Thời buổi hiện đại, Tết của người Tày tưởng chừng cũng dần biến chuyển giống với người Kinh, nhưng thực chất nếu “ngâm cứu” kỹ sẽ thấy những điều khác biệt rõ rệt. Nhất là phong cách ẩm thực, phong tục tập quán và một số quan niệm cũng rất… “bá đạo”.
Người Tày là phải ăn lòng thốt
Xuân về, bản của người Tày cứ vui như… Tết. Vui hơn nữa là người trong bản làm ăn xa lúc này lục tục kéo về ăn Tết, khiến cả bản cứ rôm rả, rộn ràng như pháo ran.
Tục ăn lòng thốt của người Tày giống như ăn tất niên của người Kinh vậy. Khoảng 26 tháng Chạp là mọi nhà chuẩn bị “khui” (mổ) con heo nuôi từ giữa năm làm cỗ đãi khách rồi. Nhà nào ít anh em, họ hàng sẽ ăn chừng nửa con, nhà nào đông hơn thì phải tính toán việc ăn đụng (nhận thêm phần) với nhà khác. Nói chung vẫn là cái “tình làng nghĩa xóm” nên việc ăn nửa con hay một con heo cũng không quan trọng. Quan trọng là nhân cái dịp cuối năm cả họ được gặp nhau và cùng “khui” heo ăn Tết. Vui là trên hết!
Nói là nhà “khui” heo sống nhưng làm gì cũng phải nhờ cậy anh em, họ hàng cả. Phong tục này vốn có từ lâu bởi đây là dịp để những người trong họ gắn thêm tình đoàn kết, có thời gian quây quần bên nhau hàn huyên tâm sự. Bởi vậy cho nên nhà nào càng đông họ hàng tới càng thích. Tỉ dụ như nhà tôi là phải đi tranh mời trước chứ không các cụ lại “bị” nhà khác mời mất thì bớt cả cái vui.
Mà bản tôi có cái kiểu mời ăn lòng thốt rất cá tính và sáng tạo. Chỉ cần tận dụng cái “loa miệng” là được rồi. Cứ như bố tôi, mời họ hàng bằng cách ló cái đầu qua khung cửa nhà rồi hô lớn: “Thằng Cậu, mai mày mang con dao sang giúp chú mổ con lợn làm lòng thốt nhá. Nhớ sang sớm để đun nước, làm cơm cho sớm để mời các cụ”.
Nhưng gia chủ chỉ được dùng “loa miệng” mời những người nhỏ hơn thôi. Còn những người lớn thì phải dùng cái chân và sự cung kính để mời, bởi người Tày có tâm niệm “ăn có mời, làm có khiến; lời mời cao hơn mâm cỗ” (vụ này cũng giống người Kinh nè).
Ngày “khui” heo, cả nhà bắt đầu tưng bừng, nhộn nhịp từ 5 giờ sáng. Người đun nước mổ heo, người nấu xôi để cúng gia tiên. Các nam thanh niên to khỏe, vạm vỡ thì đã sẵn dây thừng, dao… để tiến hành “khui” heo.
“Nhất thủ, nhì vĩ” là quan niệm của người Tày, bởi ngay sau khi “khui” heo thì đầu và đuôi heo sẽ được mang lên bàn thờ để làm lễ cúng gia tiên. Theo lời các bậc cao niên, lễ cúng này là để con cháu mời các cụ về ăn cơm cuối năm với gia đình. Sau đó gia đình mới được phép làm cỗ thết đãi bà con, hàng xóm.
Còn vụ này mới vui nè, toàn bộ lòng, tim, gan, tiết heo sẽ được mang đi chế biến để làm đồ ăn sáng. Đây là món ăn độc nhất vô nhị của người Tày trong dịp cuối năm. Món này gọi là “phán sườn”, nó đặc biệt ở chỗ gia vị chủ đạo là nghệ, gừng, rượu và nội tạng heo. Món ăn có vị cay nóng nhằm xua tan cảm cúm, cái lạnh ở quê nhà.
Vụ ăn phán sườn cũng chất muốn xỉu luôn, bởi ăn ngay trên bếp chứ không bày ra bàn đâu nha. Khi phán sườn được nấu chín và vẫn còn sôi sùng sục trên bếp cũng là lúc mọi người mang tô, chén ra để múc ăn luôn. Tất cả ngồi quây quần bên bếp lửa vừa ăn vừa nhỏ to tám chuyện trên trời dưới đất. Sau đó lại mỗi người một việc, người đi nhặt rau, người đun nước pha trà, người làm cơm, người ướp gia vị để treo lên gác bếp…
Không thể thiếu mía tím
Từ 25 âm lịch, bản làng người Tày đã bắt đầu nhộn nhịp bởi mọi thứ chuẩn bị cho Tết, lễ cúng gia tiên đều được tự tay người trong nhà làm. Tết người Tày không thể thiếu bánh chưng, bánh tro, đây là hai loại bánh để cúng gia tiên trong những ngày Tết.
“Con gái Tày là phải biết làm bánh chưng, biết gói bánh tro, không ế chồng cả đời đó con ạ!” - Những người lớn tuổi hay dạy con cháu như vậy. Có vẻ sợ “ế” nên con gái người Tày ai ai cũng biết làm bánh từ các thế hệ trước truyền bí kíp lại.
Vụ làm bánh tro của người Tày cũng rất kỳ công. Từ tháng 10 âm lịch, mọi người trong làng bắt đầu vào rừng chặt cành coong mạ để đốt lấy tro hoặc đốt một số loại thân cây khác như cây vừng, cây đỗ xanh, vỏ chuối... Sau đó mang tro đốt được nấu với nước, rồi lấy nước đó đem ngâm với gạo qua đêm và lấy gạo ấy gói bánh. Bánh tro được chấm với mật mía mà trước đó các hộ dân đã kéo lấy mật để dành dùng trong dịp Tết.
Nhưng có cái khác lạ, người Tày ở phía Bắc nhưng bánh chưng của người Tày lại được gói như bánh tét ở miền Nam. Chỉ có điều nhân được làm bằng thịt heo thái miếng trộn với đậu xanh và cho thêm chút rượu, mục đích là để lâu cũng không bị thiu.
Song song với việc làm bánh, quần áo gia tiên cũng được các gia đình người Tày chuẩn bị từ khá sớm. Người Tày quan niệm dịp Tết con cháu có quần áo mới thì các cụ cũng phải có. Vì thế, ngay từ 20 tháng Chạp, người lớn trong gia đình đã lựa ra những tờ giấy xanh đỏ đẹp mắt để tự tay cắt thành những bộ quần áo dâng lên các cụ. Nói chung, mọi người cố gắng khéo léo, tỉ mỉ cắt đồ để các cụ có được những bộ quần áo đẹp, lại “hợp thời trang” với các cụ nữa. Làm quần áo xong thì cần gập thêm nhiều vàng, bạc để các cụ có tiền “rủng rỉnh” tiêu xài trong cả năm.
Chiều 30, nhà nào cũng quét dọn bàn thờ, tỉa chân hương, “khui” thêm một con gà thiến làm mâm cơm cúng các cụ. Nhưng khác biệt là bàn thờ được trang trí hai bên bằng những cây mía, một cành hoa đào, một đĩa đủ các loại quả ngọt, chai rượu.
Thờ cây mía tím là quan niệm rất thiêng liêng và có phần “bá đạo” của người Tày. Theo quan niệm từ ngàn xưa, đây là vật “bất ly thân” của các cụ đã mất khi trở về ăn Tết cùng con cháu. Khi hết Tết, lúc các cụ ra đi thì cây mía tím trở thành “vật đa năng” vì đảm nhiệm nhiều chức năng phi thường: Nào là để các cụ gồng gánh những thứ con cháu thờ cúng mang đi, nào là khi gặp khúc sông thì dùng làm cầu để đi qua sông… Đặc biệt, khi gặp “cô hồn các đảng” muốn cướp bóc đồ đạc thì các cụ dùng mía tím làm vũ khí chiến đấu. Cho nên các bậc cao niên luôn dặn dò con cháu: “Tết có thể thiếu nhiều thứ nhưng nhất định không được thiếu cây mía tím”.
Bốn, năm giờ sáng mồng một Tết, người mẹ thường làm phần bánh ngọt như chè lam, bỏng nếp ép thành nắm đặt lên bàn thờ tổ tiên. Sau đó đun một nồi nước có lá bưởi (gọi là nước nàng tiên) để dâng lên bàn thờ. Sau đó mọi người trong gia đình mới dùng nước đó để rửa mặt, súc miệng, sau đó bắt đầu chính thức ăn Tết…
* * *
Dù cuộc sống hiện nay có nhiều thay đổi, song người Tày vẫn lưu giữ được nhiều phong tục, tập quán, văn hóa truyền thống riêng. Tôi thầm ước văn hóa của dân tộc mình đừng bao giờ bị “phố hóa”, bị mai một theo thời gian. Bởi với chúng tôi, cái Tết giản dị mà ấm cúng trên rẻo cao có ý nghĩa quan trọng đến mức chẳng gì thay thế được.