Ngày 29-11, UBND TP.HCM đã giao các cơ quan chức năng phối hợp với UBND các quận 2, 5, 6, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân và các huyện Hóc Môn, Nhà Bè xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng không phối hợp thực hiện Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn TP.HCM.
UBND TP.HCM cũng chấp thuận không xử lý vi phạm hành chính đối với các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn khu chế xuất, công nghiệp không cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng như công suất thiết kế, thông tin sản phẩm, sản lượng sản xuất, số lượng tiêu thụ…
Chương trình điều tra, khảo sát các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng ở TP.HCM là để phục vụ công tác lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP.HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực vật liệu xây dựng.
Các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng phải tham gia khảo sát.
Trước đó, UBND TP.HCM đã giao Sở Xây dựng lập quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng của TP.HCM đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo tiến độ đề cương, nhiệm vụ được phê duyệt.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, việc triển khai quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cần phải có các thông tin từ các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng để phân loại các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp.
Mục tiêu là xác định số lượng các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Từ đó phân loại các cơ sở sản xuất gạch ngói, các nhà máy, trạm nghiền xi măng trên địa bàn TP.HCM.
Qua đó xác định các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế thấp phải di dời, xóa bỏ hoặc phải thực hiện phương án hoàn thiện công nghệ, xử lý môi trường…
Tuy nhiên, hiện nay chưa có số liệu chuẩn xác về các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thực tế đang hoạt động trên địa bàn TP.HCM. Thông tin về các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng do Sở Xây dựng tổng hợp từ số liệu cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký doanh nghiệp của Sở Kế hoạch Đầu tư, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM và báo cáo của UBND các quận huyện.
Theo định hướng phát triển vật liệu xây dựng của TP.HCM, sản xuất vật liệu xây dựng sẽ thực hiện tại khu công nghiệp Hiệp Phước ở huyện Nhà Bè, khu công nghiệp Đông Nam huyện Củ Chi, Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh.
Sở Xây dựng cũng tiến hành làm việc với 7 tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang để trao đổi tìm nguồn nguyên liệu phục sản xuất vật liệu xây dựng cao cấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp của TP.HCM tham gia đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại các địa phương này.