 tấn nhưng thực tế họ luôn chở quá tải nên phá đê bao, phá đường rất dữ, rất nhanh” - vị cán bộ nói.
Ông Nguyễn Văn Tám cũng nhìn nhận việc đóng các bến VLXD sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ xây dựng, phát triển đô thị của quận 12. Cạnh đó, dự báo số lượng xe tải lưu thông trên các tuyến đường quốc lộ, liên quận từ Hóc Môn, Củ Chi về quận 12 sẽ tăng lên. “Như thế, chủ trương duy trì, phát triển bến bãi, vận chuyển đường sông để giảm áp lực cho đường bộ của TP và Sở GTVT sẽ bị phá vỡ ở địa bàn quận 12. Nhưng do quận 12 đề nghị thì Sở phải ra lệnh đóng bến” - ông Tám nói.
3.000 ha sẽ chìm trong nước?
Theo ông Đậu An Phúc, Phó Chủ tịch UBND quận 12, những tác động tiêu cực của các bến, vựa cát, đá đã được người dân ở các phường phản ánh từ cuối năm 2015. Quận đã đi kiểm tra thực tế và lắng nghe ý kiến của người dân. Đến giữa năm 2016 quận ra thông báo đến chủ các bến, vựa về chủ trương của quận là không đồng thuận với việc tồn tại các bến, vựa này.
“Bốn phường ở phía Đông của quận nằm trong vòng đê bao bờ hữu sông Sài Gòn và sông Vàm Thuật. Đây là vùng trũng, thấp nên nếu để 18 bến, vựa hoạt động, xe tải chạy thường xuyên thì hệ thống đê bao không an toàn, có thể vỡ bất cứ lúc nào. Khi đó thì hơn 3.000 ha của bốn phường sẽ chìm trong nước. Hơn nữa các bến này là bến tạm, không phải là bến nằm trong quy hoạch phát triển đường thủy, bến sông… nên quận mới đề nghị Sở GTVT đóng bến” - ông Phúc nói.
Bờ sông đã đô thị hóa hết rồi! Tại các cuộc họp nhằm giải quyết các bến cát, đá nêu trên, Sở GTVT cho biết Sở đang lập quy hoạch các vị trí cho phép mở bến thủy nội địa dọc sông Sài Gòn, trong đó có quận 12 để làm cơ sở xem xét cho phép người dân mở bến, vựa bốc, dỡ cát, đá… “Nhưng khi đi thực địa thì đất triền sông, ven bờ đê bao đều đã được các quận, huyện quy hoạch mở các khu đô thị, nhà vườn sinh thái hết rồi. Tất thảy thành đất bờ xôi ruộng mật thì còn đâu để mà mở bến sông, phát triển đường thủy” - một vị lãnh đạo Sở GTVT nói. |