Đồng ý giữ lại 10% biên chế cho ngành tòa án

(PLO)- Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ cho biết Bộ Chính trị đã đồng ý giữ lại 10% biên chế cho ngành tòa án, thay vì phải giảm như kết luận trước đây.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 3-1, TAND Cấp cao tại TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2023. Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Trí Tuệ (Phó Chánh án thường trực TAND Tối cao) và Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM Trần Văn Châu.

Không có oan, sai

Theo báo cáo, năm 2022 dù gặp không ít khó khăn nhưng TAND Cấp cao tại TP.HCM đã hoàn thành tốt nhiệm vụ và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đối với công tác xét xử phúc thẩm, năm 2022 đơn vị thụ lý 3.783 vụ án các loại, tăng 532 vụ so với năm 2021; đã giải quyết 3.038 vụ, tăng 1.285 vụ so với năm 2021; tỉ lệ giải quyết đạt 80,31%, tăng 26,39% so với năm 2021.

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ trao quyết định cho hai tân phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ trao quyết định cho hai tân phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Tòa Cấp cao tại TP.HCM

có 2 phó chánh án mới

Tại hội nghị, đại diện TAND Tối cao đã công bố quyết định của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về việc bổ nhiệm chức danh thẩm phán cao cấp đối với các ông, bà: Nguyễn Thị Thúy Hòa, Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Xuân Thiện.

Đồng thời, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký các quyết định điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Thiện (sinh năm 1972, thẩm phán cao cấp, Vụ trưởng Vụ Giám đốc kiểm tra I) và ông Phan Thanh Tùng (sinh năm 1965, chánh tòa Tòa Dân sự TAND Cấp cao tại TP.HCM) giữ chức vụ phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM.

Cũng tại hội nghị đã diễn ra lễ trao Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước cho các ông Phạm Hồng Phong và Nguyễn Hữu Trí (cùng là nguyên phó chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM).

Về án hình sự, tòa thụ lý 1.244 vụ, giải quyết 1.004 vụ, đạt tỉ lệ 80,71%. Án hành chính, tòa thụ lý 1.275 vụ, giải quyết 1.070 vụ, đạt tỉ lệ 83,92%. Án dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động, tòa thụ lý 1.264 vụ, giải quyết 964 vụ, đạt tỉ lệ 76,27%.

Nhìn chung, số lượng án thụ lý năm 2022 tăng nhiều so với năm 2021 nhưng tỉ lệ giải quyết có sự bứt phá mạnh mẽ. Nhiều loại án chưa đạt chỉ tiêu nhưng tỉ lệ giải quyết chung tăng cao hơn so với năm 2021, nhất là tỉ lệ giải quyết án hành chính.

Công tác xét xử án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra tình trạng oan, sai. Công tác xét xử án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và hành chính cơ bản đúng pháp luật tố tụng.

Về công tác thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, trong năm, đơn vị đã thụ lý 6.609 đơn (giảm 1.164 đơn so với năm 2021). Trong đó, 4.383 đơn là năm 2021 chuyển sang và 2.226 đơn mới thụ lý. Tòa đã giải quyết 3.361 đơn (giảm 29 đơn so với năm 2021), tỉ lệ giải quyết đạt 50,85% (tăng 7,25% so với năm 2021).

Tuy số lượng thụ lý mới năm 2022 là 2.226 đơn nhưng thực tế, số lượng đơn tiếp nhận và xử lý trong năm rất lớn nên công tác xử lý đòi hỏi nhiều thời gian và nhân lực.

Cụ thể, đơn vị đã tiếp nhận 8.805 đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm các loại. Kết quả xử lý cho thấy trong số đơn đã tiếp nhận có 2.229 đơn đủ điều kiện thụ lý mới và 6.576 đơn không thuộc thẩm quyền hoặc trùng lặp.

Tính riêng năm 2022, số đơn giám đốc thẩm, tái thẩm đã giải quyết đạt trên 150% so với số đơn thụ lý mới trong năm, từ đó góp phần kéo giảm khối lượng đơn tồn chuyển sang năm 2023.

105 bản án bị hủy, sửa

Trong năm 2022, Chánh án TAND Cấp cao tại TP.HCM đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm 137 vụ án các loại, tăng ba vụ so với năm 2021.

Mặt khác, TAND Tối cao đã hủy, sửa 105 bản án của TAND Cấp cao tại TP.HCM theo trình tự giám đốc thẩm và tái thẩm. Tỉ lệ án bị hủy chung là 3,05%, tăng 1,55% so với năm 2021.

Năm 2022, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã thụ lý theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm tổng cộng 574 vụ. Tòa đã giải quyết 406 vụ, giảm 35 vụ so với năm 2021, tỉ lệ giải quyết đạt 70,73%.

Kết quả, đình chỉ do rút kháng nghị tám vụ, chấp nhận kháng nghị 317 vụ và không chấp nhận kháng nghị 81 vụ (hầu hết là các vụ việc do VKSND Cấp cao tại TP.HCM kháng nghị).

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ đánh giá cao những kết quả mà TAND Cấp cao tại TP.HCM đã đạt được.

Ông Tuệ chia sẻ Bộ Chính trị đã đồng ý giữ lại 10% biên chế cho ngành tòa án, thay vì phải giảm như kết luận trước đây. Tuy nhiên, số biên chế này sẽ được tuyển cho các vị trí khác, còn biên chế thẩm phán sẽ không tăng. “Thư ký quý hơn thẩm phán, đây là một thực tiễn…” - ông nói.

Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế của TAND Cấp cao tại TP.HCM, ông Tuệ cho rằng việc hơn 100 bản án, quyết định của tòa này bị Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao hủy, sửa là “một vấn đề lớn”.

Nhiều bản án đã được Tòa Cấp cao xử giám đốc thẩm rồi chính quyết định giám đốc thẩm đó lại bị Tòa Tối cao xử giám đốc thẩm, trở về kết quả ban đầu. Do đó, Tòa Cấp cao cần phải nâng cao chất lượng xét xử hơn nữa.

Tòa Thủ Đức giải quyết án hình sự đạt gần 100%

Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chánh án TAND TP Thủ Đức Nguyễn Thành Vinh. Ảnh: HOÀNG GIANG

Chiều cùng ngày, TAND TP Thủ Đức (TP.HCM) tổ chức hội nghị triển khai công tác năm 2023.

Theo báo cáo, năm 2022 TAND TP Thủ Đức phải giải quyết 6.418 vụ việc, đã giải quyết 5.540 vụ việc, còn lại 878 vụ việc, đạt tỉ lệ 86,32%. Tỉ lệ giải quyết các loại án dân sự mở rộng (dân sự, hôn nhân, kinh doanh thương mại, lao động) đạt 85%; hành chính đạt 76%; hình sự đạt 99,83%; phá sản đạt 81,82%.

Đáng chú ý, công tác giải quyết án hình sự đạt kết quả nổi trội. Trong 588 vụ án cần giải quyết, đã giải quyết 587 vụ án, đạt tỉ lệ 99,83%.

Năm 2022, TAND TP Thủ Đức là đơn vị thi đua xuất sắc, được nhận cờ thi đua của TAND Tối cao.

Năm 2023, tòa sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong hoạt động công vụ, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có sai phạm. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại án, đảm bảo xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm…

Hội nghị cũng công bố quyết định của Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, bổ nhiệm bà Cao Thị Hiền Lũy (sinh năm 1976, thẩm phán trung cấp, Chánh tòa Tòa Dân sự TAND TP Thủ Đức) giữ chức vụ phó chánh án TAND TP Thủ Đức.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm