“Năm nào cũng vậy, cúng giao thừa xong là vợ chồng cậu Út (ở xã Đông Thạnh, Hóc Môn) và hai thằng con lui cui dọn bàn ghế, chén đũa… để chuẩn bị tiếp đón anh chị cùng đám con cháu gần 100 người đến thắp nhang ông bà và chúc tết đầu năm” - vừa ngoáy cơi trầu, bà Bảy (80 tuổi, ở xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn) vừa nói.
Tập tục đẹp nên giữ mãi
Bà Bảy nói tiếp: “Dòng tộc tôi có 10 anh chị em, ai nấy đều con đàn cháu đống. Cậu Út ở nhà thờ tổ nên lo chuyện nhang khói ba má. Những lúc giỗ quải đôi khi vắng người này người nọ do công việc nhưng mồng một tết mọi người trong dòng tộc phải tề tựu để làm tròn phận con cháu”.
Khi con cháu có mặt đông đủ, lần lượt từng gia đình thắp nhang bàn thờ gia tiên. Đầu tiên là vợ chồng cùng con cháu dì Hai, kế đến là cả nhà cậu Tư, lần lượt dì Năm, dì Sáu…, rồi tới cậu Chín, dì Mười. “Nhìn con cháu quỳ trước bàn thờ ông bà, tôi ấm cả người. Có đứa cháu bốn tuổi chỉ tấm ảnh đặt trên bàn thờ rồi hỏi ai vậy bà. Nghe tôi nói đó là ông bà cố, nó vỗ tay nói lớn: “Vậy là con biết ông bà cố rồi”. Nhìn nét ngây ngô và hồn nhiên của nó, mọi người cười vui vẻ. Vậy là thêm đứa cháu đã biết gốc gác, nguồn cội của mình rồi” - bà Bảy cười nói.
Cúng tổ tiên xong, anh chị em bà Bảy ngồi trên ghế để con cháu lần lượt mừng tuổi. Hết đứa này chúc dì Hai sống lâu tới đứa khác mong cậu Chín sống thọ, thêm đứa khác cầu bà Tám khỏe mạnh… Sau lời mừng tuổi của con cháu, anh chị em bà Bảy lần lượt lì xì từng đứa lấy hên. Chúc tết xong, anh chị em bà Bảy ngồi dưới bậc thềm vừa trò chuyện vừa nhấm nháp bánh mứt. Cậu Chín kể câu chuyện lúc nhỏ trốn nhà đi chơi tết bị ba đánh đòn. Dì Sáu nhắc lại chuyện bị má quất mấy roi do làm rách cái áo tết… Những câu chuyện vui từ đời nảo đời nao được anh chị em bà Bảy nhắc lại khiến không khí tết thêm rộn ràng.
“Anh chị em tôi tóc trắng nhiều hơn đen, răng cái còn cái mất, vậy mà kể lại những chuyện xưa vẫn ôm bụng cười lộn ruột. Chỉ có tết nhứt anh chị em tôi mới có dịp quây quần, sum họp đầy đủ và ấm cúng như vầy” - bà Bảy
cười tươi.
Trong lúc anh chị em bà Bảy hàn huyên tâm sự thì đám cháu con rủ nhau chơi đùa, cười nói. Sân nhà cậu Út khá rộng nhưng dường như không đủ chỗ cho mấy đứa nhỏ chạy nhảy. Chỗ này đám con gái nhảy lò cò, chơi banh đũa; chỗ kia tụi con trai chơi tạt lon hoặc chơi trò trốn tìm. Những đứa lớn hơn thì tụ năm tụ ba nói chuyện học hành, thi cử…
“Tụi nhỏ là anh chị em con cậu, bạn dì nhưng ngày thường khó có dịp gặp gỡ trò chuyện. Chỉ có mồng một tết tụi nhỏ mới được gặp đông đủ anh chị em nên tập tục này dòng tộc tôi phải giữ mãi” - bà Bảy vừa nói vừa têm lá trầu.
Dòng tộc bà Bảy (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) gần 100 người họp mặt mùng một tết. Ảnh: HOÀNG SƠN
Trẻ nhỏ khoe tiền lì xì. Ảnh: HOÀNG SƠN
Dòng tộc gắn kết nhau hơn
Ngồi lau đống lá chuối để gói bánh tét ăn tết, anh Sơn, con bà Bảy góp chuyện: “Đàn ông tụi tôi cũng vậy, toàn anh em con cậu, bạn dì mà nhiều khi cả năm không gặp mặt do bận làm ăn. Chỉ mồng một tết anh em mới có dịp ngồi chung bàn uống ly rượu, hỏi han chuyện làm ăn, gia đình. Vợ tôi ngày thường đâu thể gặp đủ cậu, dì bên chồng để chào hỏi. Con tôi cũng thế, suốt năm lo học hành nên ít dịp gặp được ông bà, cô chú, anh chị em trong dòng tộc. Mồng một tết họp mặt là dịp để tất cả thành viên trong dòng tộc gặp nhau, biết nhau và gắn kết nhau hơn”.
Xếp gọn đống lá chuối, anh Sơn nói tiếp: “Ở nhà cậu Út chơi độ một tiếng, dòng tộc tất cả gần 100 người cùng tới nhà cậu Chín để thắp nhang ông cố, bà cố. Sau đó mọi người lần lượt tới nhà dì Hai, cậu Tư, dì Năm, dì Sáu, dì Bảy, dì Tám, cậu Chín. Tới nhà ai cũng vậy, đầu tiên mọi người cùng thắp nhang bàn thờ tổ tiên rồi ngồi uống tách trà, ly rượu, ăn miếng bánh tét với củ kiệu, nói chuyện rôm rả. Hàng xóm rất thích thú khi thấy nhà các dì, các cậu của tôi đông họ hàng đến thăm và chúc tết. Không ít láng giềng vui vẻ chạy qua bắt chuyện khiến không khí ngày xuân thêm vui, tình nghĩa bà con thêm thắt chặt”.
Khi nắng xuân dịu mát cũng là lúc dòng tộc anh Sơn ghé nhà dì Mười. Do đây là điểm đến cuối cùng nên mọi người thỏa sức nghỉ ngơi, ăn uống. “Đàn ông con trai chúng tôi tha hồ chén tạc chén thù, khích bác nhau rồi ôm bụng cười hể hả. Chị em phụ nữ lui cui dưới bếp hết xào đậu que tới hầm chân heo, vừa nấu nướng vừa chọc ghẹo nhau rồi cười hăng hắc. Đám trẻ con thì khỏi nói, gọi nhau í ới rồi đuổi chạy rần rần, mặc kệ mồ hôi ướt đẫm chiếc áo mới. Trong thời khắc này, không khí ngày tết hòa quyện tình thân dòng tộc khiến mùa xuân thêm ấm cúng” - anh Sơn chia sẻ.
Hớp ngụm trà, anh Sơn cho biết thêm có người bạn tới chơi đúng lúc dòng tộc tới nhà anh chúc tết và không khỏi ngạc nhiên khi thấy họ hàng gần 100 người lần lượt quỳ trước bàn thờ gia tiên rồi chúc tụng nhau. “Bạn tôi nói hiếm dòng tộc nào giữ được phong tục họp mặt ngày mùng một tết để con cháu tưởng nhớ đến công ơn ông bà, cha mẹ và nhận ra họ hàng. Nghe bạn nói vậy, tôi vui cái bụng lắm” - anh Sơn trải lòng.