Doping: Đừng đổ lỗi cho thiếu hiểu biết và thiếu trang thiết bị

(PLO)- Ngoài những vụ đang chờ kết luận chính thức, Việt Nam đã có 16 trường hợp doping xuyên suốt từ SEA Games 22-2003 đến nay và sáu VĐV thuộc Liên đoàn Cử tạ, Thể hình Việt Nam bị phát hiện trước SEA Games 31.

Thể thao Việt Nam (TTVN) đang trong tình trạng “ngồi trên lửa” vụ doping tại SEA Games 31 ồn ào suốt tuần qua dù chưa có một kết luận chính thức nào.

Điền kinh, môn thi đấu thành công nhất của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31, đang hồi hộp chờ kết luận từ Ủy ban Phòng chống doping thế giới. Ảnh: ANH PHƯƠNG

Hoàng Anh Tuấn, HCB Olympic 2008, từng bị phát hiện doping năm 2010 và tiêu tan sự nghiệp từ đấy. Ảnh: CTV

Tôi hỏi thẳng, hỏi thật những nhà làm TTVN, đặc biệt là những vị từng là trưởng đoàn, từng tiếp cận với lãnh đạo thể thao thế giới về những ồn ào quanh vụ doping mà tất cả đều cẩn trọng ở dấu hỏi và từ “nếu”, “sẽ” thì đều nhận được chung một câu trả lời như: Chưa kết luận vì tổ chức chống doping cực kỳ cẩn trọng nhưng một khi tổ chức này thông báo mẫu A dương tính thì tỉ lệ sai chỉ là 0,1%...

Vấn đề ở đây không còn là chuyện tước huy chương hay hình phạt nào dành cho những VĐV dính doping mà là thể diện của một nền thể thao quốc gia đang ở vị trí số 1 Đông Nam Á.

Bây giờ, hỏi các quan chức thể thao, kể cả những nhân vật cốt cán ở bộ phận phòng chống doping của VN cũng không vị nào dám trả lời. Một phần vì mới chỉ là thông báo “Có khả năng từ mẫu A” và phần còn lại là TTVN dù có phòng chống doping nhưng việc triệt để đối diện với công tác này còn rất sơ sài.

Hầu hết trong những lần vi phạm với chất cấm trên, giải thích chung chung chỉ là “vô tình” hay “do thiếu hiểu biết”.

Nói ra thì mất lòng nhưng nói thẳng, nói thật như nguyên trưởng đoàn TTVN được xem là “cây đại thụ” trong làng TTVN - ông Nguyễn Hồng Minh thì từ nhận thức của VĐV, HLV đến một số bộ phận lãnh đạo, quản lý TTVN rất yếu trong công tác phòng chống doping vốn được xem là điểm rất quan trọng trong thi đấu thể thao đỉnh cao.

Nên nhớ trước SEA Games 31, TTVN mà cụ thể là Liên đoàn (LĐ) Cử tạ, Thể hình VN đã chủ động loại sáu VĐV từ kết quả dương tính với chất cấm ngay trước thềm SEA Games 31 khởi tranh. Có thể nói đấy là bộ môn duy nhất “sàng lọc doping” trước SEA Games mà bộ môn, liên đoàn này lại do chính ông Nguyễn Hồng Minh làm phó chủ tịch LĐ.

Rõ ràng qua việc chủ động sàng lọc và loại VĐV dương tính với chất cấm của LĐ Cử tạ, Thể hình VN đã cho thấy nếu những nhà làm thể thao hoặc trong tổ chức các LĐ hiểu rõ được tầm quan trọng của việc phòng chống doping và có trách nhiệm như ở LĐ Cử tạ, Thể hình thì có thể bấy giờ ngành thể thao VN đã không “ngồi trên lửa” chờ cái 0,1% của mẫu B khác với mẫu A.

Trước đây, TTVN từng có 16 VĐV bị phát hiện doping bắt đầu từ SEA Games 22-2003 mà VN đăng cai lần đầu nhưng tiếc rằng 16 trường hợp trên vẫn được xem chưa phải là sự cảnh báo cao độ về phòng chống doping. Nói là TTVN hời hợt cũng đúng, mà cho là thiếu hiểu biết về tầm quan trọng trong thể thao đỉnh cao cũng không sai.

Hầu hết trong những lần vi phạm với chất cấm trên, giải thích chung chung chỉ là “vô tình” hay “do thiếu hiểu biết” như trường hợp “búp bê” Ngân Thương sử dụng thuốc giảm cân để “chống béo” có chất Furosemide giúp lợi tiểu trước Olympic Bắc Kinh 2008. Hay đô cử Hoàng Anh Tuấn từng đoạt HCB Olympic Bắc Kinh bị phát hiện dương tính với chất Oxilofrine tại giải vô địch thế giới năm 2010 và chấm dứt sự nghiệp vì “vô tình” nạp chất cấm Oxilofrine sau một lần uống nước đóng chai ở Trung Quốc…

Trao đổi với chúng tôi, những chuyên gia kỳ cựu trong ngành thể thao chia sẻ rằng nếu qua 16 trường hợp từng dính doping và gần nhất là việc LĐ Cử tạ, Thể hình VN chủ động loại sáu VĐV có chất cấm trước thềm SEA Games 31 thì các LĐ và những nhà lãnh đạo thể thao càng phải quyết liệt hơn thì bây giờ đâu có vào cảnh “ngồi trên lửa”.

Trạng thái hồi hộp chờ kết luận dính doping và công bố kỷ luật, tước huy chương của một số VĐV rõ ràng là một cú sốc lớn cho đoàn thể thao đứng đầu Đông Nam Á tại SEA Games vừa qua với 205 HCV; 125 HCB, 116 HCĐ, bỏ rất xa đoàn thứ nhì.

Cá nhân tôi không đồng tình với quan điểm vì Trung tâm doping và y học thể thao của Tổng cục TDTT VN được thành lập năm 2011 chưa được trang bị đầy đủ hoặc thiếu sự đầu tư của các cấp nên còn nhiều hạn chế trong phòng chống doping của đoàn TTVN. Bởi đằng sau đó còn là uy tín và thể diện của một nền thể thao mà chúng ta không thể tự hào với vị trí số 1 nhưng lại “chết” vì doping và cứ đổ lỗi cho thiếu hiểu biết hay hạn chế bởi điều kiện này nọ.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới