Đã bao năm, mỗi lần nhắc đến mùa xuân Sài Gòn, câu hát vang lên luôn là “Ngày đầu một năm đi lễ Lăng Ông, xem trái nhân duyên xin quẻ tơ hồng…” trong bài Hỏi nàng xuân của nhạc sĩ Vinh Sử.
Đầu năm đi Lăng Ông
Lăng Ông (quận Bình Thạnh) tức lăng mộ của Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn Gia Định thành có thể xem là điểm đến của tài tử giai nhân những ngày Tết. Bởi ngoài lịch sử lâu đời thì Lăng Ông là nơi vẫn giữ tục lệ dựng nêu (thướng tiêu), hạ nêu (há tiêu) và mở ấn (khai ấn) ngày Tết hơn trăm năm qua.
Ngày giờ lễ dựng nêu, hạ nêu ở Lăng Ông được giữ đúng như quy định từ thời Tự Đức. Vào sáng 30 Tết hằng năm, người dân đến Lăng Ông để tham dự nghi thức lễ dựng nêu như một nhắc nhớ về truyền thống Tết xưa thuở khai sơn lập địa của thành Gia Định. Ngày xưa, Trịnh Hoài Đức từng viết trong Gia Định thành thông chí (tập Hạ) rằng: “Bữa trừ tịch (ngày cuối năm) mọi nhà ở trước cửa lớn đều dựng một cây tre, trên buộc cái giỏ bằng tre, trong giỏ đựng trầu cau vôi, ở bên giỏ có treo giấy vàng bạc, gọi là “lên nêu”... có ý nghĩa là để làm tiêu biểu cho năm mới mà tảo trừ những xấu xa trong năm cũ. Ngày 7 tháng Giêng triệt hạ, gọi là “hạ nêu” phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi”.
Ngày hạ nêu ở Lăng Ông sau phần nghi lễ còn có phần trình diễn hát bội mang ý nghĩa nghinh thần, nhưng với người dân đây là một điểm thu hút vì rất hiếm khi người Sài Gòn được xem hát bội nguyên bản như ngày Tết ở Lăng Ông.
Lễ chùa này vườn nắng tung bay
Tại các ngôi chùa như Xá Lợi, Vĩnh Nghiêm, Phổ Quang, Giác Lâm, Ngọc Hoàng… cũng luôn tấp nập không khí của “đầu mùa xuân cùng em đi lễ, lễ chùa này vườn nắng tung bay” như câu thơ của Phạm Thiên Thư được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.
Người Sài Gòn thường tìm đến chùa những ngày Tết để thắp nén nhang, phóng sinh con chim, con cá…. mong một năm mới bình an, hạnh phúc. Ở chốn cửa thiền, tinh thần Phật giáo trong việc phóng sinh cũng được giảng giải rất rõ. Phóng sinh là tôn trọng sự sống muôn loài, giúp sinh linh thoát được nguy nan, trao cho vật cơ hội được sống trong tâm thiện. Nó hoàn toàn không phải là chuyện bắt cá, bắt chim rồi bán cho khách thập phương thỏa mãn nhu cầu phóng sinh, đấy có khi lại gieo thêm ác nghiệp.
Cũng là cửa thiền nhưng không ở đâu có một con hẻm nhiều chùa như hẻm nhỏ 498 Lê Quang Định (phường 1, quận Gò Vấp). Ẩn giấu đằng sau con hẻm là bốn ngôi chùa trải qua bao mùa mưa nắng: Chùa Già Lam (Quảng Hương Già Lam), chùa Châu An, chùa Huệ Đức và tịnh xá Ngọc Phương.
“Hẻm chùa” của Sài Gòn nằm trong khu vực Xóm Gà ngày xưa, một xóm ngoại thành Sài Gòn, cư dân đa phần là người lao động bình dân. Ngày thường con hẻm đã chật thì ngày Tết càng chật chội hơn với đủ thứ âm thanh xô bồ. Chen lấn để cắm được cây nhang vào lư cũng khiến thanh niên toát mồ hôi, đừng nói tới người già. Nhưng làm điều đó xong lại thấy yên ả, thư thái đến lạ...
Nằm cuối con hẻm là chùa Già Lam với không gian thanh tịnh, mát mẻ mang lối kiến trúc chùa-vườn của các ngôi chùa miền Trung. Già Lam với cội bồ đề thật lớn rì rào khi cơn gió qua, với thảm cỏ ngập chồi non lá biếc của dãy lộc vừng là nơi hợp cho những ai muốn tìm sự yên tĩnh cho riêng mình những ngày Tết. Đêm giao thừa, đến lễ chùa, xin được lộc xuân như ước vọng vào sự may mắn, no đủ, sum vầy cho một năm mới đến.
Thắp nén nhang xuân ngát tình
Nhiều người vẫn ngỡ rằng người Công giáo không có những ngày lễ tết theo văn hóa truyền thống. Thế nhưng những nhà thờ, giáo xứ lâu đời tại Sài Gòn lại mang một không khí Tết riêng biệt, để cả giáo dân lẫn người không Công giáo vẫn tìm đến như một nơi du ngoạn ngày xuân.
Trong ý nghĩa tôn trọng giờ phút thiêng liêng của gia đình ở thời khắc giao thừa, hầu hết các giáo xứ ở Sài Gòn đều tổ chức thánh lễ sớm trong ngày 30 Tết. Buổi tối dành cho các gia đình cầu nguyện tại gia.
Sáng mồng một Tết ở nhà thờ, người tham dự thánh lễ sẽ được nhận lộc thánh chính là lộc xuân. Lộc thánh sẽ là một câu lời Chúa để mỗi người hoặc mỗi gia đình chọn làm ý lực sống cho năm mới.
Thánh lễ mùng một Tết mang ý nghĩa cầu bình an cho năm mới; vì thế trong bộ quần áo mới, trong mùi trầm thơm ngát, ca đoàn cùng mọi người cất cao tiếng hát: “Ngày xuân thắp nén hương ngát tình, hồn con dâng lên Chúa niềm tin, nguyện Chúa xuống muôn ơn phúc lành, trên đất Việt thanh bình, cho xuân về thắm xinh…”. Đó là lời bài ca Thắp nén hương xuân của linh mục Rôcô Nguyễn Duy, một bản thánh ca mùa xuân thiêng liêng mà trần thế đã có mặt với người Việt gần 50 năm qua.
Đạo hiếu ngày xuân trước nhà thờ
Ngày mùng hai Tết chính là ngày kính nhớ ông bà tổ tiên của người Công giáo, tất cả các giáo xứ đều có thánh lễ ở nghĩa trang, hoặc nhà phục sinh với các xứ không có nghĩa trang. Mùng hai Tết cùng với ngày 2-11 hằng năm là hai ngày nghĩa trang đông đúc nhất.
Trong Sách Huấn Ca ghi rõ: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu” (Huấn Ca 3: 3-4). Và trong sách Tự thuật (Confessiones), thánh Augustinô kể lại lời trăng trối của thân mẫu Monica rằng: “Các con có thể chôn xác mẹ ở đâu cũng được. Mẹ chỉ xin các con một điều là dù các con ở đâu thì hãy nhớ đến mẹ trước bàn thờ Chúa”. Câu nói này không chỉ phản ánh một tập tục đã có từ lâu đời, đó là cầu nguyện cho các người qua đời trong khi dâng thánh lễ mà còn thể hiện cùng đích của bất cứ tôn giáo nào thì đạo hiếu vẫn là quan trọng. Trong mười điều răn của người Ki Tô thì sau những giới răn kính Chúa chính là giới răn thảo kính với cha mẹ.
Ngày mùng ba Tết tại các giáo xứ chính là thánh lễ thánh hoá công ăn việc làm. Những năm gần đây, tại một số giáo phận trong đó Giáo phận Sài Gòn cũng chọn ngày mùng bốn để cầu nguyện cho những tu sĩ qua đời và tinh thần dấn thân hy sinh mục vụ.
Chính những sự hòa nhập với văn hóa bản địa như vậy đã giúp cho các tôn giáo cắm rễ được với truyền thống của người Việt, giúp cho ngày Tết của người Việt và người Sài Gòn luôn được ấm cúng.
* * *
Mỗi người Sài Gòn hay ở đâu đều mang trong mình một niềm tin riêng, nhưng cuối cùng, một tôn giáo, một tín ngưỡng thật sự ở lại trong lòng người, được truyền đời khi nó gieo cho con người sự an ủi lẫn niềm hy vọng. Khi năm cũ khép lại, năm mới gần kề, mỗi người còn cần chi hơn điều đó…